Phụ huynh và cô giáo quên làm điều này, trẻ vẫn mắc tay chân miệng dù được rửa tay mỗi ngày
Tin liên quan
Cô giáo và phụ huynh cần phải rửa tay
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng I, số ca bệnh mắc tay – chân – miệng tới khoa điều trị chưa tăng nhiều. Sau hơn một tuần khai trường, số ca bệnh đang điều trị nội trú tại khoa Nhiễm – Thần kinh khoảng 30-40 ca bệnh. Bệnh tay chân miệng lưu hành ở khu vực miền Nam quanh năm nhưng thường tăng và dịp trẻ nhập học.
Bệnh tay chân miệng là bệnh do vi rút đường tiêu hóa gây nên, loại vi rút này rất mạnh và lây lan nhanh. Vì vậy, khi trẻ bị mắc tay – chân – miệng bắt buộc phải ở nhà và báo cho giáo viên chủ nhiệm biết. Khi đó giáo viên nên chủ động dọn vệ sinh lớp, vệ sinh đồ chơi để hạn chế vi rút lây lan trong lớp.
Cha mẹ và cô giáo cần phải thường xuyên rửa tay đề phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ nhỏ.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho hay, hiện nay cha mẹ không còn mắc nhiều sai lầm khi chăm sóc trẻ bị tay – chân – miệng, trẻ thường được đưa tới sớm. Thường những trẻ bị nặng là do diễn biến và thể trạng sức khỏe khiến trẻ bị nặng.
Tuy nhiên, lỗi sai phổ biến hay gặp nhất ở các bậc phụ huynh, cô giáo, trẻ nhỏ là quên rửa tay hoặc rửa không đúng cách.“Khi chăm sóc trẻ người lớn, chỉ rửa tay cho trẻ để phòng bệnh tay – chân – miệng là chưa đủ. Ngoài rửa tay cho trẻ người lớn cũng phải rửa tay cho chính mình. Ngay cả giáo viên khi chăm sóc trẻ cũng cần phải chú ý rửa tay sạch để phòng bệnh. Vì người lớn có thể nhiễm vi rút nhưng sức khỏe tốt nên không có triệu chứng, nhưng khi nhiễm sang trẻ có thể phát bệnh”, bác sĩ Khanh nói.
Bắt đầu có bệnh nhi tay - chân - miệng ở miền Bắc
Còn theo, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay khoa nhi cũng tiếp nhận các bệnh nhi tay – chân – miệng tới khám số lượng bệnh nhân chỉ 2-3 ca/ngày. Các bệnh nhi tới khám hầu hết được kê thuốc và về điều trị ngoại trú tại nhà.
Năm nay, số lượng bệnh nhi mắc tay – chân – miệng không nhiều, nhưng PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo không được chủ quan với bệnh. Vì vi rút tay – chân – miệng có khả năng lây lan rất nhanh từ người qua người khi tiếp xúc với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước hoặc phân của người bị nhiễm bệnh. Trẻ nhỏ khi bị mắc tay – chân – miệng cần phải cách ly ít nhất 10 ngày, khi trẻ khỏi dứt điểm mới cho tới lớp.
Bệnh có triệu chứng sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng, nổi phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Bệnh có thể tự khỏi nếu được chăm sóc đúng cách. Trong trường hợp bệnh diễn biến nặng có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi… điều trị kịp thời.
TS. Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền Nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, khoa truyền nhiễm cũng bắt đầu có bệnh nhi mắc tay - chân- miệng tới điều trị, số lượng bệnh nhân tính tới thời điểm hiện tại không đông bằng thời điểm năm trước. Dù vậy cha mẹ cũng không nên chủ quan với bệnh.
Theo nhận định của các chuyên gia, thời điểm tháng 9-10 lúc thời tiết giao mùa cộng thêm yếu tố trẻ nhập trường cho nên bệnh tay-chân-miệng có điều kiện thuận lợi để bùng phát thành dịch. Nên chủ động phòng chống dịch bằng cách, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy. Những lần rửa tay cần thiết trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn, bế trẻ, sau khi đi làm về, đi vệ sinh, thay tã, đổ rác…
Một số cách phòng bệnh tay-chân-miệng như sau:
Không nhá mớm thức ăn cho trẻ, thực hiện ăn chín, uống sôi.
Vệ sinh các bề mặt, vật dụng hàng ngày trẻ hay sử dụng như đồ chơi, dụng cụ học tập, bàn ghế, sàn nhà, tay vịn cầu thang bằng chất tẩy rửa.
Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Quản lý phân, rác, chất thải của bệnh nhân.
Trẻ nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám và cho trẻ nghỉ học tại nhà.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất