Xót cảnh mẹ già rửa bát thuê ở cổng bệnh viện kiếm 30.000 đồng mua cơm nuôi con trai bị liệt, con gái bại não
Tin liên quan
“Thân cò” không còn chỗ dựa
Mới ngoài 50 tuổi nhưng trông cô Lự già hơn cả chục tuổi. Hiện cô Lự đang chăm sóc con trai Sầm Văn Lương 22 tuổi tại khoa Y học cổ truyền, Trung tâm y tế Hữu Lũng.
Cách đây gần 1 năm, tháng 12/2017, Sầm Văn Lương đang đi xe máy trên đường bỗng bị hoa mắt, chóng mặt và đâm vào cột mốc bên đường. Lúc đó, cô Lự đang rửa bát thuê ở quán ăn. Nghe cuộc điện thoại của công an báo: “Chị ra ngay bệnh viện, con bị tai nạn rồi”, cô Lự thấy trời đấy quay cuồng.
Ra đến bệnh viện, nhìn thấy con, cô Lự muốn ngã khụy. Sau đợt điều trị ở tại huyện Tiên Du, Bắc Ninh, Sầm được xuất viện. Nhưng nửa tháng sau, Sầm vẫn đau và phải nhập viện. Suốt 8 tháng ròng rã, cô Lự đưa con đi khắp nơi điều trị, từ Bắc Ninh sang Bắc Giang, rồi xuống Hà Nội.
Cô Lự đang chăm con tại Trung tâm Y tế Hữu Lũng.
Do nằm quá lâu, vết thương bị hoại tử, các khớp gần như cứng hoàn toàn nên Sầm trở thành người liệt từ ngực xuống chân, tiểu tiện không tự chủ. Mọi sinh hoạt của Sầm đều phải phụ thuộc vào bàn tay chăm sóc của người mẹ.
Đi chăm con ở bệnh viện, cô Lự đành gửi con gái 18 tuổi nhờ hàng xóm trông giúp. Con gái Sầm Thị Phương năm nay 18 tuổi, bị bệnh bại não, không nhận thức được.
Trong khi anh trai nằm viện thì em gái bại não ở nhà một mình, gửi hàng xóm trông giúp.
Xót xa thay chồng đã mất cách đây 7 năm, cô Lự một mình xốc vác việc gia đình. Trước khi bị tai nạn, Sầm là chỗ dựa của mẹ. Nhưng sau tai nạn định mệnh này, một mình cô Lự vừa phải mưu sinh, vừa cáng đáng hai đứa con bị bệnh.
Bản thân cô Lự bị bệnh thoái hóa đốt sống, đau lưng. Nhưng vì mưu sinh, con cái bệnh tật nên cô không dám đi bệnh viện mà nhường cơ hội điều trị cho con trai.
“Không biết chạy vào đâu để có tiền điều trị cho con”
Mới đây, Sầm phải vào khoa Y học cổ truyền, Trung tâm y tế Hữu Lũng để châm cứu, phục hồi chức năng. Suốt cả đêm, cô gần như không ngủ được vì thay quần áo liên tục cho con.
Các khớp cứng như đúc khuôn nên Lương bị liệt từ ngực xuống chân.
Ban ngày, để có tiền mua cơm cho con trai, cô Lự tranh thủ đi rửa bát thuê ở cổng bệnh viện từ lúc 10h – 12h30, tiền công khoảng 30.000 đồng. Sau khi rửa bát xong, cô mang cơm cho con ăn trước, còn mình thì ăn sau cùng.
Cô Lự tâm sự: “30.000 đồng đó hai mẹ con ăn cả ngày. Cũng may có bác sĩ hỗ trợ thêm 50.000 đồng/ ngày cơm. Chục ngày nay hai mẹ con sống như vậy. Mọi thứ đến đâu hay đến đó, thật sự giờ không biết phải chạy vào đâu để có tiền điều trị cho con”.
Trao đổi với PV Em Đẹp, bác sĩ sĩ Vũ Minh Hoài, người điều trị trực tiếp cho Sầm Văn Lương nhận định, khả năng hồi phục đi lại của Lương là rất thấp.
“Nếu được điều trị phục hồi chức năng ngay từ đầu thì khả năng tiến triển sẽ khá. Nhưng do gia đình không có điều kiện điều trị tới nơi tới chốn. Từ lúc bị tai nạn đến giờ là gần 1 năm, thời gian quá lâu nên các khớp cứng hoàn toàn như đúc khuôn.
Chúng tôi đã giải thích và động viên bệnh nhân cố gắng điều trị để có thể phục hồi cử động tay, rồi ngồi xe lăn và sau này tự phục vụ những nhu cầu cá nhân cơ bản như tự mặc quần áo, đánh răng… để bớt phụ thuộc vào mẹ”, bác sĩ Vũ Minh Hoài nói.
Căn nhà của mẹ con Lương chẳng còn gì đáng giá.
Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của mẹ con cô Lự, bác sĩ tại khoa đã tạo điều kiện điều trị hết sức. Ngoài suất ăn 50.000 đồng mỗi ngày, bác sĩ Hoài cho biết thêm việc châm cứu hiện hai mẹ con Lương được bác sĩ tại khoa hỗ trợ miễn phí.
Biết tới trường hợp éo le này Hội từ thiện huyện Hữu Lũng đã tới thăm và tìm mọi cách giúp đỡ hai mẹ con em vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Cuộc đời người mẹ quá vất vả, vậy mà con cái cũng không đứa nào được bình thường để san sẻ gánh nặng. Mỗi lần đi qua giường bệnh của Lương, nhìn cảnh mẹ già còm cõi chăm con trai nằm liệt trong tình cảnh cái nghèo đeo bám mãi không buông, không ít người phải rơi nước mắt.
Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất