Dự kiến tăng lương từ năm 2023: Mức hưởng ốm đau, thai sản tăng lên bao nhiêu?

2022-10-20 17:05
- Trong trường hợp lương cơ sở 2023 được điều chỉnh tăng thì các mức hưởng ốm đau, thai sản có liên quan đến lương cơ sở cũng được điều chỉnh tăng cho phù hợp với mức lương cơ sở mới.

Ngày 11/10/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định việc chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27, thực hiện tăng lương cơ sở, phụ cấp ưu đãi nghề lĩnh vực y tế, lương hưu cho đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, ưu đãi đối với người có công trong năm 2023.

Cụ thể, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết Chính phủ đang trình Quốc hội điều chỉnh mức lương cơ sở, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng/tháng (tăng khoảng 20,8%). Đồng thời, tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng với đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm; hỗ trợ thêm các đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 với mức lương thấp; tăng chi trợ cấp ưu đãi đối với người có công và các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở... Việc điều chỉnh này thực hiện từ ngày 1-7-2023; đồng thời điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ dự phòng và y tế cơ sở thực hiện từ ngày 1-1-2023.

Như vậy, tại kỳ họp Quốc hội sắp tới (kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV) sẽ xem xét việc có điều chỉnh tăng lương cơ sở 2023 hay không. Trong trường hợp lương cơ sở 2023 được điều chỉnh tăng thì các mức hưởng ốm đau, thai sản có liên quan đến lương cơ sở cũng được điều chỉnh tăng cho phù hợp với mức lương cơ sở mới. 

Dự kiến tăng lương từ năm 2023: Mức hưởng ốm đau, thai sản tăng lên bao nhiêu?

1. Tăng mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau

Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở (hiện nay là 447.000 đồng/ngày). Nếu mức lương cơ sở 2023 tăng thì mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sau khi ốm đau cũng sẽ tăng tương ứng.

Điều 29. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau – Luật Bảo hiểm xã hội 2014

1. Người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định tại Điều 26 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày trong một năm.

Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.

2. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa có công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định như sau:

a) Tối đa 10 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày;

b) Tối đa 07 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật;

c) Bằng 05 ngày đối với các trường hợp khác.

3. Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

2. Tăng trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi

Căn cứ Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.

Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

Hiện nay, 02 lần mức lương cơ sở là 2.980.000 đồng, nếu mức lương cơ sở 2023 tăng thì mức trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận con nuôi sẽ tăng tương ứng.

3. Tăng mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản

Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở (hiện nay là 447.000 đồng/ngày). Nếu mức lương cơ sở 2023 tăng thì mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sau thai sản cũng sẽ tăng tương ứng.

Điều 41. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản – Luật Bảo hiểm xã hội 2014

1. Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.

Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.

2. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều này do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:

a) Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;

b) Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;

c) Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.

3. Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

Ni Trần (Tổng hợp)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Vụ 662 học sinh ngộ độc ở Trường iSchool Nha Trang: Phát hiện 3 loại vi khuẩn trong nước mắm và cánh gà chiên