Chi 100 triệu tự uống thuốc chữa vô kinh nguyệt, nữ sinh nhận cái kết không thể khổ sở hơn
Tin liên quan
Rong kinh cả tuần, cô gái trẻ tự dùng thuốc nội tiết
Mới đây, nữ sinh 20 tuổi T.T.N (sống tại Tp.HCM) đã chia sẻ hậu quả của việc dùng nội tiết tố khiến cho nữ sinh này đã bị u nang buồng trứng. May mắn nữ sinh này đã phát hiện kịp thời khối u nang nếu không đã phải cắt bỏ một bên buồng trứng.
T.T.N dậy thì từ khi học lớp 5 (10 tuổi), chu kỳ kinh nguyệt khá đều, năm học lớp 7 thì bị rong kinh cả tuần. “Cảm giác mình chỉ có thể ngồi trong toilet nguyên một ngày, chỉ cần bước ra khỏi toilet được 5 phút là chóng mặt, rồi lại quay lại phải vô toilet ngồi. Đối với một cô bé lớp 7 như em năm đó chỉ mong chu kì đừng tới vì em đau lắm ạ”, T.T.N chia sẻ.
Theo lời T.T.N thấy con khổ sở mỗi kỳ kinh nguyệt nên mẹ nữ sinh đã đưa đi khám tiêm 3 mũi thuốc và T.T.N mất kinh nguyệt. Sau đó, T.T.N có dùng thuốc nội tiết tố thường xuyên thì 6 tháng có kinh một lần. Năm T.T.N học lớp 10, mẹ nữ sinh đã đưa T.T.N đi khắp nơi uống đủ mọi loại thuốc tốn 100 triệu để có kinh đều đặn trở lại. Hơn một năm uống thuốc, chu kì kinh nguyệt vẫn lúc có, lúc không.
Tự ý bổ sung thuốc nội tiết tố trong thời kỳ dậy thì rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ.
Trong một lần T.T.N bị viêm ruột thừa xuất huyết phải đến viện cấp cứu, khi bác sĩ siêu âm bụng đã phát hiện u nang buồng trứng. Nhờ may mắn phát hiện kịp thời mà T.T.N đã phẫu thuật tách u không ảnh hưởng tới khả năng sinh sản sau này.
“Lời cuối em khuyên các chị, ai bị rối loạn kinh nguyệt hãy đi khám và siêu âm để xem người mình có u nang gì không. Chứ như em trễ một tí nữa chắc em không còn cơ hội làm mẹ”, nữ sinh T.T.N chia sẻ.
Rối loạn kinh nguyệt dậy thì chỉ là sinh lý
Trao đổi với chuyên gia sản khoa PGS.TS.BS Nguyễn Thị Hoài Đức về việc rối loạn kinh nguyệt ở giai đoạn mới dậy thì, bà khẳng định đó là hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể con người. Do cơ thể trẻ có sự thay đổi về nội tiết tố ban đầu cho nên một số trẻ dậy thì sẽ bị rối loạn kinh nguyệt (kinh nguyệt không đều, rong kinh…). Sau 18 tuổi khi chức năng buồng trứng hoàn thiện, nội tiết cơ thể của người phụ nữ được cân bằng khi đó chu kỳ kinh nguyệt sẽ đi vào quỹ đạo.
“Rối loạn kinh nguyệt của trẻ mới dậy thì là một hiện tượng sinh lý rất bình thường không phải là bệnh lý. Vì vậy, khi trẻ bị rối loạn kinh nguyệt không nhất thiết phải can thiệp vì sau này sẽ tự hết. Trường hợp trẻ bị rong kinh, rong huyết kéo dài ảnh hưởng tới sức khỏe là cơ thể thiếu máu gây mệt mỏi lúc đó mới cần can thiệp thuốc”, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Hoài Đức nói.
Hiện nay, những kiến thức về dậy thì bố mẹ không biết nhiều cho nên mới có hiện tượng con bị rối loạn kinh nguyệt mẹ không cho đi khám đã bổ sung nội tiết tố. Khi trẻ bị rối loạn kinh nguyệt ảnh hưởng tới sức khỏe thì cần đưa trẻ đi gặp bác sĩ chuyên khoa sản sớm.
“Rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì, sẽ chỉ ở một giai đoạn rồi sẽ qua đi. Trong trường hợp rối loạn kéo dài sẽ có liên quan tới bệnh lý và cần phải đi khám để bác sĩ tìm ra nguyên nhân. Cha mẹ nên trang bị những kiến thức về dậy thì để hỗ trợ con vượt qua”, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Hoài Đức nói.
Tự bổ sung nội tiết tố nguy hiểm cho trẻ
Theo khuyến cáo của PGS.TS.BS Nguyễn Thị Hoài Đức, ngay cả trường hợp trẻ nhỏ mới dậy thì cần can thiệp nội tiết cũng cần phải đi khám chuyên khoa sản. Bởi vì, việc dùng thuốc sẽ phải tùy theo cá thể từng đứa trẻ không có đơn thuốc chung cho mọi người. Tùy theo theo triệu chứng của mỗi đứa trẻ để bác sĩ can thiệp đúng, đứa trẻ cần phải được xét nghiệm nội tiết tố để biết chính xác có cần bổ sung nội tiết tố hay không.
Nội tiết tố bổ sung cho trẻ nhỏ cần phải rất cẩn thận không thể uống như người lớn. Nó phải được sự giám sát rất chặt sẽ của bác sĩ, uống loại thuốc gì, nồng độ bao nhiêu, số lượng, uống vào ngày thứ bao nhiêu của chu kinh nguyệt, triệu chứng như thế nào…
“Sử dụng thuốc nội tiết với trẻ nhỏ kéo dài không đúng chỉ định sẽ rất nguy hiểm như, vô kinh, rong kinh, u xơ tử cung, sản nội mạc tử cung, suy teo buồng trứng, vô sinh…”, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Hoài Đức nói.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Hoài Đức khuyên khi trẻ bị rối loạn kinh nguyệt cha mẹ cần bình tĩnh. Nếu như rối loạn đó không ảnh hưởng tới sức khỏe thì không nhất thiết phải điều trị vì sau đó sẽ tự hết. Khi rối loạn ảnh hưởng tới sức khỏe thì cần phải đưa trẻ đi khám, không tự ý dùng thuốc nam, thuốc bắc, thuốc nội tiết tố sẽ rất nguy hiểm. Vì quãng đời phía trước của trẻ rất dài việc tự ý bổ sung nội tiết tố sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, trí tuệ cuộc sống của trẻ sau này.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất