Đau mắt đỏ vào mùa, khó chịu đến mấy cũng đừng động vào lá dễ kiếm này kẻo có ngày mất thị lực ngồi một chỗ

Thu Hà 2017-09-19 06:45
- Do nóng lòng muốn khỏi bệnh đau mắt đỏ, không ít người đã tự ý xông mắt tại nhà bằng lá dâu mà không biết việc làm này ẩn chứa nguy cơ bỏng mắt rất lớn.

Lợi bất cập hại vì tự ý xông lá

Chỉ cần gõ từ khóa “chữa đau mắt đỏ” trên Google, chị Minh Anh đã có hàng ngàn kết quả. Trong đó, chị ưng ý nhất lời mách dùng lá dâu tằm hãm lấy nước để rửa mắt, hoặc nấu nồi nước, thả thêm ít lá trầu, bốc hơi lên xông mắt.

“Đây là hai loại lá được mọi người mách nhau nhiều nhất khi bị bệnh đau mắt đỏ. Thấy trên mạng nói chỉ cần xông vài lần là dễ chịu, nên tôi rất muốn thử. Đau mắt lúc nào cũng khó chịu, chỉ mong tìm cách nào đó để khỏi bệnh nhanh nhất, dễ nhất”, chị Minh Anh bộc bạch.

Dùng “tuyệt chiêu” xông lá dâu, lá trầu trị đau mắt đỏ, coi chừng BỎNG MẮT!

Người bệnh mách nhau dùng lá dâu tằm trị đau mắt đỏ mà không biết có thực sự khỏi bệnh? Ảnh minh họa. 

Còn anh Quốc Hùng (Q. Ba Đình, Hà Nội) thì biện bạch cho cái sự "lười" đi khám bệnh đau mắt đỏ do "ngại chờ đợi lâu". Về nhà vợ nấu cho một nồi nước dâu tằm, vừa rửa mắt bị đau, vừa tắm, công dụng "2 trong 1" vừa rẻ vừa không mất công chờ đợi. 

Nói về mẹo xông mắt bằng các loại lá như lá trầu không, lá dâu, Tiến sỹ Nguyễn Đình Ngân, Chủ nhiệm Bộ môn Mắt – Học viện Quân y 103 đã cho biết trong lá dâu, lá trầu có chất kháng khuẩn, giảm phản ứng viêm. Đó là lý do khiến người ta mách nhau dùng lá để hãm lấy nước rửa mắt, hoặc nấu nước xông.

Tuy nhiên, khi xông rất dễ có nguy cơ gây bỏng mắt do nhiệt bốc lên. Người bệnh không nên áp dụng phương pháp dùng lá dâu như vậy, bởi “lợi bất cập hại“, Tiến sĩ Đình Ngân cảnh báo.

Ngoài nguy cơ bỏng mắt, việc tự ý chữa bằng mẹo này còn có thể khiến vi khuẩn, nấm bám trên bề mặt lá nước cuốn vào mắt đang bị tổn thương, làm bệnh thêm nặng.

Đau mắt đỏ có thể tự khỏi, chỉ cần chăm sóc ĐÚNG CÁCH

Tiến sỹ Nguyễn Đình Ngân khẳng định, bệnh đau mắt đỏ là lành tính. Bệnh do vi rút gây ra nên có thể tự khỏi sau 7 – 14 ngày, khi cơ thể hình tháng thành kháng thể. “Chỉ có khoảng 20% có biến chứng tổn thương trên giác mạc. Bệnh nhân chỉ cần giữ gìn vệ sinh mắt, vệ sinh tay, nghỉ ngơi đúng cách là bệnh đa số tự khỏi. Tránh tự ý điều trị bằng mẹo dân gian, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt để được kê đơn, điều trị đúng cách và tránh các biến chứng”, Tiến sĩ Đình Ngân cho biết.

Hiện đau mắt đỏ không có thuốc điều trị đặc hiệu (diệt vi rút)  mà chỉ có thuốc điều trị triệu chứng và dự phòng bội nhiễm. Thuốc điều trị chủ yếu là thuốc kháng sinh để tránh bị nhiễm trùng, bội nhiễm; nước mắt nhân tạo để giảm cảm giác cộm, khô mắt khó chịu.

“Đa số người bệnh đều có biểu hiện bệnh ở hai mắt, thường một mắt bị trước, một mắt bị sau. Tuy nhiên mắt bị sau nặng hay nhẹ phụ thuộc chủ yếu vào sức đề kháng của cơ thể. Có 30% mắt thứ hai hầu như không có biểu hiện viêm. Do đó, bên nào bị đau thì tra thuốc nhỏ bên đó, không nhất thiết cần tra cả mắt chưa bị đau”, Tiến sĩ Ngân lưu ý thêm.

Một điều quan trọng nữa Tiến sĩ Đình Ngân lưu ý người bệnh là tuyệt đối không tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc điều trị đau mắt đỏ.

Bởi người bán thuốc sẽ bán ngay cho người bệnh thuốc nhỏ mắt có hàm lượng thành phần corticoid cao như Tobradex, Dexamethasone, Maxitrol, Polydexa, Dexacol. Thuốc nhỏ mắt có corticoid. Các thuốc nhóm này lúc đầu giúp giảm cảm giác cộm, ngứa, khó chịu rất nhanh nhưng sẽ gây ức chế sản sinh miễn dịch, khiến vi rút lâu bị tiêu diệt dẫn đến viêm kết mạc kéo dài hoặc tăng biến chứng lên giác mạc. Ngoài ra, sử dụng kéo dài sẽ làm tăng nhãn áp, khô mắt kéo dài, gây biến chứng mờ mắt ảnh hưởng trầm trọng đến chức năng thị giác”, Tiến sỹ Nguyễn Đình Ngân nhấn mạnh.

 Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Buồn nhất sau chia tay là người ta quên mà mình vẫn nhớ