Ngoài cảm cúm, căn bệnh này có thể xảy ra vào mùa Đông Xuân, ai cũng cần cảnh giác

2018-02-23 11:00
- Khoảng thời tiết mùa xuân là điều kiện thuận lợi cho bệnh đau mắt đỏ phát triển.

Mùa Đông Xuân gây bệnh gì cho mắt?

Theo khuyến cáo của chuyên gia, khoảng thời gian Đông Xuân với kiểu thời tiết thay đổi làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc).

Ths. BS Đặng Xuân Nguyên, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho hay thời tiết mùa Đông Xuân có thể ảnh hưởng tới các bệnh về mắt. Mùa Đông Xuân có thời tiết ẩm, ít ánh sáng là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút và vi khuẩn phát triển. Trong đó Adenovirus (gây bệnh đau mắt đỏ) có khả năng lây lan rất nhanh. Nếu tập trung ở những nơi đông người như lễ hội có người mang vi rút thì khả năng nhiễm rất cao.

Du xuân đầu năm cảnh giác với bệnh về mắt

Mùa xuân dễ gặp các bệnh về mắt do vi rút gây ra.

Adenovirus có rất nhiều tuýp huyết thanh khác nhau và có những biểu hiện bệnh khác nhau. Khi nó biểu hiện ở cơ quan nào thì sẽ có triệu chứng ở cơ quan đó. Ví dụ, Adenovirus gây những triệu chứng như viêm đường hô hấp trên (tai, mũi, họng) và đường hô hấp dưới. Nếu biểu hiện ở mắt sẽ gây ra bệnh viêm kết mạc và viêm kết giác mạc.

“Do vi rút gây bệnh đau mắt đỏ có nhiều tuýp huyết thanh, nên tới nay vẫn chưa có vắc xin để phòng bệnh. Để phòng bệnh, mọi người cần chú ý vệ sinh cá nhân thường xuyên, rửa tay bằng nước sạch hoặc xà phòng, chú ý không dùng chung khăn, chậu rửa mặt, không dụi mắt. Sau khi sử dụng khăn mặt xong phải giặt sạch bằng xà phòng phơi dưới trời nắng. Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt đỏ. Khi dịch đang lưu hành hạn chế tới nơi đông người”, bác sĩ Nguyên nói.

Không dùng thuốc kháng sinh

Bác sĩ Nguyên cho hay, nếu bệnh đau mắt đỏ do vi rút gây nên thì việc dùng kháng sinh sẽ không có tác dụng. Hiện nay, khi bị đau mắt, nhiều người tự ý ra hiệu thuốc mua sẽ dẫn tới nguy hiểm. Các loại thuốc làm giảm triệu chứng nhanh thường có chứa corticosteroi. Corticosteroi được chỉ định rất nghiêm ngặt, do nó dễ gây ra tác dụng phụ biến chứng nguy hiểm cho mắt như viêm loét giác mạc, hỏng mắt…

Thuốc kháng sinh và dưỡng mắt không dùng quá 15 ngày sau khi mở nắp để kiểm soát chất lượng của sản phẩm. Thành phần phụ thuốc sẽ có hạn sử dụng nhất định sau khi mở lắp.

Tuyệt đối không sử dụng mẹo dân gian

PGS.TS Hà Huy Tài, Chuyên gia Nhãn nhi, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết đau mắt đỏ thường có hai biến chứng gây ra giả mạc và viêm giác mạc. Trong trường hợp bệnh nhân có giả mạc cần phải bóc tách lớp giả mạc, tra thuốc và điều trị mới có tác dụng.

“Trong dân gian hiện nay khi bị trẻ nhũ nhi đau mắt đỏ thường sử dụng cách xông lá trầu không, nhỏ sữa, nhỏ nước chanh… Tôi khẳng định tất cả đều là những phương pháp phản khoa học, có thể gây bỏng mắt và tăng nguy cơ bị bội nhiễm”, bác sĩ Tài nói.

Khi bị đau mắt cần phải tới bác sĩ khám để xác định do tác nhân gì vi khuẩn hay vi rút để sử dụng thuốc hợp lý. Viêm kết mạc cấp có thể do rất nhiều nguyên nhân, vi khuẩn (tụ cầu, liên cầu, trực khuẩn, tạp khuẩn,...), virut (Adeno virut, virut Herpes,...), ký sinh trùng, các kích thích (gió bụi, tia tử ngoại...)

Trong đó, vi rút gây viêm giác mạc xuất hiện nhiều nhất vào mùa xuân. Khi bị viêm giác mạc, trẻ sẽ cảm thấy sợ ánh sáng, thường xuyên chảy nước mắt hay bị đau và mẩn đỏ. Để phòng bệnh, cha mẹ cần cho trẻ đeo kính chắn bụi và tránh tới những nơi đông người, tăng cường vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý, giữ gìn vệ sinh cá nhân.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Cuộc sống của những hot girl đình đám xứ Bắc: Người làm dâu tỷ phú, người làm CEO danh tiếng