Chồng thường mắng chửi em cố tình “úp” anh
2014-10-07 12:31
- (Em đẹp) - Lấy nhau đã gần 3 năm, nhưng chưa một ngày chồng quan tâm gần gũi em theo đúng nghĩa. Chồng không chỉ lạnh nhạt, hờ hững mà cứ say rượu là mắng chửi, dằn vặt là em cố tình “úp” anh ta.
Hỏi
Em 26 tuổi. Em lấy chồng chủ yếu vì “sự cố” chứ không phải thực sự do yêu. Không biết các chị có bầu trước cưới thế nào chứ em thì khổ sở trăm bề. Bị nhà chồng khinh khi thì chớ, chồng lại còn hắt hủi. Ngày cưới, anh đi rước dâu mà mặt như đeo đá còn mẹ chồng thì không chịu ra đón em mà giao cho một bà cô khác. Em tủi thân đến trào nước mắt nhưng vì con lại ngậm đắng nuốt cay.
Lấy nhau đã gần 3 năm, nhưng chưa một ngày chồng quan tâm gần gũi em theo đúng nghĩa. Chồng không chỉ lạnh nhạt, hờ hững mà cứ say rượu là mắng chửi, dằn vặt là em cố tình “úp” anh ta. Em nghỉ làm, ở nhà chăm con từ hồi bầu bí nên bây giờ kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào chồng. Nhiều khi em nghĩ đời mình khổ quá, muốn bỏ quách anh ta để làm lại từ đầu nhưng rồi lại thôi. Hiện tại em lại đang mang bầu gần 3 tháng, cứ thế này chẳng biết cuộc đời em đi đâu về đâu...
Thư của độc giả hanthuy...
Nhiều khi em nghĩ đời mình khổ quá, muốn bỏ quách anh ta để làm lại từ đầu nhưng rồi lại thôi.
Trả lời
Đúng là bạn đang ở hoàn cảnh khó khăn quá. Các bạn kết hôn khi tình yêu chưa đủ lớn, chồng cảm thấy bị ép “bác sỹ bảo cưới”. Chồng chưa thấy “đám cưới là kết cục có hậu nhất” cho câu chuyện tình cảm của hai bạn. Gia đình nhà chồng cũng không vui vẻ đón nhận em. Câu chuyện đã 3 năm rồi, đã có một con, giờ lại sắp có đứa thứ hai, vậy mà tình cảm cũng chẳng cải thiện là bao. Gia đình, tình cảm, con cái... hình như cũng chưa đủ sức thay đổi chồng và gia đình chồng. Đây cũng là hoàn cảnh của nhiều bạn trẻ gặp phải khi sống thử hoặc quan hệ tình dục trước hôn nhân để có thai ngoài ý muốn.
Trong chuyện này, cả bạn và chồng đều có lỗi. Chồng bạn là người thiếu trách nhiệm với gia đình, con cái và với chính bản thân. Bước vào hôn nhân “không như mong đợi” khiến cho chồng bạn buông xuôi, thờ ơ, không cố gắng cùng bạn để bước tiếp, không “phá” nhưng cũng chẳng “xây”. Mỗi khi gặp khó khăn, không thuận lợi, chồng bạn lại về trút hết lên đầu bạn. Bạn đang bị bạo hành gia đình đấy, bạo hành về thể chất, kinh tế, tinh thần.
Nhưng, hình như bạn cũng chưa cố gắng hết sức trong hoàn cảnh này. Tôi có cảm giác chính bạn cũng chán nản, luôn để mặc cảm đè nặng làm cho cuộc sống bức bách, nặng nề, chưa tìm được cách để tự giải thoát và làm chủ cuộc sống của mình.
Giờ bạn hãy thật bình tĩnh, xem xét lại tình cảm, hoàn cảnh của mình nhé. Nếu bạn còn thật tâm muốn giữ gia đình, cho con cái “có bố có mẹ” thì bạn phải cố gắng nhiều lắm đấy.
Trước tiên bạn phải cải thiện mối quan hệ với gia đình nhà chồng (không chỉ bố mẹ mà cả ông bà, cô, dì, chú, bác, anh em nhà chồng...). Đây sẽ là hậu phương vững chắc, hỗ trợ cho bạn nhiều đấy. Câu chuyện này không phải một sớm một chiều mà phải thường xuyên, bền bỉ, xuất phát từ tâm mình. Gần gũi với người thân, chia sẻ vui buồn, xin ý kiến, nhờ sự giúp đỡ, kể cả khi có “sự cố” chạy ngay về “với mẹ”. Cho các con gần gũi ông bà, nhờ ông bà, người thân giúp đỡ hàng ngày, vừa yên tâm, vừa nuôi dưỡng tình cảm. Quan tâm, chăm sóc ông bà lúc trái gió trở trời, đúng lúc, đúng chỗ là rất quan trọng. Nhớ là phải chân thành, đừng “thảo mai” nhé.
Tìm việc làm để chủ động về kinh tế. Tùy theo khả năng của mình tìm cách kiếm tiền (cho dù thu nhập thấp, vất vả cũng làm). Xem lại cách quản lý tiền (chi tiêu hợp lý, tiết kiệm, ưu tiên đối tượng trước), sử dụng thực phẩm “nhà trồng được” vừa tiết kiệm vừa an toàn.
Trên hết là cải thiện không khí gia đình. Đây là yếu tố quyết định để “lôi kéo” chồng về nhà bạn ạ. Một không gian thoáng đãng, nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, con cái mạnh khỏe, con “bám bố như sam, cái gì cũng bố bố, yêu bố nhất trên đời, bóp trán cho bố”, thỉnh thoảng có tí nhạc, hoa tươi, vợ luôn tươi tỉnh, mong chờ “bố về”, bữa cơm gia đình không phải là “bữa tiệc thịnh soạn” nhưng ấm cúng, ngon lành... chồng nào còn “chán nản, hậm hực”, thích đi ra ngoài nữa. Ngược lại, về đến nhà chờ đón mình là bộ mặt nặng trịch, lạnh lùng, nhà cửa bừa bãi, lộn xộn, ngôn ngữ giao tiếp thường không có chủ ngữ, sai con “bảo bố”... chồng sẽ chán bạn ạ. Bạn thật cố gắng, toàn tâm toàn ý, kìm chế tự ái, thay đổi dần dần, tình hình sẽ cải thiện bạn nhé. Đừng suy nghĩ nhiều, cố gắng giữ gìn sức khỏe, chuẩn bị đón đứa con thứ hai nữa. Thỉnh thoảng “nhờ” bố đưa đi khám thai, chia sẻ với bố sự thay đổi của con bé, nhờ bố chăm con lớn... cũng là cách “kéo bố” về rất hay.
Cố gắng bạn nhé, chỉ có bạn mới là người tìm ra cách hay nhất, hiệu quả nhất cho gia đình bạn hiện nay.
>>> Xem thêm các tâm sự đã được bác sĩ Thúy Hải tư vấn, tại đây
Bác sĩ Hoàng Thúy Hải
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Công dụng bất ngờ của mỹ phẩm chăm sóc da hết hạn, bạn đừng vội vứt đi