Trẻ chưa tới tuổi tiêm phòng sởi, làm thế nào để phòng bệnh đây?

2018-04-27 14:10
- Bệnh viện Nhi ngày càng tiếp nhận nhiều ca điều trị bệnh sởi khiến cho các bậc phụ huynh có con nhỏ chưa tới tuổi tiêm phòng cảm thấy hoang mang.

Trước khi mang thai mẹ nên tiêm phòng sởi

Theo thông tin từ Bệnh viện nhi Trung ương, hiện tại khoa Truyền nhiễm đã tiếp nhận 9 ca điều trị biến chứng do sởi. Đa số các trường hợp đều là bệnh nhi chưa tới tuổi tiêm phòng. Điều này khiến cho rất nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ cảm thấy lo lắng.

Bệnh sởi hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng có thể phòng tránh bằng cách tiêm phòng cho trẻ. Và cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm mũi 1 vào lúc 9 tháng tuổi và tiêm mũi thứ 2 khi bé đủ 18 tháng.

bệnh sởi

Trẻ chưa được tiêm phòng tiếp xúc với trẻ mắc sởi tỷ lệ lây bệnh lên tới 90%, ảnh minh họa.

TS. Nguyễn Văn Lâm, trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung Ương, cho biết: Hiệu quả bảo vệ mà hệ miễn dịch đạt được sau mũi tiêm sởi lần 1 là 85% và sau mũi 2 là 95%. Nếu trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng mà tiếp xúc với người mắc sởi thì khả năng bị nhiễm lên tới 90%”.

Trong trường hợp trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng, cách tốt nhất là các bậc phụ huynh nên hạn chế cho trẻ tới những nơi đông người và tuyệt đối không cho con tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh. Trong thời gian đỉnh dịch, cha mẹ cũng nên tăng cần dinh dưỡng cho bé để hệ miễn dịch được củng cố tốt hơn. Bên cạnh đó, trước khi mang thai, phụ nữ nên đi tiêm phòng sởi để sau này, trong thời gian cho con bú, sữa mẹ sẽ giúp cho con có được kháng thể.

Dấu hiệu nào để phát hiện bệnh sởi sớm nhất

Trẻ mắc bệnh sởi thường có triệu chứng sốt cao đột ngột cùng biểu hiện viêm long đường hô hấp và viêm kết mạc (mắt có ghèn). Kèm theo đó là chứng phát ban xuất hiện mịn như nhung và nổi khắp người theo thứ tự từ đầu, cổ, thân mình rồi đến tay chân.

Vi rút sởi làm cho hệ miễn dịch suy giảm rất nhanh vì vậy trẻ có nguy cơ mắc thêm các bệnh truyền nhiễm cơ hội khác và dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.

Với một số trẻ dưới 6 tháng tuổi, trẻ có cơ địa bệnh lý nền, thừa cân béo phì, suy giảm miễn dịch thì nguy cơ mắc biến chứng sởi là rất cao. Một số biến chứng thường gặp khi bé bị bệnh này là viêm phổi, tiêu chảy cấp, suy dinh dưỡng nặng, viêm thanh quản…

“Cho đến nay, bệnh sởi vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Cách chữa chủ yếu là làm giảm triệu chứng và vệ sinh cá nhân, tăng cường dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho trẻ”, TS. Lâm chia sẻ.

Khi trẻ bị sởi, cha mẹ cũng không nên quá lo lắng vì các bé có thể hồi phục nhanh nếu được chăm sóc tốt tại nhà. Thêm vào đó, người chăm sóc trẻ cần phải rửa tay bằng xà bông sau khi tiếp xúc với trẻ. Lưu ý, môi trường sống của trẻ cần được đảm bảo sạch sẽ và nếu nghi ngờ trẻ mắc sởi, cha mẹ cần cho nghỉ học ngay và đưa đi khám. 

Khi bị trẻ bị nhiễm sởi, cha mẹ nên cho con ăn đa dạng thực phẩm và không kiêng khem để bù đắp các chất dinh dưỡng bị mất do quá trình nhiễm trùng. Tuy nhiên, đối với những trẻ có cơ địa dị ứng cần tránh các loại thức ăn như tôm, cua, trứng...

TS. Lâm khuyên: “Cha mẹ cần lưu ý cho trẻ tăng cường bổ sung những thức ăn giàu vitamin A để phòng biến chứng khô mắt. Nếu bé bị viêm phổi sau điều trị bệnh sởi, phụ huynh cần cho con ăn nhiều thực phẩm giàu chất kẽm”.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

5 bài tập yoga chưa đầy 1 phút khiến gương mặt bạn trẻ ra cả chục tuổi