6 lời không nên nói trong đối nhân xử thế
Tin liên quan
Người ta chỉ cần hai năm để học nói, nhưng lại cần tới vài chục năm để biết cách ứng xử. Chẳng hay bạn có chú ý hay không, chỉ một vài lời nói đơn giản thôi đã có thể khiến cho một người hoàn toàn phật ý, lại cũng có thể khiến một người vui vẻ đến tận mấy ngày. Dưới đây là sáu lời không nên nói trong đối nhân xử thế.
Không nói lời quá thẳng
Nói chuyện cần sự chân thành, nhưng cũng không nên quá thẳng. Lòng tự tôn và tâm hư vinh hầu như ai cũng có, nếu không suy xét tới hoàn cảnh của người khác, rất dễ khiến mọi người rơi vào tình huống khó xử, ai nấy đều không vui.
Nói chuyện cần như dòng suối giữa núi non, thấm vào lòng người, róc rách quanh co, chẳng nên ào ạt, cuồn cuộn dâng trào như những con sông lớn. Chẳng ai thích bị nói như “tát vào mặt” cả mà thường dễ dàng tiếp nhận sự mềm mỏng.
Điểm then chốt trong giao tiếp giữa người với người là khiến người có thể tiếp nhận lời nói của mình. Nếu phương thức nói chuyện không đúng, thì dẫu chân thành nữa, lời nói giá trị nữa, mà đối phương không tiếp thu thì cũng coi như công dã tràng. Những lời mềm mỏng, khéo léo vừa khiến đối phương cảm thấy được tôn trọng, lại chừa lại một khoảng trống giúp họ có thể ổn định cảm xúc, tiếp tục lắng nghe.
Không nói lời thị phi
Người thích buôn chuyện thường khiến người khác chán ghét, đặc biệt là những người thích nói xấu sau lưng người khác. Thường nói chuyện thị phi, ắt là kẻ thị phi. Những người thích chuyện bé xé ra to, tất nhiên cũng không phải là người tốt.
Hứa Kính Tôn, cận thần của vua Đường Thái Tông từng nói: “Vua tin nghe lời thị phi thì quan thần bị hại. Cha mẹ tin nghe lời thị phi thì con cái bị ruồng bỏ. Vợ chồng tin nghe lời thị phi thì gia đình ly tán. Tiếng thị phi của thế gian nọc độc còn hơn rắn rết, bén hơn gươm đao, giết người không thấy máu.”
Cổ nhân có câu: “Tĩnh tọa thường tư kỷ quá, nhàn đàm mạc luận nhân phi”, nghĩa là “Ngồi tĩnh lặng, thường nghĩ lỗi của mình, khi trò chuyện không nói xấu người khác.” Người thực sự thông minh, sẽ tranh thủ những lúc nhàn rỗi học hỏi, nâng cao trình độ của bản thân, chứ không lãng phí thời gian và tâm sức của mình vào những chuyện vô bổ.
Không nói lời oán hận
Trong cuộc sống chúng ta thường gặp những người thích oán trách bản thân hoặc người khác. Kỳ thực không ai thích nghe những lời oán thán bởi chúng khiến người ta cảm thấy khó chịu, tiêu cực.
Những người hay oán hận, thích phàn nàn thường có ý chí không kiên định, khả năng nhẫn chịu áp lực kém. Khi gặp chuyện phiền toái họ thường không ngừng tìm nguyên nhân ở người khác, oán trách sự đời bất công, khiến bản thân rơi vào cảnh thê thảm. Thường xuyên oán hận sẽ dễ khiến bạn trở thành một kẻ lười nhác và yếu nhược.
Luận Ngữ giảng: “Quân tử cầu chư kỷ, tiểu nhân cầu chư nhân”, người quân tử trách mình, kẻ tiểu nhân trách người. Lại giảng: “Cung tự hậu nhi bạc trách vu nhân, tắc viễn oán hĩ”, nghĩa là người tự mình nhận lấy mà không trách người, thì sẽ tránh xa được điều oán hận.
Thay vì trách móc người khác, chi bằng hãy tĩnh tâm suy nghĩ xem vì sao chúng ta lại thất bại? Liệu có giải pháp nào cho vấn đề này hay không? Lần sau nếu gặp lại liệu chúng ta có thể làm được tốt hơn không? Đây mới là điều chúng ta cần thực sự chú ý.
Không nói lời ngông cuồng
Trong giao tiếp giữa người với người cần sự khiêm nhường, ôn nhu. Những lời ngông cuồng, tự đại không nên nói, nói ra dễ khiến người khác chán ghét, thậm chí rước họa vào thân.
Con người thường nói những lời ngông cuồng vì muốn vỗ về tâm hư vinh, nhưng càng làm vậy lại càng bộc lộ khiếm khuyết của bản thân mình. Quả thực, cái được chẳng thể bù cho cái mất.
Ngoài ra với những việc quá sức, chúng ta cũng không nên dễ dàng hứa hẹn, để cuối cùng lại thành người bội ước, đánh mất sự tín nhiệm của người khác dành cho mình.
Có câu rằng “thùng rỗng kêu to”, những người có chân tài thực học, thấu hiểu sự bao la của kiến thức nên thường khiêm nhường. Chỉ những người không biết tự lượng sức mình mới huyênh hoang vì một chút tài mọn.
Không nói lời vô căn cứ
Con người sống trên đời nhất định phải sống cho minh bạch, không nói nhăng cuội, không biết thì không nói, nhất quyết không được nói bừa. Thường có câu rằng: “Kẻ nói vô tình, người nghe hữu ý”, lời vô căn cứ khi tới tai người khác, họ sẽ nghi ngờ nhân phẩm của bạn.
Không ai muốn gần gũi những người ăn nói hàm hồ. Bởi lẽ những lời họ nói ra đều thực giả khó phân, độ tin cậy rất thấp. Nói năng rõ ràng, rành mạch, “nói có sách, mách có chứng” thì người nghe mới cảm thấy bạn là người đáng tin.
Không nói lời ác độc
“Thiện ngôn một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng.” Vậy nên, trước khi nói, chúng ta nhất định phải suy xét nhiều lần, nhằm loại bỏ những lời cay độc khiến người khác tổn thương. Hãy đặt mình ở địa vị của đối phương và suy xét trong hoàn cảnh của họ.
Làm người phải nhân hậu, không nói những lời tuyệt tình, không làm những việc cạn tàu ráo máng. Tích khẩu đức, tôn trọng và bao dung người khác chính là tạo phúc và bao dung cho bản thân mình. Vì thế cần cố gắng học cách kiểm soát, tránh nói lời ác độc.
Cổ nhân có câu rất hay rằng: “Chỉ một niệm mà khiến quỷ thần phẫn nộ, chỉ một lời mà làm tổn thương hoà khí của đất trời, chỉ một hành vi mà gây hoạ hại cho con cháu, mọi thứ đều nên cẩn trọng.” Vậy nên khi nói năng chúng ta cần vô cùng cẩn trọng, xét xem lời nào nên nói, lời nào không.
Theo Trithucvn
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất