Ho kéo dài, sốt triền miên không dứt chưa chắc đã cảm cúm mà có thể đã mắc phải căn bệnh dễ lây này
Tin liên quan
Người khỏe mạnh cũng mang vi khuẩn lao
Theo GS.TS Nguyễn Viết Nhung, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia, 70% số ca mắc bệnh lao là người nghèo nhưng không có nghĩa là người giàu không bị mắc căn bệnh này.
“Tôi đã từng tiếp bệnh nhân điều kiện kinh tế tốt, họ đã khóc nức khi biết mắc bệnh. Bởi vì họ nghĩ căn bệnh này chỉ có ở những vùng điều kiện sống khó khăn. Bệnh lao không phải là căn bệnh quá kinh khủng, nếu không may bị mắc nên điều trị sớm. Việc giấu bệnh là có lỗi với chính bản thân và cộng đồng. Nếu giấu bệnh sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm cho người khác, khi bệnh tiến triển nặng không thể điều trị được”, GS. Nhung nói.
GS. Nhung khuyến cáo tất cả chúng ta đều phải cảnh giác với căn bệnh lao.
TGS. Nhung cho hay ở điều kiện sinh sống và sinh hoạt như ở Việt Nam, có khoảng 44% người mang vi khẩu lao ngay từ bé. Vi khuẩn lao có thể trú ngụ tại các tổ chức ẩn sâu (hang, hốc) trong cơ thể và không phát tác thành bệnh. Khi cơ thể suy yếu có nghĩa là hệ miễn dịch suy giảm, bệnh sẽ phát tác ra bên ngoài. Điều này có nghĩa là người khỏe mạnh vẫn mang vi khuẩn lao trong cơ thể (nguồn mắc bệnh này còn được gọi là do nội sinh).
Nguồn lây bệnh lao từ bên ngoài (ngoại sinh) là thường xuyên tiếp xúc với người bị bệnh lao. Một người không mang bệnh nếu tiếp xúc với bệnh nhân lao thường xuyên sẽ có nguy cơ mắc bệnh tăng lên gấp 2,5 lần.
Một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh lao cao như người bị mắc các bệnh mãn tính đái tháo đường, gút, bệnh chuyển hóa, viêm khớp dạng thấp, người dùng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài, bệnh nhân HIV, hoặc người sống môi trường chật hẹp, dinh dưỡng kém cũng có nguy cơ mắc bệnh lao.
Bệnh lao có khó điều trị?
Hiện nay, Việt Nam đủ các trang thiết bị để chữa và điều trị bệnh lao từ rất sớm. Nhưng số lượng người chết vì bệnh lao của Việt Nam vẫn cao. Nguyên nhân tử vong phần lớn là do người bệnh không có đầy đủ thông tin đúng và đầy đủ về bệnh. Mặt khác, nhiều người còn mang tư tưởng mặc cảm với bệnh cho nên rất nhiều người đã không đi điều trị
GS. Nhung cho hay: “Tử vong do bệnh lao không rầm rộ như tai nạn giao thông hay tai nạn sản khoa. Không phải một người mắc lao ngày hôm nay, ngày mai sẽ tử vong nhưng có tính báo trước. Nguy hiểm nhất là trong khoảng thời gian từ khi phát bệnh tới tử vong, người bệnh có nguy cơ lây bệnh cho rất nhiều người khác trong cộng đồng”.
GS. Nhung cho biết thêm bệnh lao chưa có vắc xin phòng bệnh. Loại vắc xin phòng lao hiện nay chỉ phòng tránh được 50% nguy cơ mắc. Vắc xin này chỉ phòng được một số bệnh lao nặng như lao não, lao kê (ở trẻ em). Do vậy tiêm phòng vẫn có nguy cơ mắc lao.
Triệu chứng phát hiện bệnh lao sớm thường có ho nhiều, kéo dài kèm theo sốt cần phải đi khám sớm. Bệnh nhân chỉ cần chụp phim phổi, xét nghiệm đờm loại trừ bệnh lao. Một số trường hợp như ho dùng kháng sinh không dứt, ho có máu, đối tượng ngoài 40 tuổi thì yếu tố nguy cơ càng cao.
Theo GS. Nhung cách phòng tránh lao tốt nhất là sống trong môi trường thoáng khí, dọn nhà cửa sạch sẽ, chú ý thông khí trong nhà bằng cách mở cửa đón ánh nắng mặt trời, ăn nhiều rau xanh, hạn chế thuốc lá và rượu, duy trì thói quen tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
Mới đây, tại Hội nghị cấp Bộ trưởng toàn cầu lần thứ nhất về Phòng chống Lao, tại Maxcova, Liên Bang Nga từ 16 -17/11/2017,Việt Nam đã cùng thông qua Tuyên bố chung Matxcova về chấm dứt bệnh lao thể hiện cam kết mạnh mẽ của toàn cầu về việc chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất