Vì sao nhiều người Việt sang Nhật Bản có kết quả test nhanh Covid-19 sai?

2020-10-09 19:08
- 9/10 công dân Việt dương tính SARS-CoV-2 khi test nhanh tại sân bay Nhật Bản, đã cho kết quả âm tính khi xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp PCR.

Sân bay Nhật Bản xét nghiệm SARS-CoV-2 như thế nào?  

Loại test nhanh phía Nhật Bản sử dụng để xét nghiệm SARS-CoV-2 tại sân bay là xét nghiệm kháng nguyên, khác với loại test nhanh tìm kháng thể mà Hà Nội và một số thành phố ở Việt Nam đã sử dụng. Loại test nhanh của Nhật Bản cho giá trị dương tính khi có sự hiện diện của các thành phần cấu tạo virus trong cơ thể.  

  Ông Katsunobu Kato - Bộ trưởng Bộ Y tế Nhật Bản    

Phương pháp test nhanh này được đánh giá là có nhiều ưu điểm. Bên cạnh thời gian cho kết quả nhanh (30 phút), dễ thao tác, độ chính xác tương đối cao thì còn giúp làm giảm nguy cơ lây nhiễm chéo SARS-CoV-2, bởi vì được thực hiện trên mẫu nước bọt, thay vì dịch hầu họng hay mẫu máu.  

Cuối tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nhật Bản cho biết, nước này đã triển khai test nhanh kháng nguyên ở các sân bay. Sân bay quốc tế Tokyo, Sân bay quốc tế Narita, Sân bay quốc tế Kansai là những nơi đầu tiên triển khai phương pháp này.  

  Test nhanh tại sân bay Nhật Bản    

Với các hành khách có kết quả dương tính với test nhanh sẽ được xét nghiệm lại bằng phương pháp PCR để khẳng định.  

9/10 công dân Việt sang Nhật Bản có kết quả test nhanh sai  

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 10 công dân từ Việt Nam sang Nhật Bản có kết quả test nhanh tại sân bay dương tính SARS-CoV-2. Tuy nhiên, sau đó 9/10 trường hợp đã có kết quả xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp PCR âm tính.  

Bên cạnh đó, theo quy định của phía Nhật Bản, các công dân khi nhập cảnh vào nước này phải có Giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh.  

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, tất cả các trường hợp tiếp xúc gần với những công dân dương tính SARS-CoV-2 khi test nhanh tại sân bay Nhật Bản, cũng đã cho kết quả âm tính. Kể cả 9 F1 của trường hợp gần đây nhất là nam thanh niên N.V.D ở Quốc Oai sang Nhật ngày 30/9 (hiện người này vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm PCR của Nhật Bản).  

Ông Trương Quang Việt, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đang có báo cáo phản hồi về test nhanh SARS-CoV-2 của phía Nhật Bản. Mặc dù độ sàng lọc của nó rất tốt, nhưng đến nay có 10 trường hợp thì đã sai 9 trường hợp, còn 1 người đang chờ kết quả xét nghiệm khẳng định”.  

  GS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương    

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhận định, loại xét nghiệm nhanh của Nhật Bản có thể chỉ tìm thấy một đoạn protein của virus SARS-CoV-2. Nếu như vậy, độ đặc hiệu sẽ không quá cao bởi vì có thể loại virus khác cũng sở hữu protein này, dẫn đến kết quả dương tính giả.  

“Tiêu chuẩn khẳng định âm/dương tính SARS-CoV-2 vẫn là RT-PCR đó là quy định không chỉ của Việt Nam, mà còn cả trên thế giới. PCR là tiêu chuẩn vàng trong xét nghiệm SARS-CoV-2. Còn tất cả các xét nghiệm nhanh đều có giá trị thấp hơn. Có thể độ nhạy cao hơn nhưng độ đặc hiệu lại không bằng”, PGS Nhung nhấn mạnh.  

  PCR là tiêu chuẩn vàng trong xét nghiệm SARS-CoV-2    

Chuyên gia này cũng thông tin thêm rằng, đối với xét nghiệm sàng lọc thì càng nhạy sẽ càng tốt, bởi vì độ nhạy thấp sẽ dễ dẫn đến hiện tượng âm tính giả (trong người có mang virus SARS-CoV-2 nhưng kết quả xét nghiệm âm tính). Việc để lọt ca bệnh như vậy sẽ rất nguy hiểm cho cộng đồng.  

Xét nghiệm sàng lọc độ đặc hiệu không cao có thể dẫn đến hiện tượng dương tính giả (xét nghiệm dương tính nhưng thực sự không mang mầm bệnh) có thể gây hoang mang, khiến một số người bị ảnh hưởng vì bị cách ly nhầm nhưng đó chỉ là số nhỏ, tác hại vẫn ít hơn.  

  Đối với xét nghiệm sàng lọc thì càng nhạy sẽ càng tốt    

PGS Nhung cũng lưu ý rằng, xét nghiệm khẳng định như RT-PCR vẫn có thể có sai số, dù rất thấp. Nguyên nhân đầu tiên được Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đề cập đến là sai sót trong kỹ thuật.  

Theo đó, sai sót này có thể xảy ra trong bất kỳ khâu nào của quá trình xét nghiệm, từ lấy mẫu, vận chuyển, bảo quản, tách chiết, trộn cho đến phân tích mẫu.  

“Tôi muốn nhấn mạnh đến khâu lấy mẫu bệnh phẩm. Nếu thao tác lấy mẫu không tốt thì kỹ thuật xét nghiệm hiện đại bao nhiêu cũng không thể cho ra kết quả chuẩn xác”, PGS Nhung khẳng định.  

  Sai sót có thể xảy ra trong bất kỳ khâu nào của quá trình xét nghiệm, từ lấy mẫu, vận chuyển, bảo quản, tách chiết, trộn cho đến phân tích mẫu    

Trong trường hợp các kỹ thuật xét nghiệm đều được thực hiện chuẩn, tất cả các lần cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 đều là âm tính thật, theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung rất có thể nguyên nhân đến từ tải lượng virus trong mẫu bệnh phẩm chưa đạt đến giới hạn phát hiện của phương pháp.   

Theo Dân Trí

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Bài tập đơn giản giúp cải thiện tình trạng gù lưng ngay tại văn phòng