Bà nội trợ rước bệnh vì tay không "chiến đấu" với dung dịch tẩy rửa

2016-04-11 12:00
- Chất tẩy rửa là công cụ đắc lực để các bà nội trợ vệ sinh vật dụng trong nhà sạch sẽ, sáng bóng. Thế nhưng, nếu dùng tay không tiếp xúc trực tiếp với chất tẩy rửa thì có thể sẽ bị dị ứng, viêm da, thậm chí ung thư da.

Rước bệnh vì tiếp xúc quá nhiều với chất tẩy rửa

Giữ gìn vệ sinh nhà cửa, vật dụng gia đình sạch sẽ là một trong những cách hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe cho các thành viên. Các chất tẩy rửa như nước rửa bát, xà phòng, dung dịch tẩy rửa bồn cầu… chính là công cụ đắc lực để bà nội trợ thực hiện điều đó. Trong khi đó, thị trường chất tẩy rửa hiện nay rất đa dạng, bà nội trợ có thể dễ dàng chọn lựa những loại phù hợp với túi tiền và mục đích sử dụng của mình.

Vì dễ sử dụng, hiệu quả cao nên nhiều người lạm dụng chất tẩy rửa. Số khác lại chủ quan tin vào lời quảng cáo rằng các chất tẩy rửa an toàn, không gây hại cho da khi tiếp xúc nên không đeo bao tay, cứ để tay trần khi vệ sinh vật dụng, dọn dẹp nhà cửa.

Bà nội trợ rước bệnh vì tay không 'chiến đấu' với dung dịch tẩy rửa
Tay trần tiếp xúc với nước tẩy rửa rất nguy hiểm (ảnh minh họa)

Theo một thống kê, hiện nay có khoảng 70.000 loại hoá chất tẩy rửa được sử dụng trong gia đình. Nếu chúng ta sử dụng chúng ở mức độ vừa phải hoặc có các biện pháp an toàn thì sẽ không gây ảnh hưởng cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc lâu ngày, tiếp xúc trực tiếp lên da hoặc với những người có cơ địa dị ứng thì có thể gây bong tróc, mẩn đỏ, ngứa ngáy, nứt nẻ… ảnh hưởng nhiều đến công việc và sinh hoạt hàng ngày.

Chị Thu Hương (32 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, cách đây 2 tuần, sau một lần tổng vệ sinh nhà cửa, vùng da tay của chị Hương bị bong tróc rất nhiều. Nghĩ rằng đây có thể là do ảnh hưởng của chất tẩy rửa nên chị Hương vệ sinh tay sạch sẽ, ngâm nước ấm trước khi đi ngủ, kiêng tiếp xúc với các loại hóa chất. Những lần trước bị dị ứng chất tẩy rửa, chị Hương chỉ cần làm theo cách này là sẽ khỏi nhưng lần này, vùng da non có màu đỏ, nhẵn bỗng trở nên ngứa ngáy và còn nổi mụn nước dưới da. Lo lắng, chị Hương đi khám bác sỹ da liễu thì được biết là đã bị viêm da.

Chị Thanh Nga (35 tuổi) thì làm công việc phục vụ cho một cửa hàng ăn uống, phải làm nhiều công việc cùng lúc như bưng bê, lau dọn, rửa bát đĩa. Vì luôn chân luôn tay nên không phải lúc nào rửa bát đĩa chị cũng đeo bao tay. Tiếp xúc nhiều với nước rửa bát nên tay chị thường xuyên bị nứt nẻ, ngứa rát. Hiện tại, sau mấy năm gắn bó với công việc này, bàn tay chị hễ ở trong không gian nóng, ẩm đặc biệt là tối trước khi đi ngủ lại rất ngứa ngáy.

Tôi đi khám thì bác sỹ bảo là viêm da do tiếp xúc. Để điều trị hiệu quả tôi cần tránh tiếp xúc với nước, hóa chất tẩy rửa trong nhà bếp và kết hợp sử dụng các thuốc thoa điều trị có vitamin E, kem dưỡng để bôi tay nhằm tạo lớp màng bảo vệ da tránh khỏi sự mất nước. Tôi cũng đang không biết tính sao vì kiêng khem như vậy thì không làm việc được”, chị ngao ngán.

Mức độ nguy hiểm tùy thuộc hàm lượng, nồng độ hóa chất

Theo bác sĩ da liễu Lê Quang Lộc, nhiều loại chất tẩy rửa được quảng cáo là không hại da tay. Tuy nhiên trên thực tế các loại nước tẩy rửa đều có chứa các hóa chất tổng hợp có thể khiến các chất bảo vệ da bị tẩy đi, gây kích ứng khiến da đỏ, ngứa ngáy, nứt nẻ. Ví dụ các chất tẩy rửa trong bếp, vệ sinh nhà tắm, toilet thường có chứa benzyl, polyetylen, sodium hypochlorite. Đây là những chất thường thấy trong nước javen, tiếp xúc lâu ngày có thể gây viêm da, thậm chí ung thư da.

Bà nội trợ rước bệnh vì tay không

Mỗi loại chất tẩy rửa có sự ảnh hưởng lên da khác nhau tùy theo hàm lượng, nồng độ của hoá chất có trong dung dịch. Hàm lượng, nồng độ hóa chất càng cao thì tác hại càng nhiều. Các chất tẩy rửa càng mạnh thì càng nguy hiểm nếu tiếp xúc với chúng bằng tay trần. Nó có thể gây ra bệnh viêm da tiếp xúc với các triệu chứng thường gặp như: nổi ban đỏ, ngứa ngáy, sưng rát; các trường hợp nặng có thể xuất hiện mụn nước và mưng mủ, rỉ dịch từ da, kèm theo đau nhức.

Do vậy, khi tiếp xúc với các loại nước tẩy rửa, các bà nội trợ cần dùng găng tay bảo hộ. Sau khi tiếp xúc với chất tẩy rửa thì nên rửa tay sạch sẽ, bôi thuốc, kem làm ẩm da nhằm giữ độ pH cho da ổn định, tránh dị ứng, viêm.

Những người có cơ địa mẫn cảm nên hạn chế tiếp xúc với các chất tẩy rửa. Giải pháp thay thế là dùng chanh hoặc giấm. Trong quả chanh có chứa citric acid giúp tẩy rửa vết bẩn, mùi hôi. Còn giấm thì hiệu quả trong việc rửa các chất béo dính trên bát đĩa, tẩy mùi, đánh bóng kim loại.  

Phương Linh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Vì sao Cristiano Ronaldo và bạn gái chưa kết hôn?