Hai năm ăn Tết xa nhà của cô dâu Việt tại Nhật
Tin liên quan
Sau 2 năm dịch bệnh, chị Trúc nhận ra việc trang hoàng nhà cửa hay bày biện món ăn đẹp mắt vào dịp Tết không còn quan trọng. Với chị, người thân được bình yên mới là điều trọn vẹn.
Từ khi sang Nhật Bản định cư, chị Hứa Đặng Thanh Trúc (33 tuổi, TP.HCM) thường về Việt Nam 1-2 lần/năm vừa để ăn Tết, vừa lo công việc cá nhân. Lần gần nhất chị về thăm nhà là Tết năm 2020.
Hai năm nay, do dịch bệnh căng thẳng, chị Trúc ăn Tết Nguyên đán cùng ông xã ở xứ Phù Tang.
“Điều khiến mình nhớ đến Tết không phải bánh mứt hay mâm cơm thịnh soạn, mà là không khí gia đình, là dịp tất cả thành viên có thể sum vầy cùng nhau trò chuyện về những gì đã qua trong năm”, chị nói với Zing .
Chị Trúc tự tay gói bánh chưng để cùng chồng đón Tết Âm lịch.
Tết xa quê hương
Chị Trúc chia sẻ do quan niệm về Tết của bản thân khá đơn giản, dịp này ở Nhật Bản và Việt Nam đối với chị không có nhiều khác biệt.
“Ngày lễ đầu năm cũng là dịp người Nhật ưu tiên cho việc đoàn tụ gia đình, gặp gỡ người thân, bạn bè và đi đền cầu nguyện cho một năm mới trọn vẹn”, chị nói.
Tết Âm lịch năm ngoái, chị Trúc tự viết câu đối và làm pháo Tết để trang trí nhà cửa. Bên cạnh đó, chị nấu vài món ăn cơ bản như bánh chưng, giá hẹ chua và thịt kho trứng để chia sẻ văn hóa ngày Tết cùng chồng.
Năm nay, chị Trúc gói bánh và gửi cho em gái đang sinh sống tại thành phố Osaka để cùng san sẻ cái Tết xa nhà.
Chị Trúc tự tay viết câu đối và làm pháo Tết để trang trí nhà cửa trong dịp Tết Nguyên đán năm ngoái.
“Chứng kiến bao đau thương, mất mát trong 2 năm vừa qua, mình nhận ra việc trang hoàng nhà cửa hay bày biện các món ăn đẹp mắt vào ngày này không còn quá quan trọng nữa. Miễn là cha mẹ và các anh chị ở nhà được bình yên. Đó là cái Tết đầy đủ và trọn vẹn nhất đối với mình”, chị nói.
Chị Trúc sống ở xứ sở hoa anh đào 5 năm nay. Chồng chị là người Nhật nên bữa cơm gia đình chủ yếu là món Nhật. Tuy nhiên, không riêng dịp Tết Âm lịch, thỉnh thoảng chị lại chế biến món ăn Việt như gỏi cuốn, bánh xèo để nhớ hương vị quê nhà và cho ông xã thưởng thức.
Cải tạo không gian
Vợ chồng chị Trúc hiện sống ở căn hộ 40 m2 trong khu dân cư bình dân ở tỉnh Chiba. Dù là nhà thuê, hai người liên tục cải tạo, thay đổi cách bài trí không gian suốt 5 năm qua.
Vốn có sở thích làm đồ thủ công và trang trí nhà cửa, chị Trúc tự tay đóng mới nhiều đồ nội thất, trồng vườn rau và cây ăn trái ngoài ban công.
Từ bàn ăn, bàn đặt máy khâu, giá để đồ, kệ sách, kệ bếp đến quầy pha chế nhỏ đều được người vợ trẻ tự tay mua vật liệu phù hợp với túi tiền, dùng máy khoan, cưa, ốc, vít để hoàn thành.
Do diện tích nhà nhỏ, chị Trúc phân loại, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, khoa học và chia thành nhiều không gian riêng biệt. Trong đó, chị tự hào về gian bếp rộng 2,88 m2.
Ngoài công việc chính, chị Trúc có niềm đam mê làm đồ thủ công và trang trí nhà cửa.
Theo chị Trúc, kích thước căn bếp của gia đình chị là 1,6 m x 1,8 m. Ban đầu, những chiếc tủ bắt dính trên tường cao gây khó khăn cho người nhỏ con như chị. Hơn nữa, người vợ trẻ cảm thấy bí bách khi phải đứng nấu nướng trong không gian nhỏ hẹp.
Không thể thay đổi diện tích bếp, chị Trúc nghĩ đến việc cải tạo không gian sử dụng. Chị đóng thêm giá, kệ và sắp xếp lại vị trí của dụng cụ làm bếp sao cho phù hợp với nhu cầu sử dụng. Nhờ đó, không gian 2,88 m2 trở nên rộng rãi và thoải mái hơn.
“Dao, thìa, đũa, chén, tô ăn cơm hay dùng thì mình xếp vào ngăn tủ kéo đặt dưới kệ bếp và bồn rửa. Các lọ gia vị được đặt trên giá gỗ. Khăn lau bếp phân biệt theo màu sắc, xếp gọn gàng trên giá treo tường. Để có không gian chế biến, thái, chặt đồ ăn, mình tự đóng bàn gấp để lên trên bồn rửa”, chị cho hay.
Căn bếp 2,88 m2 được chị Trúc sắp xếp gọn gàng, khoa học.
Sống đơn giản
Năm đầu tiên sang Nhật, chị Trúc chưa có việc làm nên dành hầu hết thời gian ở nhà để tìm hiểu về trồng trọt, chăm vườn. Hiện chị có không gian 10 m2 để trồng hoa, rau củ và thảo mộc.
Tùy thời điểm trong năm, chị chọn giống cây phù hợp và cho biết việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, chống chọi sâu bệnh kịp thời là chìa khóa để khu vườn luôn phát triển tốt.
Mỗi ngày, chị Trúc dành khoảng 15-20 phút để tưới cây, cắt tỉa và bắt sâu bọ. Khu vườn ngập tràn sắc màu và hương thơm trở thành chốn nghỉ ngơi, thư giãn của gia đình chị sau ngày làm việc căng thẳng, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội.
Chị Trúc hiện có vài chục gốc dâu tây trong vườn. Tùy thời điểm trong năm, chị trồng nhiều loại hoa như hồng, cẩm tú cầu, dạ yến thảo cho đến rau củ như sả, rau răm, mướp đắng.
Bên cạnh tạo lập không gian sống đơn giản và thoải mái, chị Trúc còn có nhiều ý tưởng tái chế đồ cũ. Với chị, quần áo cũ và giấy là các vật liệu dễ tái chế nhất.
“Hình dáng và công dụng của món đồ tái chế đến từ nhu cầu của gia đình. Tùy vào độ khó của từng món, mình mất vài phút đến vài ngày để thực hiện. Mình đam mê tái chế, tái sử dụng vì vừa tiết kiệm chi phí, vừa giúp mình biết trân quý những gì mình đang có”, chị nói.
Khi chia sẻ kinh nghiệm sắp xếp, trang trí nhà cửa cũng như tái chế đồ cũ lên các hội, nhóm ở Việt Nam, chị Trúc nhận được nhiều lời khen ngợi nhưng cũng có ý kiến trái chiều.
“Ban đầu, nghe những lời như 'Chỉ có những kẻ điên mới đi trang trí nhà thuê', mình thấy khá buồn. Tuy nhiên, mình cũng học được cách thanh lọc suy nghĩ, tâm hồn. Mọi người hoàn toàn có thể gọi mình bằng những cái tên khó nghe, nhưng không thể nào thay đổi được quan niệm sống của mình. Và mình sẵn sàng tiếp tục làm kẻ điên để được sống trọn vẹn từng phút giây trong cuộc đời ngắn ngủi này”, chị khẳng định.
Chị Trúc dùng vỏ bắp để làm những chiếc vòng macrame và đèn treo để trang trí cho căn nhà.
Theo Zing
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất