Chuyên gia chỉ ra 3 điều mà người dân cần làm ngay để chống dịch Covid-19

2020-03-19 17:02
- "Các biện pháp phòng bệnh dù chúng ta đã nói nhiều nhưng phải biết cách hơn. Thực tế là nhiều người dân đã làm nhưng làm không chuẩn" - PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định.

PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khẳng định, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 hiện nay, việc mỗi người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh là quan trọng nhất, bởi chính quyền và ngành y tế đang làm hết trách nhiệm của mình để chống dịch nhưng nếu không có sự tham gia của người dân thì công tác kiểm soát dịch sẽ rất khó khăn.  

  PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.    

Cũng theo chuyên gia này, có 3 điều mà người dân cần thực hiện ngay lúc này để đảm bảo an toàn của bản thân, cũng như chung sức với nhà nước trong công cuộc dập dịch:  

Khai báo y tế trung thực khi nhập cảnh  

Thứ nhất, chính là vấn đề khai báo y tế khi nhập cảnh. Khi người Việt Nam ở nước ngoài nhập cảnh về phải khai báo thật trung thực những nơi mình đi qua. PGS.TS Trần Đắc Phu dẫn chứng: “Vừa qua có những trường hợp đã đi qua Ý mà lúc về không chịu khai báo, trong khi Ý là vùng tâm dịch. Trong trường hợp quá cảnh sang nước thứ 3 thì rất khó để biết được, thậm chí khi dịch từ những nguồn này lây lan trong cộng đồng cũng rất khó khăn để xác định, để kiểm soát. Như thực tế, những ca bệnh ở Việt Nam gần đây đều là người đi từ nước ngoài về”.  

PGS.TS Trần Đắc Phu chia sẻ thêm: “Vừa qua có nhiều khu dân cư khi có người đi người ngoài về là người dân ở đó báo cáo ngay, tôi thấy đó là cái hay, là điều tốt cho công cuộc chống dịch hiện tại”.  

Không được chủ quan khi có triệu chứng bệnh  

  

Thực hiện khai báo y tế trung thực để phục vụ cho công tác chống dịch.    

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, vấn đề quan trọng tiếp theo mà người dân cần tuyệt đối tuân thủ chính là khai báo tình trạng sức khỏe, khi có những triệu chứng khả nghi. “Khi có những triệu chứng giống viêm phổi cấp như sốt, ho, khó thở là phải đến ngay cơ sở y tế, liên hệ với cán bộ y tế để giải quyết ngay. Đồng thời, hãy khai báo thông qua hệ thống khai báo y tế toàn dân, để cơ quan quản lý được biết, đây là điều rất quan trọng”.  

Chủ động phòng bệnh: Không nên quá lo lắng nhưng phải biết cách  

PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định rằng, về các biện pháp phòng bệnh dù chúng ta đã nói nhiều nhưng phải biết cách hơn, phải hiểu hơn về nguyên tắc phòng bệnh. Thực tế là nhiều người dân đã làm nhưng làm không chuẩn.  

“Chúng ta phải hiểu Covid-19 có thể lây lan trực tiếp ở phạm vi gần là tiếp xúc trong vòng 2 mét, nghĩa là chúng ta phải giao tiếp với người bệnh trong phạm vi này để lây qua giọt dịch cơ thể. Cách lây lan thứ 2 là khi các giọt dịch người bệnh rơi xuống bề mặt như nắm cửa, cầu thang… tay ta sờ vào rồi đưa lên mũi, miệng, mắt thì sẽ bị lây” - PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích – “Như vậy làm sao cắt được 2 nguồn lây ấy thì sẽ an toàn”.  

PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, nhiều người đang hoang mang quá về Covid-19. Ông cũng lấy ví dụ về trường hợp ca bệnh ở phố Núi Trúc, sau khi được công bố, nhiều người đã thể hiện sự lo sợ thái quá với cách nghĩ: Chỉ cần đi qua phố Núi Trúc là đã có thể bị nhiễm bệnh.  

  Áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng bệnh, người dân chung cư Linh Đàm vui sống dù phát hiện trường hợp F3.    

Trước vấn đề nhiều người dân sống sống ở căn hộ chung cư tỏ ra hoang mang khi trong tòa nhà có người nghi nhiễm Covid-19, PGS.TS Trần Đắc Phu chỉ ra các nguyên tắc phòng bệnh hiệu quả trong trường hợp này: “Người nghi nhiễm đã tự tuân thủ cách ly trong không gian sống của họ, về phần mình cũng không đến căn hộ có người nghi nhiễm. Bên cạnh đó, cần phân tích xem mình có giao tiếp chung cái gì với người ta không như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, nút nhấn cầu thang máy…để áp dụng các biện pháp hạn chế tiếp xúc và rửa tay bằng xà phòng, dung dịch diệt khuẩn như đã khuyến cáo”. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng, việc lau, khử khuẩn các bề mặt nguy cơ cao điển hình là tay nắm cửa là vô cùng quan trọng để phòng ngừa lây nhiễm.  

Cách đeo khẩu trang cũng là một vấn đề mà PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định nhiều người dân đang thực hiện sai. Chuyên gia này chỉ rõ: “Về nguyên tắc, khẩu trang vải thì cần giặt sạch mới đeo lại, khẩu trang y tế thì chỉ dùng một lần, nhiều người cứ mang đi mang lại, còn có thói quen sờ vào mặt ngoài khẩu trang rồi đưa lên mặt thì càng nguy hiểm hơn”.  

Chuyên gia này khuyến cáo rằng, khi từ nơi công cộng trở về nhà, phải rửa tay trước sau đó mới thực hiện tháo khẩu trang đúng cách (cầm vào phần quai đeo rồi tháo ra), thực hiện sai thứ tự này sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh.  

 Theo Dân Trí

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Lưu ý những thực phẩm mẹ bầu nên tránh khi mang thai 7 tuần