Hàng tấn cá ươn “leo” lên… bàn nhậu

2016-05-13 14:12
- Theo chân những người thường xuyên mua cá ươn giá rẻ tại chợ thực phẩm Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội), chúng tôi hoàn toàn bất ngờ khi phát hiện số cá này được tuồn vào các quán ăn, bún cá đặc sản…
Mỗi ngày bán 8 tạ cá
Theo tìm hiểu của PV Báo GĐ&XH, mỗi ngày, chợ thực phẩm Dịch Vọng Hậu tiêu thụ khoảng 800kg cá các loại. Tại đây, có 27 hộ kinh doanh mặt hàng thủy sản hoạt động hàng ngày từ rạng sáng đến 9h. Theo quan sát của PV, nhiều tiểu thương thường trực tiếp đánh vảy, mổ và xẻ cá ngay trên nền xi măng nhem nhuốc, bẩn thỉu. Sau khi lọc thịt cá, các tiểu thương tiến hành gom phần thịt vào các túi nilon, xếp vào một góc chờ các đầu nậu đến thu mua.
Qua quan sát, rất nhiều cá được bày bán đã bị ươn và bốc mùi khó chịu. Từ việc khảo sát giá cho thấy, những loại cá đã bị ươn này được các tiểu thương bán với giá khá rẻ, chỉ bằng 1/3 đến 1/2 so với giá bán cá tươi ngoài thị trường.

Cá được sơ chế trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh. Ảnh: Cao Tuân

Sau khi dạo quanh một vòng, trong vai một vị khách mua cá, chúng tôi dừng lại trước một quầy nhỏ có 2 người đang hì hục mổ những con cá đã ươn, có mùi hôi nồng nặc. Khi hỏi giá thì một người phụ nữ trẻ tuổi trả lời: “Cá này nhìn thế thôi nhưng vừa mới chết, còn ngon lắm. Em mua cá trắm về mà kho, chỉ 30 nghìn đồng/kg. Nếu em lấy nhiều chị sẽ giảm giá nữa”.
Ngay hàng bên cạnh chúng tôi quan sát có 3 túi ni lông đựng cá đã được lọc thịt thành phẩm, khi tôi hỏi mua thì người chủ hàng cho biết: “Số cá kia đã có các quán bún và nhà hàng đặt cả rồi, nếu muốn lấy thì phải ngồi đợi thôi”.
Tại khu chợ, mặc dù cá đã ươn và bốc mùi nhưng luôn tấp nập kẻ bán, người mua, chủ yếu là cá rô phi đã được lọc bỏ xương. “Cá chết rồi mà để cả con thì rất khó bán. Mình phải chặt khúc hoặc xẻ thịt thì dễ bán hơn. Do giá rẻ nên cũng dễ bán và có nhiều khách quen thu mua với số lượng cả chục kg mỗi người”, chị tiểu thương nói chuyện với một đầu nậu. Theo đó, cá ươn, thối sau khi được lọc sẵn thành phẩm thì có giá từ 15 - 30 nghìn đồng/kg, nếu các tiểu thương tự lọc và tự đi giao đến các cửa hàng thì giá sẽ tăng chút ít. Còn nếu các “trung gian” đến lấy cá rồi đi giao cho các cửa hàng thì giá cả họ tự thỏa thuận với nhau.
Cá ươn thành… món khoái khẩu
Có mặt tại chợ thực phẩm Dịch Vọng Hậu từ 5h đến 7h sáng, chúng tôi bắt gặp những nam thanh niên đi xe chở hàng đến chợ lấy cá đã được chặt khúc hoặc xẻ thịt để đi giao hàng. Theo chân một nam thanh niên cầm 1 túi cá chừng 15kg nhem nhuốc, bẩn thỉu từ chợ đầu mối này, chúng tôi tận mắt chứng kiến người này mang số cá được mua với giá rẻ trên vào quán bún cá trong một con ngõ ở đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy.
Sau khi giao hàng tại quán bún cá nói trên, nam thanh niên tiếp tục quay lại chợ đầu mối. Tại đây, người này tiếp tục lấy hai túi cá trắm lớn đã cắt khúc với giá 28 nghìn đồng/kg và giao cho quán cơm bình dân trên đường K2 Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm).
Hàng tấn cá ươn “leo” lên… bàn nhậu
Qua tìm hiểu của PV được biết, các khu vực chính mà “đầu nậu trung gian” đi bỏ mối thường là các quán bún cá, quán cơm bình dân, nhà hàng nhỏ ở khu vực Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và quanh bến xe Mỹ Đình… Quanh khu vực này thường tập trung nhiều sinh viên, công nhân lao động, hành khách đi xe…
Vậy là lâu nay, không ít món cá ươn thối được bày bán tại chợ thực phẩm Dịch Vọng Hậu. Bằng một vài thủ thuật, các chủ quán ăn lại “phù phép” để trở thành món ăn được nhiều người ưa thích.
Ban quản lý chợ vẫn thấy “đảm bảo”?!
Trả lời với PV Báo GĐ&XH, bà Trương Thị Hường, Phó Trưởng BQL chợ Dịch Vọng Hậu cho biết: “Chợ Dịch Vọng Hậu buôn bán với số lượng cá rất lớn, mỗi buổi sáng sớm có cả xe tải chở cá từ các tỉnh Hà Nam, Nam Định mang đến. Thường thì các hộ kinh doanh bán cá cho các hàng quán với số lượng lớn nên họ làm thịt tại chợ luôn”. “Cũng có trường hợp cá chết nhưng chỉ vài con thôi. Còn việc cá có ruồi nhặng bâu là do trời nắng nóng nên những con cá chết bốc mùi khó chịu. Theo cảm quan kinh nghiệm quản lý của tôi thì cá bán ở chợ thực phẩm Dịch Vọng Hậu vẫn được coi là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”(?!) vị phó BQL cho hay.
Bà Hường cũng cho biết: “Khu chợ cá hoạt động từ 2 năm trở lại đây với khoảng 30 hộ kinh doanh. Tôi nghĩ trường hợp gom cá chết mang đến đây bán là khó tránh khỏi nhưng rất ít. Chúng tôi chỉ có công tác quản lý chợ còn về chất lượng thực phẩm thì thuộc đơn vị khác. Bên cạnh đó, việc cá được vận chuyển đi đâu chúng tôi cũng không nắm rõ được. BQL chợ cũng không có chức năng xử phạt mà chỉ được phép đình chỉ khi phát hiện hộ kinh doanh vi phạm về vệ sinh môi trường”.
Trước những thông tin Báo GĐ&XH phản ánh, bà Hường cho biết BQL chợ thực phẩm Dịch Vọng Hậu sẽ tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, đặc biệt là về nguồn gốc cá để góp phần ngăn ngừa thực phẩm bẩn, độc hại.
Đạo đức kinh doanh bị xuống cấp
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, TS Trần Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho rằng, việc các tiểu thương buôn bán cá chết cho các quán ăn cho thấy vấn đề đạo đức kinh doanh bị xuống cấp nghiêm trọng. Vì ham lợi nhuận cao nên không ít các chủ quán cơm bình dân, nhà hàng đã mua những thực phẩm không đảm bảo vệ sinh về để chế biến. “Với những loại cá chết không rõ nguồn gốc hoặc cá ươn thối sẽ nhiễm vi khuẩn và phát sinh nhiều độc tố, điều này gây nguy hại đến sức khỏe người dùng”, TS Trung cho hay.
Đồng thời vị chuyên gia này cũng đưa ra khuyến cáo, trong thời buổi thực phẩm độc hại tràn lan thì người tiêu dùng cần phải tỉnh táo. Cách đơn giản nhất là người dân khi mua cá cần kiểm tra mangcá. Khi thấy mang cá đen ngòm và có mùi khó chịu thì không nên mua. Đặc biệt, người dân nên mua cá tươi cả con chứ không nên mua cá chết đã chặt khúc hoặc cá đã xẻ thịt vì không đảm bảo.
Theo GĐ&XH

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Sự nhẹ nhàng của người phụ nữ đến từ sự chiều chuộng của người đàn ông