Dù sao tôi cũng chỉ là hạng gái 'đổi sắc lấy tiền' mà thôi

X.M 2016-03-12 06:19
- Từ ngày bước vào con đường 'buôn hương bán phấn' ấy, tôi chẳng nhớ mình đã tiếp bao nhiêu khách làng chơi nữa, môi trường tôi sống chẳng khác gì một xã hội thu nhỏ với hàng trăm hạng người, đủ mọi tầng lớp. Mỗi người một tính cách điển hình cho một tầng lớp khác nhau.

Tôi sinh ra ở vùng trung du nghèo lại cộng thêm cái mác 'con rơi' đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với tuổi thơ nhiều sóng gió. Tôi là chị cả của gia đình có 2 chị em nhưng chẳng có bố, mẹ con tôi chịu sự kỳ thị, khinh rẻ của người đời. Mọi việc trong gia đình đều đến tay tôi cả, từ băm rau, thái chuối, ruộng vườn cùng mẹ nên tôi chẳng có thời gian học hành.

Lớn lên, tôi hiểu được cái nhìn khinh rẻ, xa lánh của người đời dành cho mẹ, họ nói mẹ là gái làm tiền, nói chúng tôi là con rơi con vãi. Có lẽ vì sự kỳ thị đã trở thành nếp nên dù cho có khuôn mặt ưa nhìn, vóc dáng cao ráo nhưng chẳng có chàng trai nào ngó ngàng đến tôi. Tôi xin mẹ lên thành phố đi làm, kiếm tiền cho em trai ăn học, chứ sống mãi ở cái làng này để người ta khinh rẻ tôi không chịu được. Ban đầu, mẹ không đồng ý, nhưng về sau bà nhìn thấy em trai tôi ham học lại miễn cưỡng gật đầu.

Và đó là lần cuối cùng người làng thấy một đứa con gái thật thà, chân chất, đậm chất quê như tôi. Cuộc đời tôi bắt đầu rẽ sang một khúc cua khác, chông chênh và đầy nước mắt. Tôi lên Hà Nội lang thang, rệu rã suốt 3 ngày với chiếc bánh mỳ cầm hơi và chai nước lọc. Dường như mọi cánh cửa đều đóng sập trước mắt tôi.

Có chỗ vẫn đề bảng cần người thì lại nói đã có người nhận rồi, có chỗ còn trống nhưng lại từ chối với những lý do tưởng chừng vu vơ nhưng có lý. Không dưới 3 nơi nói không nhận vì tôi đẹp thế, sợ không làm nổi việc, nặng nhọc, sợ tôi đỏng đảnh, không làm lâu được. Cố giải thích nhưng chẳng ai chấp nhận.

Cuối cùng may mắn cũng mỉm cười khi tôi xin được chân chạy bàn ở một quán ăn nhỏ. Nhưng bà chủ vô cùng ghê gớm, khó tính. Sau 2 ngày làm việc, bà thẳng thừng ném vào mặt tôi những câu sỗ sàng, yêu cầu tôi ăn mặc mát mẻ, phải tận dụng nhan sắc để giữ chân thực khách cho quán. Tôi từ chối thì bà ra điều kiện, hoặc làm hoặc nghỉ. Chị cùng làm an ủi, xoa dịu khiến tôi đỡ hoang mang và chấp nhận.

Dù sao tôi cũng chỉ là hạng gái 'đổi sắc lấy tiền' mà thôi
Đó là lần cuối cùng người làng còn được nhìn thấy một cô gái chân chất, đậm chất quê mùa. (Ảnh minh họa)

Vốn được trời phú cho vẻ ngoài ưa nhìn, bắt mắt lại được ăn mặc nên tôi trong càng rực rỡ, biết bao người trầm trồ. Và trong đó có cả con trai bà chủ quán. Tôi được anh ta săn đón, cưng nựng. Vốn là một thanh niên từng trải, dạn dày nên tôi ngã vào lòng anh ta dễ dàng, lúc nào không hay. Biết chuyện, bà chủ đánh, đuổi tôi khỏi quán, ném vào tôi những lời sỉ nhục, rằng tôi là kẻ mạt hạ, ăn mày cùng đường lấy nhan sắc quyến rũ con trai bà.

Tôi ê chề khi mình rũ rượi ra đi cũng chẳng thấy con bà chủ đâu nữa. Tôi lê thân về nhà trọ mà thấy tủi nhục đắng cay, chợt nhớ ra câu nói của bà, tôi hiểu mình có thứ mà người khác không có đó là nhan sắc trời cho. Tôi nhủ mình phải dùng nhan sắc để kiếm tiền để người đời, nhất là ở cái làng bé tí của tôi không còn khinh rẻ mẹ con tôi, dù là công việc gì đi nữa.

Thấy tôi nằm nhà mà khóc suốt ngày, cô bạn phòng trọ bên cạnh hỏi han và tôi đã không giấu diếm, kể hết nỗi niềm, không quên cả ước mơ đổi đời nữa. Cô bạn ấy đã nói nhất định sẽ giúp tôi, khi ấy tôi chẳng suy nghĩ gì thêm. Tôi cũng chẳng còn gì để mất nên làm theo những lời cô bạn nói và tôi yên tâm hơn, đó là nghề mà cô bạn trọ phòng bên cũng đang làm.

Từ ngày bước vào con đường 'buôn hương bán phấn' ấy, tôi chẳng nhớ mình đã tiếp biết bao nhiêu khách làng chơi nữa, môi trường tôi sống chẳng khác gì một xã hội thu nhỏ. Tiếp xúc  với hàng trăm hạng người, đủ mọi tầng lớp, mỗi người một tính cách điển hình cho một tầng lớp khác nhau. Ban đầu, tôi coi khinh những kẻ tìm đến phận gái bán hoa như mình, để giải quyết nhu cầu sinh lý hay đơn giản để kiếm tìm một cảm giác lạ nào đó. Dần dần, khi chai lỳ, tôi xem đó như cần câu cơm, giúp em có cơm ăn áo mặc, có tiền gửi về cho mẹ nuôi em.

Chỉ cần nghĩ đến cảnh mẹ tôi nai lưng đi cuốc đất, làm cỏ thuê ngoài đồng là tôi lại nhủ mình cố gắng. Ngày qua ngày, số lượng khách tôi tiếp càng nhiều. Không ngờ, mới có 2 năm thôi mà nhan sắc của tôi đã tàn phai đến thế, tôi già nua, nhăn nheo đến không ngờ. Khi không trang điểm chẳng ai tin nổi tôi mới hơn 20 tuổi.

Mấy năm làm gái, tôi đã quay lưng với nhan sắc, sức khỏe của mình, đến giờ, hai thứ đó đang vang lên tiếng nói bất lực. Những lúc tôi chán nản, mệt mỏi với nhan sắc của mình chính là khi tôi gặp người con trai tốt bụng. Anh là bảo vệ mới ở quán ka-ra-ô-kê nơi tôi thường lui tới hát hò, làm tay vịn cho khách.

Anh thừa biết tôi làm nghề gì, là con người như thế nào, nhưng anh vẫn yêu, vẫn theo đuổi và đưa bờ vai vững chãi của mình cho tôi dựa khi mệt mỏi nhất. Là người sẵn sàng đuổi theo, nói muốn đi cùng đường, đưa tôi về vì trời đã khuya. Anh cũng có hoàn cảnh khó khăn, một mẹ một con, bươn chải từ bé.

Anh cứ âm thầm bên cạnh tôi cho tới khi anh ngỏ lời và muốn tôi làm vợ anh. Tôi điếng người trước lời tỏ tình của anh, lẽ nào anh không biết tôi là hạng người nào sao? Hai má tôi nóng bừng, đầu tôi ong ong không tin nổi khi nghe câu nói ấy. Thời điểm ấy, tôi thấy anh tốt bụng, chân thành và bao dung tuyệt vời đến nhường nào. Nhưng tôi đã từ chối anh, từ chối  tình yêu ấy, bởi tôi biết mình không đủ tư cách để đón nhận tình cảm của bất cứ người đàn ông nào.

Nhưng anh vẫn săn đuổi dù cho tôi cố tình lẩn tránh. Đã có lúc, tôi muốn gật đầu nhưng nghĩ đến bản thân mình chẳng xứng đáng với anh. Rồi nếu như anh vẫn chấp nhận thì tôi sẽ đối diện với cuộc sống, với lương tâm thế nào? Ai sẽ là người kiếm tiền cho mẹ tôi đỡ vất vả, em tôi tiếp tục đi học đây. Không lẽ, gánh nặng ấy lại đè lên đôi vai của anh sao?

Tôi không cho phép mình mở lòng với anh, tôi né tránh, gặm nhấm nỗi buồn một mình, bởi tôi cũng hiểu, mình đã yêu anh rồi. Tôi càng né tránh, càng làm lơ thì anh càng theo đuổi, bám riết. Những người xung quanh biết được thì nói tôi làm 'giá', làm cao. Nhưng thâm tâm tôi hiểu, đó là sự tự ti, tôi thấy mình không xứng đáng với anh.

Tôi quyết định rời Hà Nội đến một thành phố mới, chẳng ai biết tôi là ai. Tôi đang kiếm tìm một cơ hội làm lại cuộc đời mình nhưng nó mông lung, chới với quá. Bởi ngoài buôn phấn bán hương, tôi chẳng có nghề nào để sống. Tôi biết làm gì đây, lại nhắm mắt để số phận đẩy đưa, hay dũng cảm làm lại cuộc đời mình, mong kiếm tìm một hạnh phúc khác. Dù biết, nó vẫn  mong manh, xa vời lắm?

X.M

Chia sẻ tâm sự của bạn về cuộc sống tình yêu, hôn nhân và gia đình tại đây.
Xem thêm:

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Đi tìm 'thiên thần hộ mệnh' âm thầm bảo vệ cho 12 cô nàng Hoàng đạo