Sai lầm của phụ huynh khi ủ ấm quá mức cho trẻ trong mùa đông

2015-11-17 18:10
- Vào mùa lạnh, nhiều phụ huynh nghĩ ủ ấm cho trẻ càng kín càng giúp trẻ tránh khỏi bị lạnh, nhưng đây là quan điểm hết sức sai lầm.
Mùa đông thời tiết thường chuyển lạnh, nhiều phụ huynh lo lắng cho sức khỏe của trẻ. Nguyên nhân là do sức đề kháng, hệ miễn dịch của trẻ còn yếu nên phải giữ ấm hơn người lớn. Tuy nhiên, một số người không hiểu đúng về việc ủ ấm nên đã khiến trẻ bị ốm ngay giữa mùa đông.
Chị Phương Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) còn nhớ rõ mùa đông năm ngoái, thói quen ủ ấm quá mức cho con khiến chị suýt mất con. Hôm đó trời Hà Nội lạnh cắt da cắt thịt, bên trong nhà đã dùng điều hòa 2 chiều. Các cửa sổ trong nhà chị Phương Anh được đóng kín, không hề có gió lạnh lùa vào. Thế nhưng vẫn chưa yên tâm, sợ nhiệt độ xuống 8 độ C sẽ khiến cô con gái bị cảm lạnh. Cho nên chị mặc áo khoác dày, quàng khăn, đội mũ len cho con rất cẩn thận. 
Sai lầm của phụ huynh khi ủ ấm quá mức cho trẻ trong mùa đông
Con gái chị ngoan nhưng hiếu động. Căn nhà rộng nên cô bé tha hồ nghịch ngợm, chạy nhảy, vui chơi. Sau một lúc chạy nhảy, cảm giác lạnh không còn, mồ hôi đổ ra ướt đẫm. Chị Phương Anh mải mê công việc nhà không lưu ý việc này nên sau đó bé bị cảm lạnh.
"Tối hôm đó, tôi thấy con cứ rét run lên từng đợt, bỏ ăn, mệt mỏi. Tôi ôm con mà cảm thấy cháu run lên bần bật, sau đó là sốt cao lên đến 39 độ C. Tôi đưa con đi bệnh viện mới biết là ủ ấm quá mức khiến mồ hôi ngấm vào trong gây bệnh", chị Phương Anh nói.
Sai lầm của chị Phương Anh không phải là ít ở các bà mẹ. Tuy nhiên, sự cẩn thận quá mức này có thể dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến trẻ bị ốm không ngờ đến. Thân nhiệt của trẻ và người lớn không như nhau. 
Đảm bảo đủ ấm, quần áo thoải mái
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Minh Quý (Chuyên khoa Nhi) cho biết, trẻ em thường nô đùa, nghịch ngợm và chạy nhảy dù là mùa đông hay mùa hè. Cho nên khi phụ huynh mặc quá ấm cho trẻ sẽ dẫn đến mồ hôi do quần áo quá bức bối và mồ hôi đổ ra do hiếu động sẽ làm cho trẻ bị lạnh. Chỉ cần phụ huynh lơ là, không nhận ra, lượng mồ hôi này ngấm vào bên trong sẽ khiến trẻ viêm phổi, cảm lạnh.
"Khi mặc quần áo, ủ ấm dày như vậy, các chất liệu làm áo mùa đông là len hay bông nên càng khó thoát mồ hôi. Chưa kể đến thoát mồ hôi mà có thể là môi trường để vi khuẩn phát triển gây bệnh ngoài da", bác sĩ nói.
Mặt khác, khi trẻ phải mặc quần áo mùa đông quá chật sẽ càng khiến cho quá trình vận động khó khăn, không thoải mái. Ban đêm khi ngủ sẽ không ngon giấc, khó chịu. Hơn nữa, phải mặc quá nhiều quần áo, lúc nào cũng phải đội mũ, đeo tất chân tất tay, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu, không thoải mái trong vận động.
Giữ ấm bụng cho bé trong ngày lạnh cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ dạ dày. Bởi nếu bị lạnh bụng, bé rất dễ bị tiêu chảy, đau bụng và các triệu chứng khác. Trong thời tiết lạnh với nhiệt độ thấp, bụng được giữ ấm, dạ dày hoạt động bình thường sẽ giúp bé tăng cường tiêu hóa và hấp thu thức ăn tốt hơn.
Trong mùa đông, bụng trẻ bị nhiễm lạnh rất dễ gây ra các bệnh như cúm, ho, sổ mũi… Khi nằm ngủ, trẻ rất dễ đạp chăn và bị nhiễm lạnh mà cha mẹ không kiểm soát được. Chính vì vậy, khi cho trẻ đi ngủ, cha mẹ nên để trẻ mặc một chiếc áo đủ ấm, có thể cho áo vào trong quần trẻ để khi đạp chăn bụng trẻ cũng không bị nhiễm lạnh.
Cho nên, vào mùa đông, phụ huynh cần lưu ý cách ăn mặc cho trẻ. Trong đó chú ý mặc đủ ấm, chọn các loại quần áo giúp giữ ấm nhưng thoải mái, an toàn, không gây khó chịu cho trẻ. Khi ra ngoài mặc áo khoác, còn khi ở trong nhà có thể cởi ra mặc áo nỉ, len đủ ấm. 
Đông Anh
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Cả 'tỷ' năm mới thấy Hoàng Thùy Linh, Tăng Thanh Hà khoe ảnh bikini nóng bỏng thế này