Mẹo bảo quản thức ăn trong tủ lạnh không sợ mất chất

Hữu Nguyên 2016-03-11 10:17
- Tủ lạnh là vật dụng rất gần gũi với chị em phụ nữ, thế nhưng không phải ai cũng biết cách bảo quản đồ ăn trong tủ lạnh như thế nào để không bị mất chất.

Việc lưu trữ thực phẩm đúng cách sẽ làm giảm nguy cơ ngộ độc và giữ được chất lượng của đồ ăn. Bạn hãy làm theo những lời khuyên dưới đây để đảm bảo thực phẩm của mình luôn được an toàn.

1. Cách lưu trữ thực phẩm trong tủ lạnh

Một số thực phẩm cần được lưu giữ trong tủ lạnh để giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Đó là các loại thực phẩm có hạn sử dụng ngắn, thực phẩm đã chế biến và thực phẩm sẵn sàng để ăn như đồ tráng miệng, hoa quả. Với các loại thực phẩm này, bạn nên có những lưu ý sau:

- Giữ nhiệt độ tủ lạnh ở 5 độ C hoặc thấp hơn. Phần lớn các tủ lạnh có nhiệt độ ấm hơn bạn nghĩ.

- Khi lấy thực phẩm ra để chuẩn bị đồ ăn, để thực phẩm ở ngoài tủ lạnh càng ít thời gian càng tốt.

- Nếu bạn chuẩn bị có một bữa tiệc buffet, hãy giữ thức ăn trong tủ lạnh cho đến khi bạn sẵn sàng để mang nó ra phục vụ khách.

- Với những đồ ăn đã nấu chín muốn để vào tủ lạnh ăn dần hoặc đồ ăn thừa, bạn nên làm nguội càng nhanh càng tốt (lý tưởng nhất là trong vòng 90 phút) sau đó cho vào tủ và nên ăn hết trong vòng hai ngày.

Mẹo bảo quản thức ăn trong tủ lạnh không sợ mất chất
Trữ trứng trong hộp sẽ giữ trứng tươi hơn là để trong các ngăn xếp của tủ

- Không bao giờ để hộp bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh mà không có nắp. Kim loại trong tủ có thể chuyển hóa vào thực phẩm bên trong. Nếu hộp bảo quản của bạn mất nắp, bạn có thể dùng một cái bát úp lên để đậy thức ăn.

- Chỉ để đồ ăn đã được làm nguội vào tủ. Đồ ăn nóng sẽ làm tăng nhiệt độ của tủ, đặc biệt là những chiếc tủ cũ, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Khi đun lại để sử dụng, bạn nên đun kỹ để đảm bảo toàn bộ thức ăn được hâm nóng.

- Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên để thực phẩm được đảm bảo chất lượng tốt nhất.

2. Thực phẩm đóng gói sẵn

Mẹo bảo quản thức ăn trong tủ lạnh không sợ mất chất

Ghi thời gian chế biến hoặc ngày bắt đầu trữ đông trước khi cho thực phẩm vào tủ lạnh để có kế hoạch sử dụng hợp lý

Không có thực phẩm nào để được mãi mãi nhưng sẽ kéo dài được tuổi thọ của thực phẩm nếu bạn lưu trữ trong tủ lạnh. Hầu hết các thực phẩm đóng gói sẵn đều có thời gian sử dụng được ghi trên bao bì.

- Thực phẩm đóng gói đa số được ghi thời gian “Sử dụng trước ngày…” hoặc “Sử dụng trong vòng….ngày”. Loại thứ 2 có thời gian sử dụng ngắn hơn và có thể nguy hiểm nếu bạn sử dụng thực phẩm đã quá thời hạn cảnh báo.

- Các thực phẩm có ghi trên bao bì dòng chữ: “Sử dụng trước ngày…” thường có thời hạn sử dụng khá dài. Dòng chữ này cho người tiêu dùng biết đồ ăn có chất lượng tốt nhất trong thời gian bao lâu. Sau thời gian ghi trên bao bì, đồ ăn trông vẫn ngon và có mùi thơm, nhưng không có nghĩa là chúng vẫn an toàn mà có khả năng đã bị ô nhiễm.

3. Cách lưu trữ thịt trong tủ lạnh

Mẹo bảo quản thức ăn trong tủ lạnh không sợ mất chất

Để riêng ngăn thực phẩm sống với thực phẩm đã qua chế biến

Việc lưu trữ thịt trong tủ lạnh một cách an toàn là hết sức quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn và tránh ngộ độc thực phẩm. Bạn nên chú ý các vấn đề sau:

- Lưu trữ thịt sống trong hộp sạch, có nắp đậy và đặt ở kệ dưới cùng của tủ lạnh. Như vậy, chúng không thể nhỏ nước xuống các thực phẩm khác.

- Nếu bạn mua thịt trong siêu thị, làm theo hướng dẫn bảo quản dán bên ngoài và không sử dụng nếu đã quá hạn ghi trên bao bì.

- Trữ thịt sống riêng với thịt đã nấu chín.

4. Vấn đề đông lạnh và rã đông

Việc đông lạnh thực phẩm như thịt và cá là hoàn toàn an toàn và đảm bảo chất lượng, miễn là bạn làm theo những hướng dẫn sau:

- Đông lạnh trước ngày hết hạn sử dụng

- Rã đông thực phẩm hoàn toàn trước khi nấu ăn. Bạn sẽ thấy có nhiều nước chảy ra khi rã đông, nên bạn hãy để thực phẩm vào một cái bát, nhằm ngăn chặn vi khuẩn trong nước lan ra những đồ vật khác.

- Rã đông thực phẩm trong lò vi sóng nếu bạn nấu ăn luôn. Nếu bạn định mai mới ăn, bạn có thể đặt từ ngăn đông xuống ngăn mát tủ lạnh, như vậy thực phẩm vẫn được giữ lạnh.

- Nấu kỹ thực phẩm để đảm bảo nó được chín toàn bộ

- Bọc kỹ thực phẩm trước khi cho vào ngăn đông, nếu không nó sẽ bị khô bề mặt.

- Dán nhãn lên thực phẩm trước khi cho vào ngăn đông để có kế hoạch sử dụng hợp lý trước khi đồ ăn bị lưu trữ quá lâu trong ngăn đông.

Mẹo bảo quản thức ăn trong tủ lạnh không sợ mất chất
Sử dụng hộp có nắp đậy để bảo quản thực phẩm, tránh sự lây lan của vi khuẩn

5. Có thể tái đông lạnh sau khi đã rã đông

- Không bao giờ làm đông lại thịt hoặc cá sống sau khi đã rã đông. Bạn có thể tái đông lạnh thực phẩm đã được nấu chín một lần, miễn là nó vẫn còn mát.

- Thực phẩm tươi sống chỉ nên rã đông một lần và phải sử dụng trong vòng 2 ngày nếu không bạn nên bỏ đi. Để tránh lãng phí, bạn nên chia thực phẩm thành các suất nhỏ, sau đó rã đông lượng đồ ăn bạn cần cho một bữa.

- Thực phẩm nấu chín sau khi rã đông phải được làm nóng và ăn ngay. Những món ăn này chỉ được hâm nóng một lần duy nhất vì càng nhiều lần bạn làm lạnh và hâm nóng thức ăn thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm càng cao. Vi khuẩn sẽ phát triển và sinh sôi khi thực phẩm được làm lạnh quá chậm và có thể vẫn sống sót nếu không được hâm nóng đúng cách.

- Khi hâm nóng thức ăn, hãy hâm nóng ít nhất ở nhiệt độ 70 độ C trong hai phút để toàn bộ đồ ăn được làm nóng hoàn toàn.

- Kem hay các món tráng miệng không nên cho trở lại vào ngăn đông nếu đã tan chảy. 

Hữu Nguyên

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Khám phá Dòng son Uncovered Lip Mousse từ BST mới nhất nhà Ofelia