Cho con ăn đu đủ chín, dầu gấc trường kỳ mà không có kiến thức, đây là hậu quả trẻ phải đối diện CỰC NGUY HIỂM

Ngọc Minh 2017-06-21 10:39
- Cho con ăn dầu gấc trường kỳ, ăn quá nhiều đu đủ hay cà rốt đều có nguy cơ dẫn tới thừa vitamin A gây hậu quả nghiêm trọng.

Có cần thiết phải tự làm dầu gấc

Muốn con được dùng những thực phẩm an toàn, chị Nguyễn Thị Hải Yến (28 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) đã nhờ họ hàng mua gấc ở quê để làm dầu gấc cho con. Chị chia sẻ, tự tay làm được thấy yên tâm vì biết chất lượng như thế nào. Do quan niệm như vậy nên chị Yến làm rất nhiều dầu gấc dự trữ trong tủ để cho con ăn dần.

Không chỉ có chị Yến mà hiện nay rất nhiều các mẹ tự tay nấu dầu gấc tích trữ cho con ăn trường kỳ. Các mẹ đều có quan điểm cho rằng ăn nhiều dầu gấc sẽ giúp cho con sáng mắt, thông minh. 

Thói quen tích trữ dầu gấc tự làm trong một thời gian dài được các chuyên gia cảnh báo có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao ngay cả khi bảo quản tốt trong tủ lạnh.

Mẹ tự làm dầu gấc cho con ăn trường kỳ đây là hệ quả...

Ăn dầu gấc trường kỳ dễ dẫn tới thừa vitamin A, ảnh minh họa.

Theo TS.BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm khám và Tư vấn Dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, dầu gấc tự làm cũng chỉ nên dùng trong 1 tháng và được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Nếu để dầu gấc quá lâu sẽ dễ bị biến chất không đảm bảo cho sức khỏe.

TS.BS Phan Bích Nga cho biết: “Các mẹ cũng không nhất thiết phải cầu kỳ nấu dầu gấc và cho trẻ ăn trường kỳ như vậy rất dễ thừa vitamin A ở trẻ nhỏ. Hàng năm Viện dinh dưỡng Quốc gia đã có chương trình bổ sung vitamin A vào tháng 6 và tháng 12. Nếu trẻ uống 1 năm 2 lần vitamin liều cao hoàn toàn đủ nhu cầu để phát triển”.

Việc dùng thêm các thực phẩm giàu vitamin A sẽ gây thừa. Dấu hiệu của trẻ thừa vitamin A là da thường vàng, lòng bàn tay và bàn chân vàng, mắt vàng nên dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý về gan. Bác sĩ Nga đã khám cho rất nhiều trẻ nhỏ, khi đi khám tại nhiều nơi bác sĩ không tìm ra bệnh và bị chẩn đoán nhầm với bệnh lý gan. Nhưng khi làm xét nghiệm máu thì chức năng gan bình thường.

Khi đi khám bác sĩ dinh dưỡng chỉ cần hỏi chế độ ăn đã phát hiện ngay bé bị thừa vitamin A. Nguyên nhân là mẹ cho ăn trường kỳ dầu gấc, tới mùa đu đủ chín ăn đu đủ quá nhiều, nấu cháo lúc nào cũng cho cà rốt…

Theo chuyên gia khuyến cáo, chế độ ăn quá giàu vitamin A có thể bị ngộ độc cấp tính với triệu chứng chóng mặt, song thị, thóp phồng, viêm da tróc vảy. Ngộ độc Vitamin A mãn tính như: da khô, khô và nứt môi, viêm lưỡi, nôn mửa, hói đầu, nhức xương, tăng calci máu, tăng lipid máu, hạch bạch huyết to... Phụ nữ mang thai, nếu thừa vitamin A, sẽ gây các dị dạng bẩm sinh như sảy thai, bất thường ở sọ mặt và bệnh van tim.

Dầu ăn đắt tiền có thực sự tốt

Bác sĩ Nga cho hay, hiện nay các mẹ có rất nhiều quan niệm sai lầm khi cho trẻ ăn dầu. Nhiều mẹ nghĩ rằng cứ cho con dùng dầu ăn đắt tiền là tốt. Rất nhiều cha mẹ bỏ ra vài trăm nghìn để mua dầu ăn xịn cho con.

“Khi cho trẻ ăn dầu nên ăn đa dạng các loại dầu ăn, đổi dầu ăn liên tục cho trẻ. Không cần phải dùng các loại dầu ăn quá đắt tiền chỉ cần dùng dầu đậu nành có tỷ lệ axit amin cân đối rất tốt cho trẻ. Tỷ lệ axit amin trong dầu đậu nành còn cân đối hơn cả trong dầu ô liu”, bác sĩ Nga nói.

Khi cho trẻ ăn cần phải cân đối lượng dầu và mỡ động vật. Không nên chỉ cho trẻ ăn dầu mà quên không bổ sung mỡ động vật. Theo khuyến cáo thì trẻ cần ăn nhiều chất béo dầu thực vật hơn mỡ động vật  (dầu thực vật 70%,mỡ động vật 30%). Nhưng do thói quen ăn uống cha mẹ thường chỉ cho trẻ ăn thịt nạc. Để tránh thiếu chất béo cho trẻ ăn 1 nửa dầu, 1 nửa chất béo.

TS. BS Nga khuyến cáo: “Ngay khi trẻ ăn dặm cần phải cho trẻ ăn 2,5ml dầu mỡ/bữa sau đó tăng lên 5ml dầu mỡ/bữa. Khi  trẻ  lớn hơn tăng 7-7,5ml dầu mỡ/ bữa”.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

5 phút tập luyện mỗi ngày ngay trên giường giúp eo theo, dáng đẹp