Không có thuốc giải, 3 người ngộ độc botulium ở TP HCM chỉ còn biết... thở máy
Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, có 3 ca nhiễm độc Botulinum trên địa bàn. Đó là 3 người dân trên địa bàn thành phố Thủ Đức với các triệu chứng nhiễm độc sau khi ăn món chả lụa và mắm. Điều đáng lo ngại là các bệnh viện khu vực phía Nam không còn thuốc giải độc đặc hiệu.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ngày 15/5, đơn vị này tiếp nhận một bệnh nhân 26 tuổi, ngụ thành phố Thủ Đức với trạng thái yếu cơ, khó nuốt. Theo lời kể của bệnh nhân, ngày 13/5, anh và em trai ruột 18 tuổi có mua chả lụa từ một người bán dạo để ăn với bánh mì. Chả lụa được gói kín trong lớp bao nilon và một lớp lá chuối. Sau ăn, cả hai anh em đều có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, đau đầu choáng váng và đau bụng, có biểu hiện bị tiêu chảy. Sau đó đến ngày 14/5 và 15/5 thì tình trạng tiến triển nhiều hơn và bắt đầu yếu cơ, khó nuốt. Do người em 18 tuổi có diễn biến yếu sức cơ, khó nuốt sớm hơn nên nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. Còn người anh thì có triệu chứng nhẹ hơn nên tự đến Bệnh viện Chợ Rẫy khám và được chỉ định nhập viện vào ngày hôm sau.
Trong khi đó, nếu có thuốc giải độc BAT thì chỉ trong vòng 48 - 72 giờ là bệnh nhân thoát khỏi tình trạng bị liệt, không phải thở máy. Còn nếu đã thở máy 1-2 ngày thì chỉ cần 5-7 ngày là bệnh nhân có thể bỏ được máy thở, tập vật lý trị liệu sớm hồi phục, trở lại cuộc sống ngày thường.
Sau khi hai lọ thuốc giải độc cuối cùng được chuyển từ Quảng Nam vào cứu ba trẻ bị ngộ độc, ngày 17-5 Bệnh viện Chợ Rẫy đã khẩn cấp gửi công văn đến Bộ Y tế xin phép mua thêm thuốc BAT và đang chờ hướng dẫn.
Không chỉ riêng câu chuyện độc tố botulinum, không ít bệnh nhi đã phải tử vong do rắn cắn vì không có huyết thanh giải độc. Điển hình trường hợp bé 4 tuổi tại Phú Yên bị rắn cạp nia cắn nhưng không có huyết thanh kháng nọc rắn nên bé đã tử vong.
Số liệu thống kê từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy số lượng bệnh nhân bị ngộ độc do rắn cắn đang gia tăng theo thời gian, nếu như năm 2010 - 2011 ghi nhận dưới 300 ca thì năm 2018 - 2021 hơn 700 ca.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, giám đốc Trung tâm chống độc, cũng cho biết nhiều loại thuốc hiếm như huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, thuốc giải ngộ độc clostridium botulinum, giải độc cho bệnh nhân ngộ độc asen, thủy ngân... đều rất hạn chế.
Thu Trang (tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất