Hậu quả khôn lường từ thói quen tự làm thầy thuốc cho con của bố mẹ Việt

2016-03-04 17:06
- Tự ý dùng thuốc chữa bệnh cho con là việc làm nhiều rủi ro và có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường.

Bố mẹ dùng thuốc sai cách, con tử vong

Nhiều bà mẹ khi thấy con đau, ốm, thay vì đến các bệnh viện để thăm khám cụ thể thì lại tự chẩn đoán bệnh rồi tự mua thuốc điều trị cho con. Trong một số trường hợp, trẻ có thể khỏi bệnh, song cũng có trường hợp trẻ bị nặng hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Từng có trường hợp trẻ chỉ bị cảm sốt nhẹ song cha mẹ lại cho dùng kháng sinh chloramphenicol thường xuyên. Sau một thời gian, trẻ bị “thiếu máu bất sản” dẫn đến tử vong. Cụ thể, choramphenicol là kháng sinh có tác dụng kìm khuẩn, dùng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Tuy nhiên sự lạm dụng thuốc này trong điều trị sẽ khiến cho các vi khuẩn kháng lại thuốc cao. Nó còn có thể gây rối loạn cơ quan tạo máu của con người ở mức nghiêm trọng và có thể gây tử vong.

Do đó, ngày nay người ta đã không dùng choramphenicol để điều trị những bệnh nhiễm khuẩn thông thường như cảm lạnh, cúm, nhiễm khuẩn họng, mà chỉ dùng để điều trị những nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn nhạy cảm. Sự thiếu hiểu biết của bậc cha mẹ khi tự làm thầy thuốc cho con và “vô tư” sử dụng choramphenicol đã dẫn tới kết quả rất đau lòng.

Hậu quả khôn lường từ thói quen tự làm thấy thuốc cho con của bố mẹ Việt
Cha mẹ không nên tự ý làm thầy thuốc chữa bệnh cho con (ảnh minh họa)

Việc tự mua kháng sinh về điều trị cho con hiện nay khá phổ biến. Thực tế là những trẻ bị bệnh do nhiễm khuẩn mới cần điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, khi trẻ sốt thông thường do mọc răng hay thời tiết thay đổi… nhiều bà mẹ vẫn vô tư mua kháng sinh ở tiệm thuốc về cho con uống. Việc này đã dẫn đến việc trẻ bị tác dụng phụ, có trường hợp phải nhập viện cấp cứu.

Một số bậc cha mẹ khi thấy trẻ có những triệu chứng giống hoặc na ná những lần bị bệnh trước đó thì lại tùy tiện dùng lại đơn thuốc mà bác sĩ đã kê cho con trong lần khám bệnh trước để cho trẻ uống. Việc làm này cũng rất nguy hiểm. Bởi một đơn thuốc bác sĩ kê sau khi khám bệnh chỉ dành riêng cho một người, vào một thời điểm và trong điều kiện nhất định nào đó. Bệnh lần này có triệu chứng tương tự lần trước nhưng đó có thể lại là bệnh khác, hoặc là bệnh cũ tái phát nhưng mức độ đã nghiêm trọng hơn. Sử dụng toa thuốc cũ là không đúng, thậm chí còn chữa sai bệnh.

Trong khi đó, một số phụ huynh thấy con bị tiêu chảy, thường tự điều trị cho trẻ bằng các loại men tiêu hóa. Họ không biết rằng việc dùng các loại men này một thời gian dài sẽ khiến các bé bị lệ thuộc vào thuốc, có thuốc mới có thể hấp thu được thức ăn.

Lại có bé bị táo bón, phụ huynh không đưa đi bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để điều trị mà tự thụt hậu môn cho con bằng vaserline, mật ong, hay các loại thuốc có bán sẵn ở nhà thuốc. Khi trẻ không thể tự đi tiêu mà phải dùng các dụng cụ bên ngoài tác động vào, qua một thời gian, cơ vòng và nhu động ruột của trẻ sẽ mất đi phản xạ buồn đi tiêu. Sau đó, trẻ sẽ phải phụ thuộc vào thuốc và dụng cụ thụt.

Không tùy tiện thay đổi liều lượng và dạng thuốc

Các bậc cha mẹ thường có tâm lý chung là sợ thuốc gây hại cho con. Vì thế, nhiều cha mẹ thay vì cho trẻ dùng thuốc đúng liều lượng như bác sỹ kê, họ lại tùy ý giảm liều lượng theo cảm tính, chỉ cho trẻ dùng 1-2 lần/ngày thay vì 3-4 lần. Ngược lại, có những bà mẹ chứng kiến cảnh con ho, chảy mũi, nôn trớ nên đau lòng và sốt ruột, nôn nóng chữa khỏi bệnh cho con nên tự ý tăng liều sử dụng, cho trẻ uống thuốc dồn dập trong 1 ngày. Họ không hề biết rằng, dùng thuốc quá liều có thể gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Thuốc có nhiều dạng, trong đó dạng thuốc thích hợp cho trẻ nhỏ là dạng thuốc lỏng như xirô, hỗn dịch, nhũ dịch. Thế nhưng có trường hợp cha mẹ lại dùng thuốc dành cho người lớn là thuốc viên nén, nghiền viên thuốc ra thành bột mịn và phân liều cho trẻ uống. Cách làm này có thể không đúng liều lượng hoặc làm hỏng dạng thuốc và gây hại cho trẻ.

Một số loại thuốc được khuyến cáo là “chống chỉ định đối với trẻ dưới 12 tuổi” song cũng có nhiều bậc cha mẹ thấy con mình dù dưới 12 tuổi nhưng cơ thể cao to như người lớn nên cứ cho trẻ sử dụng thuốc đó. Thực tế, các nhà sản xuất thuốc đã phải nghiên cứu rất kỹ rồi mới đưa ra các khuyến cáo về độ tuổi của đối tượng sử dụng, để tránh các tác dụng không mong muốn mà thuốc có thể gây ra. Cha mẹ tùy ý sử dụng thuốc sai độ tuổi có thể khiến sức khỏe trẻ bị ảnh hưởng.

Có thể thấy việc tự làm thầy thuốc cho con đem đến rất nhiều tác hại không mong muốn. Vì thế, khi thấy con đau ốm, tốt nhất là các bậc phụ huynh nên đưa trẻ tới bệnh viện để được thăm khám đầy đủ, điều trị theo lộ trình của bác sỹ.

Phương Linh

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Thanh Hằng 'nghiện' dùng mũ và phụ kiện tóc, phối kiểu gì cũng sành điệu hết nấc