Cứ trời trở lạnh, gió mùa về, những bệnh nhân mắc căn bệnh này lại 'tim đập chân run'

Thu Hà 2017-10-30 12:16
- Người bị bệnh hen suyễn thường rất lo lắng mỗi khi thời tiết trở lạnh. Cơn hen bùng phát với các triệu chứng điển hình như ho, khò khè, thở dốc…

 30% bùng phát là do thời tiết

Bị bệnh hen suyễn nhiều năm nay, thứ khiến anh Đỗ Mạnh Công (Q. Cầu Giấy, Hà Nội) thấy sợ nhất là mỗi khi thời tiết thay đổi. Cơn ho hen “cò cử” đến làm anh ho, tức ngực không chịu nổi. Dù đang làm gì, anh Công cũng phải bỏ đó để uống thuốc, nằm nghỉ.

Mọi người thường trêu anh là cái máy “dự báo thời tiết chính xác hơn cả nhà đài”. Anh Công cho biết, vì nỗi lo “dự báo thời tiết” đó nên anh rất chăm chỉ xem chương trình thời tiết trên tivi. “Cứ thấy dự báo có gió mùa về là khăn ấm, mũ mão, thuốc thang dắt túi. Chỉ sợ nhất đang lái xe đi đường, có mùi rác rưởi, thuốc lá bỗng dưng sộc vào mũi làm cơn hen bùng phát”, anh Công bộc bạch.

Cứ trời trở lạnh, đề phòng căn bệnh này bất thình lình “lên cơn”

Bệnh hen suyễn làm ảnh hưởng lớn đến công việc, cuộc sống của người bệnh. Ảnh: Wikihow

Chung nỗi lòng đó, chị Nguyễn Thị Hằng (Q. Hà Đông, Hà Nội) thấy sợ hãi mỗi khi nghe tin gió mùa đông bắc tràn về. “Cơn hen suyễn đến bất cứ lúc nào, có hôm đang bán hàng phải bỏ về nhà nằm. Không dám đi đâu xa mỗi khi trời trở lạnh, bất tiện lắm!”, chị Hằng than thở. Quá ám ảnh việc “lên cơn” hen suyễn nên chị Hằng rất ngại chuyện gối với chồng trong mùa lạnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn,(Giảng viên cao cấp Trường ĐH Y Hà Nội, Tổng thư ký Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TP. Hà Nội, Nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai), cơn hen bùng phát với các dấu hiệu điển hình ho, khò khè, thở nhanh hay thở nông, tức ngực và triệu chứng có thể xảy ra nặng hơn nếu người bệnh thức đêm.

Triệu chứng hen trở nên xấu hơn nếu người bệnh nhiễm siêu vi như bệnh cúm, hoạt động thể lực quá mức, thay đổi cảm xúc đột ngột, tiếp xúc các yếu tố kích hoạt cơn hen như bụi nhà, lông vật nuôi, gián, nấm mốc, phấn hoa, mùi hắc, khói (thuốc lá, bếp, đốt nhang, dầu, gas), thuốc aspirins đã từng gây khó thở.

“Chứng hen có thể xuất hiện ở bất cứ thời tiết nào chứ chỉ trong thời tiết lạnh. 70% là do cơ địa dị ứng, 30% bùng phát là do tác động của thời tiết, đặc biệt là khi trời chuyển lạnh, mùa xuân nồm ẩm”, PGS. Nguyễn Văn Đoàn cho biết.

Những thủ phạm KHÔNG NGỜ làm cơn hen bùng phát

PGS. Nguyễn Văn Đoàn nhận định trước kia, đa phần người bệnh hen suyễn thường có suy nghĩ nguyên nhân khiến người bệnh “lên cơn” chỉ là các thời điểm giao mùa, mùa đông lạnh. “Thời tiết thay đổi chỉ là một phần tác động. Yếu tố môi trường ô nhiễm đầy khói bụi, hóa chất, phấn hoa, thức ăn, điều trị không dứt điểm, không tuân thủ đúng phác đồ mới là nguyên nhân khiến bệnh trở nặng mà không phải người bệnh nào cũng biết điều này.

Theo thống kê, toàn cầu hiện nay có khoảng 300 triệu người hen phế quản. Mỗi năm có khoảng 250.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này. “Tốc độ đô thị hóa chóng mặt, cộng với thói quen giữ gìn vệ sinh kém của người dân là thủ phạm lớn nhất lớn nhất dẫn đến tình trạng bệnh dị ứng gia tăng gấp 5 lần so với 10 năm trước đây. Trong các bệnh dị ứng đó có bệnh hen suyễn”, chuyên gia dị ứng cho hay.

Riêng tại Hà Nội, tỷ lệ hen là 6%, thế nhưng có tới 78% người dân khi được hỏi lại không hề biết hen có thể kiểm soát được. Đáng nói hơn, có 55% thầy thuốc, bác sĩ, nhất là ở tuyến cơ sở cũng thiếu kiến thức về căn bệnh này, không biết hen được quản lý, theo dõi thế nào… dẫn đến chẩn đoán nhầm hoặc bỏ sót bệnh.

Nhiều thầy thuốc và bệnh nhân chỉ chú trọng điều trị cơn hen khi tái phát hoặc khởi phát chứ chưa chú ý tới kiểm soát bệnh hen.

KIỂM SOÁT HEN bằng những cách dưới đây

PGS. Đoàn khuyến cáo để kiểm soát tốt bệnh hen khi trời trở lạnh, trước tiên người bệnh cần giữ ấm cơ thể. “Bởi người hen nhạy cảm với sự chênh lệch nhiệt độ gấp 100 lần so với người khác”, PGS. Đoàn lý giải.

Bên cạnh đó, người bệnh cần hạn chế tối đa tiếp xúc với các yếu tố gây kích phát cơn hen như lông, chất thải của các vật nuôi, gián và nấm mốc, phấn hoa, khói bụi, hóa chất và một số thuốc, khói thuốc lá.

“Tránh dùng các thức ăn hoặc thuốc gây dị ứng. Có bệnh thì cần tới cơ sở chuyên khoa chuyên về hen suyễn để được điều trị và tư vấn kiểm soát hen đúng cách. Đừng vì ngại bệnh hen mà không đi điều trị khiến bệnh thêm nặng. Bệnh hen hoàn toàn có thể điều trị và kiểm soát được”, PGS.Nguyễn Văn Đoàn nhấn mạnh. 

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Rùng mình với những 'thị trấn ma' không phải ai cũng dám đặt chân tới