Bé luôn đòi bế: Lý do và cách xử lý thích hợp
Tin liên quan
Vì sao trẻ sơ sinh thích được bế?
Trẻ sơ sinh thích được bồng bế và âu yếm là điều bình thường. Sau khi chào đời, bé sẽ cảm thấy mọi thứ mới mẻ, chưa thích ứng nên khi được ôm trong tay sẽ có cảm giác an toàn và thoải mái hơn.
Bé luôn đòi bế cũng có thể tùy theo độ tuổi, tính cách và tình trạng sức khỏe. Nếu bé cưng của bạn lúc nào cũng khóc quấy và không thể ở yên khi một mình thì có thể gây ảnh hưởng đáng ngại về sau.
Bé muốn tìm kiếm sự an toàn bản năng
Khi rời khỏi bụng mẹ, thế giới xung quanh đầy những thứ mới lạ và cũng khá ồn ào nên trẻ có bản năng muốn chạm vào người thân cận nhất, đặc biệt là mẹ. Đây là yếu tố tâm lý bình thường không phải do bệnh tật.
Trẻ được mẹ bế trong lòng, hửi mùi hương quen thuộc của mẹ sẽ giúp xoa dịu cảm xúc bất an. Điều này tạo ra sự thoải mái và an tĩnh cho mọi đứa trẻ. Ngoài ra, tiếp xúc gần gũi cũng giúp tăng cường tình cảm gắn kết giữa trẻ và bố mẹ.
Bé đói hoặc bệnh
Nguyên nhân bé đòi bế có thể chỉ là đói và phát tín hiệu cần được bú sữa. Bạn có thể quan sát và nhận ra những tín hiệu khác như bé cử động môi nhiều hoặc đưa ngón tay vào miệng.
Tuy nhiên, nếu bé luôn đòi hỏi được bế và ôm ấp, kèm theo sốt, chán ăn, khóc nhiều thì có thể bé đang không khỏe. Sự khó chịu do bệnh tật gây ra sẽ khiến bé tìm kiếm an ủi, xoa dịu từ mẹ.
Bé đang lo sợ hoặc giận dữ
Thông thường, trẻ từ 10 đến 18 tháng sẽ dễ có tình trạng lo lắng mỗi khi nhìn thấy bố mẹ rời khỏi. Hiện tượng này có thể tự biến mất khi trẻ được 3 tuổi. Nhưng trước đó, mỗi khi gặp lại bố mẹ sẽ khiến bé nóng vội đòi được bế, thậm chí không cho bố mẹ xa mình.
Ngoài ra, trẻ mới biết đi cũng thường có hành động đòi bế khi tức giận. Biểu hiện này thật ra chỉ là bé muốn được an ủi, quan tâm, khen ngợi hoặc muốn bày tỏ sự bất mãn của mình. Nghiên cứu cho thấy, mùi quen thuộc của mẹ có thể xoa dịu mọi cảm xúc tiêu cực của bé.
Làm sao để điều chỉnh hành vi đòi bế mọi lúc của bé?
Nếu xác định nguyên nhân bé luôn đòi bế không phải do bệnh tật, bạn có thể áp dụng một số mẹo sau đây để cải thiện tình trạng này.
Xác định nhu cầu của bé
Trước 12 tháng tuổi, mẹ nên bế trẻ theo yêu cầu vì đây là giai đoạn bé đang phát triển về mặt cảm xúc, thật sự cần có sự quan tâm, tiếp xúc và tương tác với bố mẹ. Tuy nhiên, nếu bé vẫn vui vẻ và không có biểu hiện đòi hỏi, bạn không nên lạm dụng việc bồng bế.
Tập cho bé khả năng tự điều chỉnh cảm xúc
Một số trường hợp có thể để em bé khóc mà không nhất định phải bế lên và dỗ dành ngay lập tức. Quan sát nếu bé khỏe mạnh, bú sữa bình thường thì mẹ có thể không cần đáp ứng đòi hỏi được bế của bé.
Hãy giữ bé trong tầm nhìn hoặc bạn vẫn ở cạnh bé nhưng không chạm vào, cho bé một chút thời gian để học cách tự xoa dịu cảm xúc của mình. Nghiên cứu cho thấy, bé có thể khóc một lúc để tự tìm cách ổn định tâm lý.
Tạo cảm giác an toàn hoặc đánh lạc hướng bé
Nếu bé nằng nặc đòi bế vì lý do không cần thiết, bạn nên để bé tự điều chỉnh cảm xúc hoặc di chuyển sự chú ý của bé bằng đồ chơi, núm vú giả… Để cho bé tiếp xúc và sinh ra tò mò với những thứ xung quanh cũng giúp trẻ phát triển các kỹ năng về sau.
Ngoài ra, nếu bé khóc đòi bế vì lo lắng khi rời xa bố mẹ, bạn có thể tập từ từ để bé thích nghi tốt hơn khi ở một mình. Đặc biệt trước khi ngủ, đừng vội bế khi bé tỏ ra giận dữ, bạn nên ở cạnh bé, hát ru hoặc kể chuyện để bé ngủ rồi mới rời khỏi.
Nếu bé hơn 3 tuổi vẫn đòi hỏi bồng bế một cách cực đoan thì bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để kiểm tra tâm sinh lý. Ngoài ra, một số dấu hiệu khác cũng cần quan tâm như bé vẫn khóc quấy dù đã được bế, trở ngại giấc ngủ, chán ăn, nôn mửa, sốt…
Hy vọng bài viết có thể giúp bạn hiểu hơn về nguyên nhân khiến bé luôn đòi bế, từ đó có biện pháp cải thiện tích cực.
Thiên Khuê (Theo Mom)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất