Trẻ bị té ngã từ trên cao: Đừng hoảng loạn kẻo gây hại cho con
Tin liên quan
Bình tĩnh trong vài giây đầu tiên
Ngay khi phát hiện trẻ bị té ngã từ trên cao, người lớn cần tận dụng vài giây đầu tiên để nhanh chóng quan sát độ cao mà trẻ bị ngã cũng như bộ phận tiếp đất của trẻ. Nếu độ cao từ vị trí ngã so với mặt đất vượt quá 90cm và đầu của trẻ tiếp đất thì cần sớm đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu.
Mặt khác, bạn cũng có thể quan sát tinh thần của trẻ, nếu sau khi ngã mà trẻ khóc to ngay lập tức và không xuất hiện co giật hay tổn thương cơ bắp thì vết thương không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu trẻ cứ khóc không ngừng, thần trí mơ hồ hoặc trở nên hoảng loạn bất an, kèm nôn ói thì nên nhanh đến bệnh viện.
Quan sát xem trẻ có bị nứt gãy xương hay không
Nếu sau khi trẻ bị té ngã mà có hiện tượng đau đớn kịch liệt, sưng phù cục bộ và hoạt động cơ thể khó khăn, bố mẹ cũng nên căn cứ độ cao mà phán đoán, kiểm tra xem trẻ có bị trật khớp hay nứt xương, thậm chí là gãy xương hay không.
Nếu nghi ngờ trẻ bị chấn thương xương cốt thì không nên dùng sức lay chuyển hay tự ý nắn bóp, cũng hạn chế di chuyển trẻ để tránh tổn thương nặng hơn. Cách tốt nhất là bạn gọi ngay cho xe cấp cứu để nhân viên y tế có biện pháp và công cụ hỗ trợ đưa trẻ đi bệnh viện.
Chườm lạnh chỗ bị sưng
Trẻ bị té ngã từ trên cao dù chỉ ở vị trí thấp và không tổn thương nặng nhưng sẽ khó tránh bị sưng đau do sung huyết. Lúc này, bố mẹ có thể dùng khăn lông bọc viên đá hoặc nhúng vào thau nước đá rồi chườm cục bộ cho trẻ.
Cầm máu cho trẻ nếu có xuất huyết ngoại
Sau chấn thương, nếu trẻ bị chảy máu cục bộ thì người lớn cần có biện pháp giúp trẻ cầm máu tạm thời. Nếu chỉ là trầy xước ngoài da có thể dùng cồn y tế hoặc oxi già để sát khuẩn.
Nếu lượng máu chảy nhiều, hãy dùng khăn sạch chườm ngay vết thương rồi lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý. Chú ý, nếu xung quanh vết thương có ngoại vật bị cắm vào, bạn cũng không nên tùy tiện nhổ ra vì nếu thao tác kém sẽ làm tình trạng của trẻ nghiêm trọng hơn.
Xử lý vấn đề trẻ bị nôn ói
Trẻ có thể nôn ói sau khi té ngã, bố mẹ cần hỗ trợ điều chỉnh cho trẻ nằm nghiêng một bên để tránh dịch ói chảy ngược vào hầu họng, khoang mũi gây ngạt thở. Đồng thời, bạn cũng không nên cho trẻ ăn uống bất cứ thứ gì lúc này để tránh làm lỡ thời gian cấp cứu kịp thời cho trẻ.
Liên tục quan sát trạng thái cơ thể và tinh thần của trẻ trong vòng 48 tiếng
Nguy hiểm nhất sau khi trẻ bị té ngã chính là xuất huyết nội, đặc biệt là não bộ. Do đó, khi trẻ bị ngoại thương cũng cần thận trọng theo dõi quan sát tình trạng của trẻ liên tục. Nếu trẻ không ngừng đau đầu hoặc nôn ói, ngủ nhiều và thần trí khác thường thì dù chỉ té ở chỗ thấp cũng nên sớm đưa trẻ đến bệnh viện.
Ngoài ra, dù trẻ không có biểu hiện bất thường nhưng khi bạn đã dỗ dành cho trẻ bình tĩnh lại và đi vào giấc ngủ thì cứ cách 1 tiếng đồng hồ nên gọi trẻ dậy một lần, quan sát thêm phản ứng của trẻ để có thể phán đoán mức độ nặng nhẹ sau chấn thương.
Tình huống trẻ bị té ngã từ trên cao luôn khiến phụ huynh lo lắng, hy vọng bài viết sẽ giúp bố mẹ có cách xử lý đúng đắn hơn, hạn chế nguy hại cho trẻ.
Thiên Khuê (Theo Familydoctor)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất