Cô gái ám ảnh bệnh ung thư vú có thể di truyền, sự thật là không nên quá hoang mang sau khi biết điều này

2017-12-20 10:03
- “Lúc đó, mọi người nhiều lần nhắc đến căn bệnh ung thư vú mà mẹ tôi mắc phải. Cách đây 30 năm, ở một vùng quê hẻo lánh, thông tin về căn bệnh gần như không có", chị Trang tâm sự.

Nỗi sợ hãi vô hình luôn đeo đẳng

Cách đây 30 năm, khi đó chị Đặng Thu Trang (Vĩnh Phúc) chỉ mới 5 tuổi đã phải chứng kiến sự ra đi đột ngột của mẹ. Mẹ qua đời khi còn trẻ khiến cho chị Trang bị ám ảnh với căn bệnh ung thư vú mà mẹ mắc phải.

“Lúc đó, mọi người nhiều lần nhắc đến căn bệnh ung thư vú mà mẹ tôi mắc phải. Cách đây 30 năm, ở một vùng quê hẻo lánh, thông tin về căn bệnh gần như không có. Căn bệnh trở nên kinh khủng khi ngực của mẹ bị chảy dịch và đau đớn, hàng xóm không dám đến chơi", chị Trang nói.

Mẹ chị Trang phát hiện căn bệnh ung thư vú khi đã ở giai đoạn cuối, bác sĩ trả về vì không có cách gì điều trị nữa. Mẹ của chị Trang sống thêm 3 tháng và ra đi trong đau đớn.

Chị Trang tâm sự: “Ngày mẹ mất, đám tang của một người trẻ không có nhiều người đưa tiễn. Hơn nữa đám tang của một người mắc “bệnh lạ” nên càng ít người tới viếng, vì họ sợ hãi".

Cô gái bị ám ảnh không dám lập gia đình vì sợ căn bệnh ung thư vú có thể di truyền từ mẹ

Không phải tất cả các trường hợp mang gen đột biến đều phát triển thành ung thư.

Khi lớn lên, chị Trang được đi học, tiếp cận với nhiều thông tin mới biết căn bệnh ung thư mà mẹ mắc phải có thể di truyền lại cho con gái. 

“Tôi ý thức được rằng bản thân có thể mắc căn bệnh ung thư vú mà mẹ từng mắc. Vì vậy, tôi luôn duy trì tầm soát ung thư vú theo định kỳ”, chị Trang chia sẻ.

Trong một lần kiểm tra, chị được bác sĩ phát hiện có khối lạ ở vú. Sau đó, chị đi kiểm tra kỹ hơn, bác sĩ chẩn đoán đó chỉ là u nang, không phải ác tính.

Bác sĩ chẩn đoán khối u lành tính và nguy cơ di truyền gen gây ung thư vú ở mức thấp. Tuy nhiên, chị Trang vẫn không dám lấy chồng. Bởi, chị sợ một ngày nào đó có thể mắc phải căn bệnh như mẹ.

Mang gen ung thư sẽ phát bệnh?

GS. Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam cho hay nguyên nhân gây bệnh ung thư vú có yếu tố di truyền (theo phả hệ), mẹ mang gen có thể truyền lại cho con, cháu. Đột biến gen BRCA1 và BRCA2 là nguyên nhân gây căn bệnh ung thư vú. Tuy nhiên không phải ai có gen đột biến đều có thể phát triển trở thành ung thư.

Theo GS Bá Đức, có những người mang gen đột biến vẫn sống chung suốt đời mà không trở thành ung thư. Tỷ lệ di truyền của gen đột biến sẽ phụ thuộc vào từng tộc người. Tại Việt Nam, nếu mẹ mang gen đột biến di truyền lại cho con cái với tỷ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 2%.

“Người mang gen đột biến phải có yếu tố kích hoạt mới trở thành ung thư. Còn nếu gen đột biến là gen lặn luôn ở trong trạng thái “ngủ” thì không thể phát triển thành bệnh”, GS. Nguyễn Bá Đức nói.

Yếu tố có thể kích hoạt gen đột biến phát triển thành bệnh ung thư như: hóa chất, tia phóng xạ, ăn thực phẩm tồn dư thuốc trừ sâu, thừa cân béo phì… GS. Nguyễn Bá Đức cho biết thêm, khi gia đình có mẹ, chị gái mắc ung thư vú, bản thân người đó cũng không nên lo lắng quá mức. Căn bệnh ung thư vú do nhiều nguyên nhân, đột biến gen chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Tuy nhiên, chị em vẫn nên đi tầm soát ung thư vú thường xuyên, nhất là sau 40 tuổi để phát hiện và can thiệp sớm.

(Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi)

Ngọc Minh

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Bí quyết giảm cân hiệu quả nhất cho 12 chòm sao