Thịt hết chất nếu khử bằng máy ozone quá lâu
Tin liên quan
Không nên rửa thịt tươi
Trước những thông tin bất nhất về khả năng khử độc, khử khuẩn của máy ozone, các chuyên gia hàng đầu về hoá học, vật lý, thực phẩm đã cùng ngồi lại để giải đáp hàng loạt thắc mắc của dư luận tại buổi toạ đàm vừa diễn ra tại Hà Nội.
Cơn bão thực phẩm bẩn quét qua mọi nơi khiến nhiều người dân coi máy ozone là “vũ khí” chống lại mọi chất độc và vi khuẩn trên thực phẩm.
Chia sẻ câu chuyện thực tế, nhà báo Hoàng Hoa (Hà Nội) cho biết, sau khi nghe quảng cáo về máy ozone, mẹ chị mua luôn một chiếc và cho tất cả mọi thứ từ rau, củ, quả đến đủ loại thịt vào máy để sục rửa với niềm tin mãnh liệt mọi chất tạo nạc, tăng trọng, thuốc trừ sâu, vi khuẩn sẽ bay biến hết.
Các chuyên gia khuyến cáo không nên sục thịt tươi bằng máy ozone vì có thể làm mất chất dinh dưỡng
“Con cái có khuyên nhưng mẹ tôi nhất mực không tin, chỉ vào đám bọt nổi đục ngầu và nói đây là những chất độc bị đánh bật”, chị Hoa chia sẻ.
Theo GS Nguyễn Hoàng Nghị, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý kỹ thuật, ĐH Bách Khoa Hà Nội, trường hợp như trên đã được coi là lạm dụng máy ozone.
GS Nghị lý giải, bọt đục xuất hiện sau sục thịt, cá là do khí ozone tương tác với protein sinh ra.
“Máy ozone chỉ có tác dụng với những thực phẩm sạch và chỉ có tác dụng khử khuẩn, nấm mốc bên ngoài bề mặt nên khuyến cáo tốt nhất cho rau củ, đặc biệt các loại rau sống”, GS Nghị nói.
Riêng với các sản phẩm thịt cá tươi, ngon, GS Nghị khuyến cáo không nên sục rửa vì ngâm lâu ozone sẽ làm phân huỷ protein trong thịt khiến thịt mất dinh dưỡng. Nếu ngâm 2 ngày, miếng thịt có thể bị tan hoàn toàn.
“Với thịt, cá hơi có mùi chỉ nên sục máy ozone trong thời gian từ 5-7 phút. Với rau củ quả không nên ngâm quá 20 phút và trước khi bỏ vào máy nên rửa 2-3 nước bên ngoài cho sạch đất để giảm bớt số lượng vi trùng vì máy chỉ loại được 99%. 1% của 100 con an toàn nhưng 1% của 1 triệu con thì vẫn bẩn”, GS Nghị khuyên.
Khó đánh bật thuốc trừ sâu
Trước lo lắng của nhiều người cho rằng sử dụng máy ozone có thể sinh độc, GS Trần Vĩnh Diệu, Phó chủ tịch hội đồng khoa học TP Hà Nội cho rằng cần căn cứ theo nồng độ và thời gian sử dụng, nếu đúng liều lượng không nguy hại.
Theo GS Diệu, về nguyên lý ozone có thể khử được các chất hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản, song muốn khử được thì lại phải sử dụng liều lượng ozone cao.
Các chuyên gia tại toạ đàm. Lật lượt từ trái qua: GS Nguyễn Hoàng Nghị, GS Trần Vĩnh Diệu, TS dinh dưỡng Từ Ngữ
“Với các loại máy ozone hiện nay với công suất thấp thì không nên đặt vấn đề máy có thể khử được các chất diệt cỏ, thuốc trừ sâu”, GS Diệu nói.
GS Lê Quốc Minh, Viện Hàn lâm Khoa học VN phân tích thêm, ozone không tồn tại được lâu trong tự nhiên, cùng lắm chỉ 20-30 phút nên không lo bị lắng đọng trong nước, trong thực phẩm.
Hiện tất cả các sản phẩm đông lạnh vẫn đang dùng công nghệ khử trùng ozone.
“Tác dụng diệt khuẩn là mạnh mẽ nhất, còn việc đánh bật các kim loại nặng và các chất vô cơ khác của máy ozone tương đối hạn chế”, GS Minh nhấn mạnh.
Hiện nay các máy trên thị trường, dựa theo các kết quả xét nghiệm công bố mới loại trừ được hơn 90% 3 chất cypermethrin, permethirin, deltamethrin có trong thuốc trừ sâu. Tuy nhiên thực tế mỗi năm Việt Nam nhập khẩu về hơn 1.600 hoá chất trong các loại thuốc bảo vệ thực vật.
Theo các nhà khoa học tại tọa đàm, ozone là chất có khả năng oxy hóa cao hơn, mạnh hơn nhiều so với clo và có khả năng diệt khuẩn gấp khoảng 3.000 lần so với cloramin.
Về liều lượng, đối với người, liều lượng ozone sử dụng an toàn không vượt quá 0,1 mg/lít trong 8 giờ, còn nếu vượt quá liều lượng 0,5mg/lít thì là mức báo động ô nhiễm ozone.
Lê Ngọc (Tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất