Đây là lý do đáng sợ khiến bà bầu chớ vội vui mừng khi mang thai quá to

2017-01-11 07:00
- "Thai quá to còn có thể liên quan tới bệnh lý của mẹ. Người mẹ bị đái tháo đường, thai thường to. Trẻ sinh quá to là yếu chứ không phải khỏe như mọi người lầm tưởng”.

Đừng mừng vì sinh con quá to

Hiện nay, rất nhiều gia đình mang tâm lý sinh con với cân nặng nhiều là điều đáng mừng hoặc chứng tỏ em bé có sự vượt trội về thể lực. Tuy nhiên, rất ít người biết được, khi sinh con càng nặng thì càng nguy hiểm cho sản phụ và trẻ sơ sinh.

Trong tháng 12/2016, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình ở Thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) bị người nhà tố bác sĩ  tắc trách khiến cho bé gái 3 ngày tuổi bị tử vong. Được biết bé gái trên sinh ra nặng 4,9kg trong khi đó mẹ chỉ nặng 42kg.

Trẻ sinh ra trên 4kg là to yếu chứ không phải to khỏe

Thai nhi quá to có thể do bệnh lý từ mẹ (Ảnh minh họa).

Nguyên nhân tử vong ban đầu của bé gái xấu số được các bác sĩ xác định do bị cường insulin bẩm sinh (bệnh lý nguy hiểm tiên lượng xấu). Cũng theo các chuyên gia, việc một người mẹ sinh con nặng gần 5kg sẽ gặp những yếu tố nguy hiểm về bệnh lý.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, trẻ sinh ra trên 4kg được xếp vào có yếu tố nguy hiểm. Thai quá to khiến cho ca sinh nở khó khăn kể cả sinh mổ. Trong quá trình sinh, cả trẻ và sản phụ có thể gặp những sang chấn nhất định.

“Thai quá to còn có thể liên quan tới bệnh lý của mẹ. Người mẹ bị đái tháo đường, thai thường to. Trẻ sinh quá to là yếu chứ không phải khỏe như mọi người lầm tưởng”, bác sĩ Dũng nói.

Thai quá to, mẹ có thể đang mắc bệnh

PGS.TS Nguyễn Khoa Diệu Vân, Trưởng Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, tiểu đường thai kỳ cực kỳ nguy hiểm nhưng hiện nay rất ít các sản phụ quan tâm tới việc tầm soát. Khi thai quá to, các bà mẹ đừng vội vui mừng mà cần phải nghĩ tới vấn đề tiểu đường thai kỳ.

Hiện nay, rất nhiều trường hợp sản phụ chỉ đi khám thai, siêu âm, xét nghiệm nước tiểu là chưa đủ. Bác sĩ Vân cho hay, chỉ thử nước tiểu và siêu âm không thể biết được có mắc được tiểu đường thai nghén hay không. Nước tiểu chỉ dùng để gợi ý, ngoài ra phải làm liệu pháp tầm soát chuyên khoa mới phát hiện được tiểu đường thai kỳ.

“Những bà bầu có yếu tố nguy cơ cao như: gia đình có người bị tiểu đường, béo phì… cần phải tầm soát tiểu đường từ rất sớm. Các bà bầu bình thường nên tầm soát tiểu đường từ tuần 24 – 28. Nếu sản phụ có đường huyết quá cao, không được điều chỉnh kịp thời có thể gây ra những biến chứng bất lợi cho mẹ và em bé”, bác sĩ Vân nói.

Theo bác sĩ Vân, trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, nếu không phát hiện mẹ bị đường huyết cao có thể gây ra dị dạng thai nhi rất cao. Đặc biệt là các dị dạng ống thần kinh và ảnh hưởng tới sự hình thành các cơ quan trong cơ thể.

“Nếu mẹ có đường huyết cao, ở 3 tháng giữa của thai kỳ có thể làm nặng thêm biến chứng của mẹ như tăng huyết áp, tiền sản giật. Còn ở 3 tháng cuối kỳ, thai nhi thường nặng cân hơn mức bình thường. Khi mẹ bầu có đường huyết trong máu cao, trẻ sinh ra dễ bị hạ đường huyết. Khi trẻ sơ sinh bị hạ đường huyết có thể dẫn đến tổn thương não, tổn thương đa cơ quan, trẻ xuất hiện co giật, suy tuần hoàn, suy hô hấp, suy đa tạng dẫn tới tử vong”, bác sĩ Vân cho hay.

Bác sĩ Vân khuyến cáo, đái tháo đường thai kỳ rất nguy hiểm nên cần phải kiểm soát đường huyết tốt. Vấn đề này chỉ bác sĩ chuyên khoa nội tiết mới giúp đỡ được cho người mẹ. Bác sĩ sản khoa chỉ có thể quan tâm tới sự phát triển của đứa bé, hoặc tai biến của sản khoa. 

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Ăn bưởi mà không tránh những điều này chẳng khác gì rước bệnh vào người