Bệnh chốc lở ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Tin liên quan
Chăm sóc da cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đòi hỏi cần có những chú ý đặc biệt để đảm bảo an toàn, khỏe mạnh cho bé. Một loại nhiễm trùng da cũng khá phổ biến ở trẻ chính là bệnh chốc lở (còn gọi là chốc lây).
Bệnh chốc lở ở trẻ em chủ yếu là do vi khuẩn, và dễ lây lan khi tiếp xúc với da hoặc đồ vật có dính mầm bệnh. Thông thường, bệnh này xảy ra phổ biến hơn ở trẻ từ 2 đến 5 tuổi. Bố mẹ cần biết nguyên nhân, triệu chứng để có cách điều trị, chăm sóc trẻ hợp lý.
Nguyên nhân gây ra bệnh chốc lây ở trẻ là gì?
Do vi khuẩn
Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ bị nhiễm bệnh về da. Vi khuẩn phổ biến là Streptococcus pyogenes và Staphylococcus aureus, chúng xâm nhập qua các tổn thương trên da như vết xước hay vết côn trùng cắn.
Do vấn đề vệ sinh
Trẻ không được dạy cách rửa tay thường xuyên càng dễ bị nhiễm vi khuẩn, nấm bệnh hơn. Ngoài ra, thói quen cho trẻ tắm bồn nếu không giữ vệ sinh đúng cách cũng có thể nhiễm trùng da từ các vật dụng trong phòng tắm.
Do lây nhiễm từ người khác
Người thân hoặc bất kỳ ai tiếp xúc với bé nếu đang bị bệnh chốc lở cũng trở thành nguồn lây bệnh cho trẻ. Vì vậy, biện pháp phòng bệnh tốt nhất là cách ly bé với đối tượng đang có vấn đề sức khỏe, bao gồm cả bệnh về da.
Do hệ miễn dịch suy yếu hoặc bệnh về da khác
Trẻ có hệ miễn dịch kém thường dễ bị bệnh hơn so với trẻ cùng độ tuổi. Trong đó, vi khuẩn, virus và các mầm bệnh dễ dàng xâm nhập qua vết thương trên da. Ngoài ra, nếu trẻ đang bị chàm hoặc viêm da cũng dễ bị nhiễm trùng gây bệnh chốc lở.
Triệu chứng bệnh chốc lở ở trẻ em
Vết loét tương tự mụn nước
Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh chốc lở ở trẻ em chính là các mụn nước và vết loét đỏ trên da. Những vết loét này có kích thước khác nhau nhưng thường chứa đầy dịch lỏng màu vàng hoặc màu mật ong bên trong.
Xung quanh các vết loét cũng có thể bị đỏ và có biểu hiện viêm. Đây là tín hiệu của hệ miễn dịch khi vi khuẩn tấn công. Trẻ cũng bị khó chịu nhiều do ngứa, đau, nóng rát. Vết loét có thể bị vỡ và rỉ dịch nếu bị cọ xát mạnh.
Các triệu chứng khác
Một số trường hợp trẻ có thể kèm theo tình trạng sưng hạch bạch huyết và sốt. Nguyên nhân chủ yếu là do phản ứng của hệ miễn dịch đối với sự nhiễm trùng ở da. Trẻ cũng có biểu hiện mệt mỏi, kiệt sức, khóc quấy nhiều do khó chịu vì đau hoặc ngứa ngáy.
Điều trị và chăm sóc trẻ bị nhiễm trùng da như thế nào?
Bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra và chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ có thể sẽ kê toa thuốc kháng sinh đường uống hoặc bôi tại chỗ cho bé. Bạn cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý ngưng thuốc hoặc tùy tiện mua thuốc cho bé dùng.
Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ khu vực đang bị bệnh của bé bằng cách làm sạch da bằng nước, chú ý dùng lực nhẹ nhàng để không gây vỡ các vết loét. Sau khi vệ sinh thân thể cho bé, bạn cũng cần rửa tay sát khuẩn để tránh lây nhiễm chéo.
Tham khảo hướng dẫn của bác sĩ để biết cách che chắn vùng da bị chốc lở cho trẻ bằng băng y tế. Điều này giúp giảm tác động từ bên ngoài gây đau cho trẻ, ngoài ra cũng hạn chế sự lây lan của vùng bị nhiễm trùng.
Hy vọng bài viết sẽ giúp mẹ có đủ thông tin cần thiết về bệnh chốc lở ở trẻ em, có biện pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả cho bé.
Thiên Khuê (Theo Parent)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất