Ngộ độc nước ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử lý

Thiên Khuê 2023-11-27 13:42
- Ngộ độc nước ở trẻ sơ sinh có thể gây nguy hiểm cho em bé của bạn. Emdep sẽ giải đáp vấn đề này để bạn nuôi con an toàn và khỏe mạnh nhé.

Tương tự người trưởng thành, nước là thành phần quan trọng đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, mẹ cần biết độ tuổi nào thì thích hợp cho trẻ uống nước và liều lượng bao nhiêu là an toàn.

Ngộ độc nước ở trẻ sơ sinh là tình huống có thể gây biến đổi sinh lý nghiêm trọng, điển hình nó khiến trẻ bị hạ thân nhiệt, co giật và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu không kịp thời xử lý.

Ngộ độc nước ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử lý

Mặc dù em bé bị ngộ độc nước khá hiếm xảy ra nhưng một số trường hợp lại do sữa công thức pha quá loãng cũng gây nguy cơ này. Ngoài ra, nhiều người tùy tiện cho trẻ nhỏ uống nước khi bị tiêu chảy mà không có chỉ định của bác sĩ.

Trẻ sơ sinh nên uống bao nhiêu nước là an toàn?

Trẻ dưới 6 tháng tuổi thường không nên uống nước. Nhu cầu hydrat hóa của trẻ sơ sinh được đảm bảo nhờ sữa mẹ, sữa công thức nên chưa cần đến nước lọc bổ sung. Trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi có thể uống từ 0,5 đến 1 cốc nước (khoảng 4 đến 8oz.) mỗi ngày.

Trong trường hợp đặc thù như trẻ bị bệnh hoặc thời tiết nóng bức, mẹ có thể thêm nước uống cho bé trên 6 tháng tuổi nhưng cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Nhìn chung, việc bổ sung nước cho trẻ sơ sinh cần thận trọng để tránh ngộ độc.

Ngộ độc nước ở trẻ sơ sinh thường có triệu chứng gì?

Khi cơ thể trẻ dư thừa nước có thể gây hạ natri máu một cách bất thường. Nó ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan bên trong, bao gồm cả não bộ. Vì vậy, mẹ nên biết triệu chứng ngộ độc nước để sớm xử lý cho trẻ.

Ngộ độc nước ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử lý

- Bé có trạng thái lờ đờ hoặc chóng mặt

- Nước tiểu trong suốt

- Bỗng nhiên quấy khóc

- Thân nhiệt hạ thấp (dưới 36°C)

- Bé buồn nôn và nôn

- Tay chân và mặt bị sưng phù

- Hơi thở không đều

Trong tình huống nghiêm trọng, ngộ độc nước ở trẻ sơ sinh còn có thể dẫn đến mờ mắt, chuột rút, co giật và hôn mê. Do đó, mẹ cần quan sát mọi biến đổi nhỏ của bé để kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu.

Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị ngộ độc nước

Cho trẻ uống nước quá sớm

Trẻ sơ sinh không thể tự uống nước mà hoàn toàn phụ thuộc sự chăm sóc của mẹ cùng người thân trong gia đình. Trẻ dưới 6 tháng tuổi không cần uống nước bổ sung. Vì vậy, nếu bạn cho bé uống nước lọc, nước trái cây quá sớm sẽ khiến thận không xử lý tốt.

Ngộ độc nước ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử lý

Sữa công thức pha quá loãng

Mỗi sản phẩm sữa đều có hướng dẫn pha chế nhưng nhiều người vẫn tự ý điều chỉnh lượng nước theo đánh giá chủ quan của mình. Dùng quá nhiều nước làm loãng sữa công thức làm rối loạn điện giải, tăng nguy cơ ngộ độc nước.

Cho trẻ uống nước bằng cốc thiếu kiểm soát

Ngay cả với trẻ từ 12 đến 24 tháng tuổi cũng cần chú ý khi cho trẻ uống nước. Việc cho trẻ uống nước bằng cốc thay vì bú bình có thể khiến trẻ uống quá nhiều nước nếu người lớn không giám sát.

Điều trị ngộ độc nước ở trẻ nhỏ như thế nào?

Vấn đề trẻ bị ngộ độc nước không thể tự điều trị tại nhà. Tốt nhất bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra mức độ của vấn đề. Sau đó, bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị để khôi phục cân bằng điện giải, đồng thời giải quyết các triệu chứng kèm theo.

Ngộ độc nước ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử lý

Ngoài ra, bạn nên có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả trong quá trình nuôi con. Điển hình là không cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước, không pha sữa công thức quá loãng, ngay cả khi cho bé bổ sung nước cũng cần kiểm soát liều lượng thích hợp.

Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có đủ kiến thức về ngộ độc nước ở trẻ sơ sinh, có biện pháp xử lý an toàn cũng như phòng ngừa hiệu quả.

Thiên Khuê (Theo Mom)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Giảm mỡ đùi, thon gọn chân với động tác siêu dễ