Mẹ đơn thân người Dao đưa con hơn 2 tuổi đi phượt khắp nước Việt bằng xe máy và hành trình nuôi con kiểu 'tộc' đáng suy ngẫm

Phương Nga 2022-11-22 11:38
- Bà mẹ người Dao Dương Thị Kim Cảnh đã cùng cậu con trai 29 tháng tuổi chinh phục nhiều cung đường với niềm mong muốn con trở nên cứng rắn, tự lập.

“Trên đất nước Việt Nam này mình đi hết rồi, đặc biệt là cung đường Tây Bắc, mình có cơ hội đi nhiều lần rồi. Đi theo đoàn và đi một mình thì thường xuyên, mình luôn tự hào khi được sống hết mình với đam mê của một phượt thủ Thái Nguyên”, đó là câu nói của chị Dương Thị Kim Cảnh khi được hỏi đến niềm đam mê của bản thân.

Xuất phát điểm với vai trò là một giáo viên, nhưng một phần công việc quá nhàm chán và những biến cố riêng tư đã đưa chị Kim Cảnh đến với những cung đường mới, những vùng đất đầy hứa hẹn. Chị bắt đầu với chuyến đi đầu tiên vào năm 2013. Đến năm 2016, chị cùng hội đam mê phượt tham gia nhiều chương trình thiện nguyện. Càng đi đến nhiều nơi, gặp nhiều người, chị Kim Cảnh lại càng thêm tự hào về dân tộc Dao của mình.

Hơn 2 năm nay, người phụ nữ dân tộc Dao này có thêm một người bạn đồng hành đầy đặc biệt là cậu con trai nhỏ. Trên chiếc xe wave với đủ thứ hành lý chất cao hơn đầu người, chàng trai nhỏ đã cùng mẹ phiêu du đến hàng chục miền đất mới lạ, ngập tràn điều thú vị chờ khám phá.

Mẹ đơn thân người Dao và hành trình nuôi con kiểu tộc trên từng cung đường phượt khắp Việt Nam

Hành trình cùng con đi xuyên Việt có người nhìn khâm phục, kẻ soi mói ái ngại

Hình ảnh cậu bé với làn da ngăm đen, khỏe khoắn và cứng cáp, tự tay xúc mì đưa lên miệng ăn ngon lành khiến ai cũng thích thú. Cậu bé là Dương Phúc Bảo, tên thường gọi là Giàng, đã được mẹ là chị Dương Thị Kim Cảnh (1985, dân tộc Dao, Thái Nguyên) đưa đi phượt bằng xe máy trọn vẹn đến các tỉnh thuộc vùng Tây Bắc và Đông Bắc.

Ngay từ khi mang bầu con, nữ phượt thủ của “làng phượt” Thái Nguyên đã lên kế hoạch, háo hức chờ ngày con chào đời đủ lớn để cùng chị đi ngao du. Đến khi Giàng được 18 tháng tuổi, chuyến đi đầu tiên của hai mẹ con kéo dài 11 ngày qua các tỉnh vùng Đông Bắc – Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn...

Mẹ đơn thân người Dao và hành trình nuôi con kiểu tộc trên từng cung đường phượt khắp Việt Nam

Với một người phụ nữ có cá tính mạnh mẽ, chị Kim Cảnh mong muốn cậu con trai của mình cũng sẽ trở thành người khỏe mạnh và có nhiều trải nghiệm thực tế. Có lẽ vì thế, việc áp dụng vào chính cái đam mê phượt của chị cũng là cách khơi dậy bản năng, tác động đến suy nghĩ và tính cách của bạn nhỏ. 

Bà mẹ đơn thân người Dao chia sẻ với Emdep.vn: “Thứ nhất mình muốn con đi là để được trải nghiệm với khí hậu của các vùng miền khác nhau, từ nơi 0 độ, 1 độ hay trên 40 độ vẫn thích ứng được, thích nghi với các đồ ăn của từng địa phương, khám phá những điều mới mẻ. Điều khiến mình tự hào nhất là bé được hơn 29 tháng rồi nhưng mình chưa từng phải đưa con đi bệnh viện và chưa từng dùng qua một viên thuốc tây nào cả. Đây cũng là động lực để mình đưa con đi nhiều hơn.”

Cậu bé Giàng năm nay mới hơn 2 tuổi nhưng đã có cơ hội được đi tất cả các tỉnh phía Bắc và có một chuyến phượt dài ngày từ Thái Nguyên vào Thừa Thiên- Huế cùng mẹ. Sắp tới, chị đang lên kế hoạch để con tiếp tục chinh phục các tỉnh phía Nam.

Mẹ đơn thân người Dao và hành trình nuôi con kiểu tộc trên từng cung đường phượt khắp Việt Nam

Trước khi lập gia đình, chị đã có nhiều năm một mình đi phượt bằng xe máy. Trong tất cả tỉnh, thành tại Việt Nam, chỉ còn hai tỉnh Đắk Nông và Bình Phước là chị chưa đến. Qua những chuyến đi ấy, chị Cảnh được rèn luyện ý chí, bản lĩnh, sự tự tin và quyết đoán hơn trong mọi việc. Song song với đó, những hiểu biết về đời sống, văn hóa, ẩm thực và phong cảnh quê hương cũng được trau dồi.

Vừa đảm đương trách nhiệm của một người mẹ, chị Kim Cảnh vừa gánh vác vai trò của một người bố. Có lẽ vì thế mà người phụ nữ ấy cho rằng khi con được va chạm với xã hội, bươn chải với mẹ từ nhỏ, thì sau này rèn cho con tính cách mạnh mẽ. 

Đối mặt với nhiều ý kiến trái chiều, người phụ nữ dân tộc Dao khẳng định bản thân là một phượt thủ chuyên nghiệp, đủ kinh nghiệm, kỹ năng sinh tồn để đảm bảo an toàn cho con trai. Trước mỗi chuyến đi, chị Kim Cảnh chuẩn bị đầy đủ vật dụng, tư trang cá nhân hàng ngày cho con. Kèm theo là thuốc, đồ y tế sơ đẳng nhất như hạ sốt, ho, cảm, băng gạc, ô-xy già, cồn, đồ ăn vặt, sữa hộp…

Mẹ đơn thân người Dao và hành trình nuôi con kiểu tộc trên từng cung đường phượt khắp Việt Nam

Nếu trước đây, chuyến đi phượt nào chị cũng có cách ăn mặc “nhìn là biết” dân phượt với đồ ráp, bảo hộ, kính, mũ…, thì giờ khi đi cùng con trai, chị hướng đến sự thoải mái, thong dong vừa đi vừa cảm nhận, vãn cảnh nên ăn mặc khá nhẹ nhàng, cảm tưởng như chuyến đi chơi gần nhà. 

Chiếc xe wave của chị và cậu con trai cũng vô cùng ấn tượng. Ngoài hai mẹ con, đằng sau chị chất đầy đồ đạc cá nhân, lều trại, đồ ăn thức uống cao vượt đầu người. Chị kể cứ đi được khoảng 150km là chị lại dừng chân ở trạm xăng, vừa đổ xăng vừa cho con ăn nhẹ, đi vệ sinh và nghỉ ngơi. “Mọi người rất hay hỏi chuyện 2 mẹ con. Khi biết 2 mẹ con đi phượt, người thì trầm trồ thán phục, người thì tỏ ra ái ngại”. Dụng cụ sửa chữa xe chị Cảnh chuẩn bị khá đầy đủ, phòng trường hợp xe bị thủng săm hoặc trùng xích, chị cũng có thể tự sửa chữa.

Theo dõi thời tiết là một vấn đề bà mẹ một con khá lưu ý khi đưa con đi phượt chung. Ngoài theo dõi qua điện thoại di động, chị còn chủ hỏi cộng đồng phượt của mình ở những vùng, địa phương sẽ đi đến chứ không "liều".

Mẹ đơn thân người Dao và hành trình nuôi con kiểu tộc trên từng cung đường phượt khắp Việt Nam

“Mình định đi ngày này nhưng mà mưa quá, mình sẽ lùi lịch ngay. Mình quan điểm, tất cả chuyến mình đi không phải lấy thành tích mà mình đi để cho con được trải nghiệm và phải an toàn”.

Bà mẹ đơn thân tiết lộ, điều bản thân sợ nhất khi đưa con đi cùng là trời mưa. Mưa to khiến mất an toàn cho cả chị và con, cậu con trai còn nhỏ nên khó có thể thuyết phục con mặc áo mưa, nên hễ trời có biểu hiện mưa chị Cảnh và con sẽ dừng xe, nghỉ ngơi, chờ tạnh rồi đi tiếp. 

Không chỉ ngủ nghỉ ở các khách sạn, homestay mẹ Giàng còn cho con trải nghiệm ngủ tại lều trại trên đảo vắng do chị tự dựng trong trường hợp an toàn. Thứ nhất, xung quanh không có thú dữ, động vật, thứ hai là vị trí địa lý, thời tiết không quá khắc nghiệt, cản trở hai mẹ con. Là một dân phượt chính hiệu, chị Kim Cảnh cũng suy nghĩ đến nhiều tình huống, cách giải quyết hiệu quả để không luống cuống nếu sự cố xảy ra.

Đưa con cùng đi, người mẹ đơn thân không đặt mục tiêu mỗi ngày phải di chuyển bao nhiêu cây số. Có những ngày hai mẹ con chỉ di chuyển được 50 - 60km, và có những ngày đi tới 300km. Chị cho biết, trung bình di chuyển khoảng từ 1,5-2 giờ đồng hồ hai mẹ con sẽ dừng lại nghỉ ngơi. Ngoài di chuyển chủ yếu bằng xe máy, mẹ 2 mẹ con Giàng còn trải nghiệm các phương tiện khác: xe khách giường nằm, máy bay để có trải nghiệm thuận tiện và an toàn hơn.

Trong chuyến đi Đông Bắc, mẹ con chị Cảnh đã chinh phục đỉnh Chiêu Lầu Thi (2.402m, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang). Ít tháng sau, khi con vừa được 20 tháng tuổi, chị Cảnh lại tiếp tục đưa con đi trải nghiệm 13 ngày Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La...).

Mẹ đơn thân người Dao và hành trình nuôi con kiểu tộc trên từng cung đường phượt khắp Việt Nam

Trong chuyến đi này, kỷ niệm chị Kim Cảnh nhớ nhất là lần hai mẹ con đến thăm chợ Cán Cấu (thuộc vùng núi huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai). Quan sát thấy trời nắng, tạnh ráo với chặng đường 82 km từ thành phố Lào Cai đi lên, chị thong dong vừa đi vừa ngắm cảnh, uống cà phê. Tuy nhiên khi đi từ Bắc Hà đến Si Ma Cai (24 km) đường chuyển tối, sương mù dày đặc, càng đi càng heo hút, sấm chớp nổi lên lóa trời. Bà mẹ một con khi ấy vừa sốt ruột vừa lo lắng, cậu bé Giàng cũng áp sát mẹ, ánh mắt hiện lên sự sợ hãi. 

Sau khi đến Cán Cấu, cứ nghĩ sẽ tìm được chỗ nghỉ chân nhưng lại buộc phải đi đến Si Ma Cai mới có nhà nghỉ. Hai mẹ con lại tiếp tục đi thêm 7km trong tình trạng sợ hãi, sấm chớp nổi liên tục. 

Bà mẹ đơn thân nhớ lại: “Lúc đó nhìn xuống con thấy bé trực khóc, mình lại vừa đi vừa thủ thỉ với con, động viên, khích lệ tính dũng cảm của con. “Chả có gì phải sợ cả con nhỉ, sấm vui tai mà con nhỉ””.

Hơn 8 giờ tối, chị và Giàng an toàn đến địa điểm để nghỉ ngơi. Sau khi tắm rửa, chị cùng con lên trung tâm Si Ma Cai ăn tối, ở đây chị và con trai được gặp nhiều người mới, cùng giao lưu kết bạn. Sáng hôm sau, không khí chợ Cán Cấu khiến hai mẹ con người Dao vô cùng ấn tượng. Bé Giàng bạo dạn thăm thú, chơi đùa với con lợn, con gà, hòa mình vào muôn vàn màu sắc văn hóa dân tộc nơi đây.

Mẹ đơn thân người Dao và hành trình nuôi con kiểu tộc trên từng cung đường phượt khắp Việt Nam

“Nhìn con háo hức, hồn nhiên vui chơi, khám phá đó đây khiến mình cũng thấy hạnh phúc lắm. Mình nghĩ là con khỏe mạnh hơn và già dặn hơn so với bạn bè cùng lứa. Giàng tự ăn uống, tự tin giao tiếp với tất cả mọi người trên mỗi cung đường, ai hỏi hay cho gì là lập tức khoanh tay ạ chứ không cần nhắc”, chị Kim Cảnh tâm sự.

Nuôi dưỡng tình yêu đồng bào dân tộc Dao và phương pháp dạy kiểu “tộc”

Điều khiến ai cũng phải bất ngờ là khi biết đến việc chị Kim Cảnh giao tiếp với Giàng hàng ngày hoàn toàn bằng tiếng dân tộc Dao. Mỗi chuyến đi phượt đến đâu có đồng bào Dao, chị Cảnh đều đưa con đến giới thiệu, thăm nom và trò chuyện thân thiết. Mỗi chuyến đi ngao du, gặp gỡ bạn bè ở nhiều miền đất mới, nếu có thể mẹ và Giàng không ngần ngại khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của người dân tộc Dao để "khoe khéo" với họ về vẻ đẹp văn hóa của dân tộc. Người mẹ đơn thân luôn tự hào mình là người dân tộc Dao, được nói tiếng Dao và hàng ngày lan truyền văn hóa dân tộc mình đến nhiều bạn bè bằng những chuyến đi phượt. 

Chị chia sẻ: “Mình không trò chuyện với Giàng bằng tiếng kinh mà 100% là tiếng của người Dao. Bất cứ ai làm quen, trò chuyện, giao tiếp với con mình đều yêu cầu họ nói tiếng dân tộc. Đương nhiên khi con đi học cô giáo sẽ dạy con tiếng phổ thông, từ đó con sẽ có sự nhạy bén trong ngôn ngữ, linh hoạt hơn trong giao tiếp”.

Mẹ đơn thân người Dao và hành trình nuôi con kiểu tộc trên từng cung đường phượt khắp Việt Nam

Là một người có tri thức và vốn sống phong phú, chị Cảnh đủ hiểu về tầm quan trọng của ngôn ngữ giao tiếp trong thời đại ngày nay. Bằng cách dạy của mình, cu Giàng đến nay chưa nói được nhiều nhưng bé sử dụng rất linh hoạt ngôn ngữ khi giao tiếp với mẹ, hoặc với cô giáo bạn bè khi tới trường. 

Chị cũng dự định khi con lên 4 tuổi, với lượng kiến thức mình có được chị sẽ tự dạy con tiếng Anh để cùng con trai đi du lịch một số nước như Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Malaysia.

Điều khiến nhiều bậc phụ huynh ngả mũ thán phục còn ở phương pháp dạy con kiểu “tộc” theo cách mà bà mẹ đơn thân Kim Cảnh gọi. Để có một cu cậu khỏe mạnh, chưa mất một viên thuốc nào, tự ăn, tự ngủ, tự chơi bản thân người mẹ Cảnh cũng đã trải qua quá trình dạy dỗ, rèn luyện. 

Mẹ đơn thân người Dao và hành trình nuôi con kiểu tộc trên từng cung đường phượt khắp Việt Nam

Chị luôn tạo môi trường mở cho con vui chơi, khám phá mà điều thể hiện rõ nhất là những chuyến đi phượt từ lúc 18 tháng tuổi. NMột bé trai khỏe khoắn, bạo dạn, ngã tự đứng dậy, tự giải quyết vấn đề cá nhân, ăn ngoan, ngủ ngoan không phải tự nhiên mà có.

Con sinh ra vốn thiếu vắng vòng tay của người bố. Nhưng thay vì an ủi vỗ về mềm mỏng, chị Kim Cảnh chọn cách để con dần thích nghi với cuộc sống đó. Chị cho con làm quen và tự lập từ việc xúc cơm ăn, thay đồ. Cậu bé cũng rất thương mẹ và hiểu chuyện. Bà mẹ đơn thân luôn dành thời gian trò chuyện, tỉ tê với con, động viên và cùng con trải nghiệm mọi biến chuyển, tình huống trong cuộc sống thường ngày.

Người phụ nữ dân tộc Dao cho hay: “Mình là một người mẹ đơn thân cho nên mình không thể dạy con giống như những đứa trẻ có đủ cả tình thương của bố. Ở bên mình, Giàng cần được rèn luyện trở thành một người độc lập. Có thể với một số cha mẹ khác, trong hoàn cảnh như mình sẽ nuông chiều, bù đắp cho con, đáp ứng từ gói bánh, hộp sữa nhưng mình thì khác”.

Mẹ đơn thân người Dao và hành trình nuôi con kiểu tộc trên từng cung đường phượt khắp Việt Nam

Nhiều cách dạy con khoa học cứng rắn, khuôn mẫu áp dụng vào một quy trình kiểu như theo Nhật, kiểu Do Thái không phải là lựa chọn của bà mẹ đơn thân Kim Cảnh. “Lâu lâu mình có nói chuyện là tôi nuôi con kiểu “tộc” và kiểu “tộc” này trong gia phả chưa có, cũng chưa có sách nào chia sẻ về cách dạy con kiểu “tộc” cả.”

Chị Kim Cảnh thấu hiểu, người đồng bào dân tộc thiểu số là sống ở vùng núi cao và điều kiện sống của họ vô cùng thiếu thốn về vật chất, thiếu thông tin và thiếu thốn về cái phương tiện giao thông để đi lại để giao thương. Chính vì cái nghèo đeo bám, không có giáo dục tốt khiến tư duy và ý thức phòng tránh thai kém. Sinh con nhiều nhưng bố mẹ phải lên rừng, con vạ vật tự sinh tồn, tự tìm ăn, tự chơi… So với bạn bè cùng trang lứa ở dân tộc mình, Giàng được ăn ngon, mặc đẹp, được đáp ứng các điều kiện học tập, vui chơi tốt nhất có thể.

Mẹ đơn thân người Dao và hành trình nuôi con kiểu tộc trên từng cung đường phượt khắp Việt Nam

Tuy vậy, điều quý giá nhất mà chị Kim Cảnh tự tin có thể cho con là một môi trường hòa mình vào thiên nhiên, được sống đúng với văn hóa của dân tộc, được trải nghiệm và tự làm tăng sức khỏe, độ dẻo dai. Lựa chọn đi phượt bằng xe máy, chứ không phải ô tô, tự dạy con theo bản năng của mẹ và phù hợp với môi trường sống là cách chị Cảnh hình thành một cậu Giàng khỏe mạnh, tự lập, hồn nhiên và bản lĩnh.

“Mình đưa con đi ăn tiệc mọi người nhìn đều phải trầm trồ và phục bởi vì sao Giàng ngồi rất ngoan. Ăn xong sẽ tự chơi một mình, không phá phách, cáu giận, hạch sách hay mè nheo. Là 1 người mẹ được đi học và cũng đủ sức khỏe, kiến thức để nuôi và dạy con nên mình sẽ luôn làm điều tốt nhất cho con. Mỗi gia đình, mỗi hoàn cảnh sống khác nhau, sự nuôi và dạy sẽ khác nhau. Nhưng kết quả chắc chắn ai cũng đều mong muốn sau này bé cứng cáp, khỏe mạnh, khôn ngoan", mẹ Giàng bày tỏ.

 

Phương Nga

Ảnh: NVCC

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Cách dọn sạch nhà thông minh cho các bà nội trợ