Ăn quên nhai, 'thả hết tốc độ', hậu quả 10-20 năm sau mắc bệnh gì?

Khánh An 2017-03-14 06:50
- Người trẻ thường ăn uống rất nhanh, gấp gáp do bận quá nhiều việc, cách ăn uống này sẽ gây nhiều nguy hại cho sức khỏe.

Bữa ăn “siêu tốc”

Ai ăn trưa cùng Mai Ly (22 tuổi, một dân văn phòng tại Hà Nội) cũng phải “lắc đầu lè lưỡi”. Lý do chỉ bởi cuộc ăn của Ly diễn ra quá nhanh. 12h30 Ly nghỉ tay muộn hơn so với mọi người. Chỉ 2 phút quay cơm trong lò vi sóng, hơn 5 phút để ăn, trưa nào cô gái trẻ cũng duy trì cách ăn uống như vậy.

Có cảm giác như Ly ăn mà gần như không nhai, nghỉ trưa mà như không nghỉ. “Công việc của mình làm truyền thông bận rộn, phải cập nhật liên tục. Nên ăn uống cũng không thể nhẩn nha. Nhiều lúc ăn nhanh quá bị…nghẹn cổ họng, suýt sặc”, Ly bộc bạch.

Rất nhiều người trẻ là dân văn phòng đang có thói quen "ăn gấp". Ảnh minh họa

Hiện rất nhiều người trẻ chốn công sở có thói quen ăn gấp như Ly, chủ yếu là bữa trưa.

Đỗ Văn Dũng (25 tuổi, dân IT) cho biết mỗi bữa trưa của anh cũng chỉ diễn ra chóng vánh với ổ bánh mỳ, chai nước lọc hoặc bát bún cho “xong bữa”.

Thậm chí có hôm nhiều việc, Dũng vừa ăn vừa đọc mail, trả lời tin nhắn. “Mấy anh em chúng tôi thường tếu táo với nhau là “ăn mà chả biết mình đang ăn gì”. Bởi toàn dán mắt vào điện thoại, máy tính, chứ không nhìn vào thức ăn”, Dũng hóm hỉnh.

Dũng thành thật chia sẻ rất nhiều hôm ăn xong, anh cảm thấy tức bụng. Mặc dù rất khó chịu nhưng Dũng không bỏ được thói quen này, kể cả những hôm không phải làm việc nhiều.

Nhai không kỹ nhiều hệ luỵ

Nói về thói quen “ăn nhanh, ăn gấp” của người trẻ, Thạc sĩ, bác sĩ CK2 Nguyễn Văn Hải, Đại học Y dược TP.HCM không khỏi lo ngại.

Theo bác sĩ Hải, ăn uống là lẽ tự nhiên của muôn loài. Nhưng “ăn như thế nào cho đúng” thì ít ai nghĩ đến và thường dân công sở ăn rất vội. Một phần là do quay cuồng với lịch làm việc dày đặc, lâu ngày cách ăn uống đó trở thành một thói quen.

“Về mặt sinh lý, miệng và thực quản là đoạn đầu của đường tiêu hoá, có nhiệm vụ tiếp nhận thức ăn từ ngoài vào, nghiền xé thức ăn thành từng mảnh nhỏ sau đó đưa thức ăn thành từng đợt xuống đến đoạn cuối thực quản sát tâm vị. Nhai là một động tác bắt buộc cùng với nước bọt để nghiền nhỏ, nhào trộn thức ăn, giúp thức ăn dễ tiêu hóa và không rơi vào đường thở gây sặc.

Quá trình nhai giúp tiết ra chất men Amlase làm chín một phần tinh bột ngay từ miệng. Nếu nhai chậm thì chính trong quá trình nhai, cơ thể đã hấp thụ ngay một số chất dinh dưỡng. Nhưng nếu ăn quá nhanh, ngoài việc không hấp thụ được dinh dưỡng trong thức ăn, không ngon miệng còn gây ra nhiều hệ lụy khác cho sức khỏe”, bác sĩ Hải phân tích.

Hậu quả trước mắt là ăn không thấy ngon miệng, không kịp cảm nhận vị ngon thì thức ăn đã trôi xuống thực quản. Sau đó là mối nguy dễ bị sặc, nuốt nghẹn, hóc xương, chướng bụng, khó tiêu. Ăn xong mà bụng luôn ấm ách, tức bụng.

Bởi khi nuốt nhanh, động tác nhai ít, dịch dạ dày tiết ra do nhận kích thích cũng giảm đi. Số lượng dịch dạ dày tiết ra khi thức ăn đến dạ dày không đủ so với lượng thức ăn cần được tiêu hoá nên thức ăn bị ứ đọng trong dạ dày, gây khó chịu.

Bác sĩ Hải khuyến cáo, về lâu dài, ăn nhanh sẽ gây ra hội chứng trào ngược dạ dày, bệnh viêm loét dạ dày, viêm đại tràng do cơ quan tiêu hóa phải làm việc “quá tải” trong tình trạng thiếu thốn dịch vị.

Chúng ta vẫn nói “nhai kỹ no lâu”. Mọi người nhất thiết nên tập thói quen ăn đúng cách bằng cách ăn chậm. Ăn chậm ngoài việc thưởng thức ẩm thực trong lúc ăn, chúng ta còn tránh được những phiền toái, nguy cơ bệnh tật.  Bởi ăn để sống, chứ không phải là ăn để rước bệnh”, bác sĩ Hải bày tỏ.

Khánh An

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Giảm cân cấp tốc trong 3 ngày