Lão Tử: Người không tranh không hẳn là người yếu nhược

2021-01-30 14:00
- Trong cuộc sống, rất nhiều khi, người không tranh giành lại là người thắng cuộc.

Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử viết: “Phu duy bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh”, nghĩa là vì không tranh giành, cho nên thiên hạ không ai tranh giành với mình. Lão Tử cũng giảng: “Nhu nhược thắng cương cường”, mềm mại thắng kiên cường. Trong cuộc sống, rất nhiều khi, người không tranh giành lại là người thắng cuộc.

Trong sách sử “Uyên giám loại hàm” có ghi chép một câu chuyện như sau: Khi quốc quân của nước Tấn là Triệu Tử Giản bị chết, cả nước khắp nơi tổ chức tang lễ long trọng. Lúc ấy, nước thuộc địa của Tấn quốc là Trung Mưu thừa cơ làm phản, nương nhờ vào nước Tề. Con trai của Triệu Tử Giản là Triệu Tương Tử vì bận bịu thu xếp việc tang lễ cho cha nên không thể xuất binh thảo phạt Trung Mưu.

Sau khi an táng cha được năm ngày, Triệu Tương Tử mới xuất binh thảo phạt phản nghịch Trung Mưu. Khi binh lính Tấn quốc vừa đến cửa thành Trung Mưu, Triệu Tương Tử còn chưa hạ lệnh tấn công thành thì bỗng nhiên tường thành Trung Mưu đổ sụp xuống khoảng mười trượng. Quân đội nước Tấn hò hét, đang chuẩn bị thừa cơ thành đổ để tiến lên thì Triệu Tương Tử lại hạ lệnh minh kim thu binh.

Những thuộc hạ của Triệu Tương Tử vô cùng khó hiểu, tiến lên khuyên can ông: “Đại Vương vì sao ngài lại hạ lệnh minh kim thu binh?”

Triệu Tương Tử nói: “Chẳng lẽ các ngươi không thấy tường thành của Trung Mưu bị sập rồi sao?”

Lão Tử: Người không tranh không hẳn là người yếu nhược

Những thuộc hạ của Triệu Tương Tử càng thấy kỳ quái, hỏi: “Đại Vương, ngài dẫn binh thảo phạt phản nghịch, đây là thuận mệnh trời mà hành. Bây giờ thành Trung Mưu bỗng nhiên bị sập, đúng là ông trời giúp ta. Vì sao chúng ta không thuận theo thiên mệnh, thừa cơ tấn công thành Trung Mưu? Đại Vương hạ lệnh thu binh, chẳng phải là làm trái lại với ý tốt của ông trời sao?”

Triệu Tương Tử vẫn kiên quyết, nói: “Ta nghe hiền nhân Thúc Hướng nói: ‘Quân tử quyết không ở lúc tình thế có lợi cho mình mà thừa cơ ức hiếp người khác, cũng không ở lúc người khác rơi vào tình thế nguy hiểm mà thừa cơ hãm hại họ’. Ta tuy rằng là một người thô bỉ, cũng quyết không giậu đổ bìm leo. Ta phải đợi họ tu sửa thành lại xong xuôi mới lại dẫn binh tấn công họ.”

Người Trung Mưu sau khi biết được nguyên nhân này đã bị cảm động bởi đạo nghĩa của Triệu Tương Tử. Họ lần lượt tiến đến trước mặt ông thỉnh tội, thề vĩnh viễn từ đó về sau không phản bội lại quốc quân nước Tấn nữa.

Đám thuộc hạ của Triệu Tương Tử không ngờ, quân chủ không phát binh, không có một chút thương vong nào mà lại thu phục được lòng dân nên thập phần bội phục. Họ tán thưởng: “Bậc thánh nhân từng nói, vì không tranh với người cho nên thiên hạ cũng không ai tranh với mình. Đây đúng là nói Đại Vương!”

Câu chuyện xưa này là ví dụ sinh động cho tư tưởng “Phu duy bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh” của Lão Tử. Một người hay một quốc gia chỉ cần không tranh giành với người khác, với nước khác, không có dục vọng, không có truy cầu, dùng đức thu phục lòng người thì thiên hạ sẽ không có ai tranh giành lại với mình.

Lão Tử chính là muốn dùng đạo lý này để tiêu trừ dục vọng bạo lực và tâm tranh đấu giữa các quân vương thời xưa. Nếu mỗi người đều làm được không có dục vọng, không có truy cầu thì cũng chính là đã đạt đến cảnh giới vô vi tự tại.

Trong cuộc sống, tư tưởng “phu duy bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh” của Lão Tử còn là đạo lý biến phức tạp thành giản đơn, là trí tuệ xử thế. Rất nhiều khi, người không tranh giành không phải là người thua cuộc, cũng không phải là người nhu nhược hèn yếu mà là người hiểu được đạo lý, biết tiến biết lui, “lùi một bước biển rộng trời cao”. Đó là một loại nhân cách, một loại trí tuệ cao và cũng là một loại hàm dưỡng!

Theo Trithucvn.org

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Đừng rơi nước mắt quá nhiều lần cho một nỗi đau