Sự cố, tai biến trong y khoa có thể đến từ đâu?
Tin liên quan
Trong buổi trả lời báo chí về tổng kết ngành y tế năm 2017, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn thừa nhận bên cạnh việc đổi mới thái độ phục vụ của nhân viên y tế, giảm số lượng bệnh nhân nằm ghép, liên thông kết quả xét nghiệm…vẫn tồn tại những tai biến y khoa nghiêm trọng.
Một trong những tai biến y khoa hy hữu xảy ra khi chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình vào ngày 29/5/2017 là một ví dụ. Sau một giờ chạy thận, 18 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình đồng loạt xuất hiện sốc phản vệ. Sự cố hy hữu trên đã khiến cho 8 bệnh nhân chạy thận tử vong, 10 người may mắn sống sót. Ngoài sự cố chạy thận nghiêm trọng trên, cả nước vẫn thường xuyên xảy ra những sự cố y khoa khiến cho rất nhiều bệnh nhân tử vong vì tai biến.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. trong môi trường bệnh viện luôn tiềm ẩn việc xảy ra sự cố y khoa. Nguyên nhân gây ra sự cố có thể đến từ kê đơn nhiều thuốc, y lệnh không rõ ràng hoặc quá nhiều y lệnh, do thói quen công việc một người pha thuốc, một người tiêm, sao y đơn thuốc…
“Tại một số bệnh viện, hiện tượng qua tải bệnh nhân cũng dẫn đến việc cắt xén hoặc làm tắt các quy trình chuyên môn. Vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi ích của người bệnh không được đặt lên hàng đầu dẫn đến việc lạm dụng thuốc. Trong quá trình làm thủ thuật, phẫu thuật việc dùng các thủ thuật, thiết bị xâm lấn, các hóa chất độc cũng làm tăng nguy cơ sai sót trong y tế”, Bộ trưởng nói.
Trong cấp cứu người bệnh, thời gian là điều rất quan trọng, nhân viên y tế cần phải cấp cứu với tốc độ cao, do vậy sự cố y khoa cũng dễ xảy ra. Trong dây chuyền khám chữa bệnh, nhiều vấn đề phức tạp, nhiều đầu mối, ngắt quãng, nhiều cá nhân tham gia, trong khi hợp tác, trao đổi thông tin giữa nhân viên y tế chưa đầy đủ và kịp thời.
Bộ Trưởng cũng nhấn mạnh thêm, sự cố y khoa có thể đến từ công việc quá áp lực (bệnh nhân quá tải, môi trường làm việc chật, trực ca…), tâm lý làm việc luôn căng thẳng sẽ làm tăng nguy cơ tai biến y khoa.
Tai biến y khoa có thể xuất phát từ những lỗi cá nhân, ví dụ quên không lấy bệnh phẩm xét nghiệm, quên không bàn giao cho ca trực sau, quên không điền thông tin vào bệnh án,… dẫn đến việc nhầm người bệnh, tài liệu người bệnh không hoàn chỉnh, sai lỗi. Một số cán bộ không tuân thủ đúng quy trình, quy định về an toàn đối với bệnh nhân của bệnh viện khi thực hiện các kỹ thuật. Việc trao đổi thông tin giữa người bệnh, nhân viên y tế và người quản lý còn nhiều hạn chế
“Tai biến y khoa còn đến từ lãnh đạo cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa chú trọng an toàn của người bệnh, thiếu phân bổ nguồn lực thích hợp cho hoạt động an toàn đối với người bệnh, chưa xây dựng hệ thống quản lý, sai sót, sự cố; công tác tổng hợp, báo cáo, giám sát sai sót, sự cố chưa được chú trọng…”, Bộ Trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ.
Theo Bộ Trưởng, nguyên nhân tai biến còn đến từ phía người bệnh, các yếu tố về đặc điểm của người bệnh như cơ địa, sức đề kháng khác nhau cũng là điều kiện thuận lợi để sự cố y khoa xảy ra.
Khi xảy ra tai biến y khoa người bệnh có được bồi thường
Trước câu hỏi ngành y tế có hệ thống giám sát, thống kê về tai biến y khoa hay không? Bộ Trưởng cho hay, hiện Bộ chưa có hệ thống giám sát, thống kê về tai biến y khoa trên toàn quốc.
Bộ Y tế đang xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý sự cố y khoa trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó tập trung hướng dẫn thống nhất quy định liên quan đến nhận diện, phân loại, báo cáo sự cố và một số nguyên tắc cơ bản việc khắc phục, xử lý, xác định nguyên nhân, phòng ngừa sự cố y khoa.
“Trong trường hợp xảy ra tai biến y khoa, việc bồi thường cho người bệnh và gia đình của họ sẽ được thực hiện theo Luật Khám bệnh, Chữa bệnh”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất