Rèn cho bé có hành vi ăn uống lành mạnh không khó nếu mẹ biết những điều này
Tin liên quan
Thói quen ăn uống của trẻ nhỏ có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển khỏe mạnh của trẻ. Vì vậy, bố mẹ nên tập cho bé tiếp cận việc ăn uống một cách khoa học ngay từ khi trẻ mới bắt đầu ăn dặm.
Rèn cho bé có hành vi ăn uống lành mạnh không chỉ dừng ở việc chọn lọc thực phẩm mà còn phải tập cho trẻ những kỹ năng liên quan. Quan trọng hơn là thói quen của người lớn rất dễ khiến bé bắt chước theo.
Người lớn cần làm gương tốt
Khi tập cho bé ăn dặm, đa số chúng ta thường cho bé ăn riêng vào một thời gian và ở một không gian riêng biệt. Mặc dù trẻ còn nhỏ có thể chưa nhận thức đầy đủ nhưng hành vi của các thành viên trong gia đình đều được trẻ quan sát, mô phỏng.
Nghiên cứu cho thấy, người lớn ăn uống thực phẩm lành mạnh, trong một bầu không khí hài hòa vui vẻ có khả năng ảnh hưởng tích cực đến thái độ ăn uống của trẻ nhỏ. Vì vậy, dù bé có ngồi cùng bàn ăn hay không, bạn vẫn nên chú ý thói quen ăn uống tử tế của mình.
Không gây áp lực cho bé
Đa số các bậc phụ huynh đều phạm phải lỗi này. Chúng ta thường mong muốn bé ăn uống được nhiều và tuân theo thực đơn của bạn đề ra. Thực tế, không phải cứ cho trẻ ăn càng nhiều thì càng tốt. Ngay cả khi bé chịu ăn, bé vẫn có thể cự tuyệt ở lần sau.
Bạn chỉ nên chọn lọc thực phẩm khoa học, chế biến và trình bày sao cho hấp dẫn bé. Còn về số lượng tiêu thụ, thậm chí bé ăn hay không ăn đều nên để cho bé quyết định. Khi mới bắt đầu giới thiệu thực phẩm, hãy kiên nhẫn và thử lại nhiều lần nếu bé cự tuyệt.
Cho bé được lựa chọn nhưng có hạn chế
Để rèn cho bé có hành vi ăn uống lành mạnh, bạn cần kiên nhẫn và thực hiện có phương pháp. Ví dụ, bạn muốn cho bé ăn cơm, trên bàn ăn ít nhất nên có một món bé nhận biết và yêu thích. Chẳng hạn bé có thể chọn ăn cơm với thịt gà hay cá.
Hạn chế dùng thức ăn như một phần thưởng
Một tình trạng khá phổ biến đó là bố mẹ dùng thức ăn làm phần thưởng để kích thích trẻ ăn một loại thức ăn khác. Ví dụ bạn hứa sẽ cho trẻ ăn kẹo nếu trẻ chịu ăn rau trong bữa cơm. Điều này dần dần khiến trẻ hiểu sai lệch về thông điệp của việc ăn uống.
Bé sẽ nhận định rằng, các loại phần thưởng như kẹo, kem, bánh ngọt… có giá trị hơn bữa ăn chính với cơm, rau, thịt… Ngoài ra, khi đã trở thành thói quen, bé sẽ có xu hướng đòi hỏi phần thưởng nhiều hơn khi phải ăn cơm.
Chia nhỏ khẩu phần ăn và cho phép sự lộn xộn
Thói quen ép trẻ ăn của người lớn rất dễ gây tâm lý sợ hãi và kháng cự mạnh mẽ hơn ở bé. Đặc biệt khi giới thiệu một loại thức ăn mới, bạn cần cho bé thử với một lượng thật nhỏ và tùy theo phản ứng của trẻ.
Bé có thể ăn một hạt đậu xanh hấp và sau đó không ăn nữa. Bạn nên vui vẻ khích lệ bé và thử lại ở những lần sau chứ không phải dọa nạt và ép bé ăn thêm. Ngoài ra, trẻ nhỏ thích được thoải mái trong hành vi, bé có thể bẻ vụn thức ăn, vung vãi khắp nơi.
Hạn chế đồ ăn vặt và các loại thức uống
Nhiều phụ huynh cho rằng, cung cấp thêm thức ăn nhẹ và nước ép sẽ bổ sung thêm năng lượng, dinh dưỡng cho trẻ. Điều này có thể lợi bất cập hại vì nó làm giảm cảm giác ngon miệng trong bữa ăn chính.
Tóm lại, bạn cần kiên nhẫn và rèn từng bước nhỏ khi bé mới bắt đầu ăn dặm. Đảm bảo trẻ được thoải mái, được lựa chọn nhưng vẫn có kỷ luật trong ăn uống. Quan trọng, người lớn trong nhà cần phải làm gương tốt trong thói quen sinh hoạt hằng ngày.
Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có thêm phương pháp hiệu quả để rèn cho bé có hành vi ăn uống lành mạnh, giúp trẻ phát triển toàn diện và khỏe mạnh.
Thiên Khuê (Theo Parent)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất