Bé lớp 1 nghiện quay Tiktok, gia đình hốt hoảng đưa con đi khám tâm thần

2022-04-01 16:29
- Sau khi phát hiện con gái học lớp 1 chơi Tiktok có các biểu hiện bất thường, bố mẹ vội vàng can thiệp nhưng đã quá muộn và phải đưa bé vào bệnh viện tâm thần khám.

Tiktok đang là mạng xã hội được nhiều người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ. Theo thống kê chưa đầy đủ, dù xuất hiện chưa lâu tại Việt Nam, tới nay có trên 13 triệu người dùng mạng xã hội này. Độ tuổi sử dụng Tiktok phổ biến nhất tại nước ta là từ 13 đến 24, tuy nhiên thực tế số trẻ dưới 13 tuổi dùng mạng xã hội này khá nhiều.

TS.BS Trần Thị Hồng Thu - Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, dù nghiện Tiktok chưa được xếp vào bệnh lý tâm thần, tuy nhiên trong quá trình thăm khám, các bác sĩ đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ ở lứa tuổi học sinh được gia đình đưa đến vì “quá mê” Tiktok.

Mới đây bé gái lớp 1 (Hà Nội) được gia đình đưa tới gặp TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương để xin thăm khám, tư vấn về tình trạng sức khỏe tâm thần.

Theo gia đình, từ khi học online, bé bắt đầu thích xem Tiktok (nền tảng video âm nhạc, mạng xã hội) và nhờ bố mẹ quay các đoạn video ngắn bắt chước các video nổi tiếng, chủ yếu là những bài hát dễ thuộc, câu hát đang thu hút sự chú ý của nhiều người, kèm với đó là một vài động tác phụ họa để đăng tải lên nền tảng này. Thời gian đầu, thấy bé bắt chước giống và có nhiều người xem, gia đình rất hứng thú, nghĩ con có năng khiếu nên để cho bé vui vẻ. Tuy nhiên, dần dần, trẻ ngày càng ham lên mạng xã hội, bỏ bê học hành và tự quay video mà không cần nhờ trợ giúp từ bố mẹ.

Bé lớp 1 nghiện quay Tiktok, gia đình hốt hoảng đưa con đi khám tâm thần

Nghiện Tiktok cũng giống như nghiện game, cần phải có lộ trình cai nghiện. Ảnh minh họa.

"Thấy con mê quay video với những nội dung vô nghĩa, bắt chước các trò nhảy nhót thái quá, quên cả việc học, khi bị nhắc nhở lại tự nhốt mình trong phòng để tự quay video, tôi lo quá nên vội đưa đến viện thăm khám”, mẹ bé gái tâm sự.

TS hướng dẫn cha mẹ bé, ban đầu không nên cấm con một cách đột ngột, mà cần lấy việc “được vào mạng xem” làm phần thưởng. Ví dụ, nếu học tập tốt, được điểm cao, hoàn thành bài tốt… thì bé sẽ được chơi trong một thời gian nhất định. Sau khi “kéo” con ra khỏi việc chơi mạng thường xuyên, dần dần sẽ áp dụng lộ trình chấm dứt hoàn toàn, không thể mãi coi đó là một phần thưởng thường xuyên.

“Thực chất, việc này cũng giống như cai nghiện game, phải giảm thời gian chơi từ từ, rồi mới chấm dứt hoàn toàn. Bởi nếu không quyết đoán trẻ rất dễ tái "nghiện" và lần sau cai sẽ khó hơn nhiều”, TS Thu tư vấn.

Theo TS Thu, nghiện Tiktok cũng như nghiện chơi game, nghiện Facebook, tức người dùng bị cuốn hút vào thế giới ảo gây hạn chế những kỹ năng khác. Người trưởng thành thì bỏ bê công việc, bỏ ăn, bỏ ngủ để vào mạng, còn học sinh thì lực học giảm sút, không tập trung, giảm chú ý…

“Một vấn đề với những người trẻ bị nghiện internet nói chung và Tiktok nói riêng là ảnh hưởng đến nhận thức, có thể gây hậu quả lâu dài cho tương lai. Trẻ gặp tình trạng này có đặc điểm chung là dáng vẻ lơ ngơ”, TS Thu nói.

Ni Trần (Tổng hợp)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Vụ 662 học sinh ngộ độc ở Trường iSchool Nha Trang: Phát hiện 3 loại vi khuẩn trong nước mắm và cánh gà chiên