3 lưu ý cần "nằm lòng" để tránh nhầm chân ga khi đi ô tô
Tin liên quan
Tại Việt Nam, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra do người điều khiển ô tô bị nhầm lẫn giữa chân phanh và ga. Và vấn đề này xảy ra với mọi đối tượng từ già, trẻ, nam hay nữ. Không chỉ tại Việt Nam, trên thế giới nhiều vụ tai nạn liên quan đến việc nhầm lẫn giữa chân phanh và ga cũng xảy ra thường xuyên.
Theo Cơ quan An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA), mỗi năm có 16.000 vụ tai nạn liên quan tới vấn đề này. Tài xế dưới 20 tuổi và trên 65 tuổi là nhóm người dễ nhầm ga/phanh nhất.
Chia sẻ trên mạng xã hội về hình ảnh ông Hoàng Ngọc Vĩnh (63 tuổi)- người gây ra vụ tai nạn liên hoan đâm 17 xe máy ở Hà Nội đi dép lê nhận được khoảng 6 nghìn lượt likes và 2,4 lượt bình luận sau ít giờ đăng tải. (Ảnh chụp màn hình)
Theo các chuyên gia hướng dẫn lái xe an toàn, lỗi đạp nhầm chân ga và chân phanh có thể xảy ra với người lái cả ô tô số sàn và số tự động. Nhưng, trên xe số tự động vì không có chân côn nên xe thường lao nhanh hơn và dẫn đến mất kiểm soát. Còn xe số sàn thì xe thường khó vọt nhanh vì có chân côn, việc đạp phanh thường được thực hiện đồng thời cùng đạp côn nên nếu nhầm lẫn thì động cơ rú lên chứ xe không di chuyển.
Việc gây ra đạp nhầm chân phanh và ga thường xảy ra khi bị mất bình tĩnh, hoảng loạn do gặp tình huống bất ngờ. Từ đó, khiến người lái phản xạ ngoài ý muốn dẫn đến nhầm lẫn chân phanh và ga.
Tài xế có thể hạn chế mắc lỗi nếu hình thành thói quen vận hành xe đúng cách.
- Nắm vững vị trí chân ga, chân phanh
Với xe số sàn, chân ga nằm ở vị trí ngoài cùng bên phải theo vị trí của người lái, tiếp theo là chân phanh (ở giữa) và ngoài cùng bên trái là chân côn.
Với xe số tự động, bàn đạp vị trí ở ngoài cùng bên trái không có hoặc được thay bằng phần để chân vì xe không có chân côn. Hai vị trí còn lại vẫn như vậy, ngoài cùng bên phải tiếp tục là chân ga và bên cạnh là chân phanh.
Với một chiếc xe mới hoặc ít lái xe, tài xế kéo phanh tay, đạp phanh chân, để cần số ở vị trí N hoặc P. Khởi động xe ở chế độ không tải, sau đó "dò" bằng cách nhấn chân nhẹ nhàng để khẳng định lại một lần nữa vị trí của chân ga, chân phanh.
- Chỉ dùng chân phải và gót chạm sàn
Riêng với chân trái, nếu là xe số sàn thì nó sẽ đảm nhận vị trí bàn đạp côn. Xe số tự động không có chân côn thì lúc này chân trái của tài xế vẫn đặt ở khu vực đó như với xe số sàn, chỉ khác là ở trạng thái nghỉ, không phải thao tác hay hoạt động gì.
Chân phải sẽ đảm nhiệm cả bàn đạp ga và phanh. Trong đó, quy tắc cửa miệng được các tài xế lâu năm truyền nhau là "rời chân ga là phải rà chân phanh". Điều đó có nghĩa, trong cùng một thời điểm thì chân phải chỉ làm 1 trong 2 nhiệm vụ: hoặc là ga hoặc là phanh và cũng không có chuyện rời chân phải đi bất kỳ vị trí nào khác để nghỉ khi đang lái xe.
- Dùng trang phục phù hợp, tập trung lái xe
Trang phục, đặc biệt là giày dép ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng điều khiển xe. Với phụ nữ, việc đi giày cao gót với phần tiếp xúc mặt sàn nhỏ và cứng, khiến cho việc thao tác trở nên khó khăn. Trong khi đó, nam giới đi dép lê điều khiển chân ga, chân phanh cũng có thể bị trượt chân khỏi bàn đạp.
Tài xế điều khiển ô tô nên sử dụng giày đế mỏng, phẳng để thao tác dễ dàng và "có cảm giác" chân thật hơn. Trường hợp phải đi dép lê hay giày cao gót, hãy để sẵn trên ô tô một đôi giày phù hợp để chuyên dùng khi lái xe. Việc thay đổi giữa chúng chỉ mất một vài phút nhưng sẽ mang lại sự thoải mái, tự tin cho tài xế suốt hành trình.
N. T (Tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất