Vì sao sinh viên và người đi làm ở Hà Nội lại dễ bị sốt xuất huyết ghé thăm?
Tin liên quan
Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, PGS.TS Trần Đắc Phu, trong tuần 34 (21/8-27/8) cả nước không ghi nhận trường hợp nào bị tử vong do sốt xuất huyết. Cả nước ghi nhận 6.292 trường hợp mắc. Trong đó, Hà Nội và thành phố HCM có số ca mắc cao nhất cả nước. Tại Hà Nội ghi nhận 22.807 ca mắc sốt xuất huyết, HCM 19.876 ca mắc.
Nếu như tại khu vực miền Nam chủ yếu là trẻ dưới 15 tuổi thì tại miền Bắc, cụ thể là Hà Nội số ca mắc rất cao ở người lớn.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay, 49% ca mắc sốt xuất huyết là học sinh sinh viên, 10% dân văn phòng, 17% lao động tự do...
Lý giải sốt xuất huyết dễ mắc ở đối tượng học sinh sinh viên, PGS.TS Phu nhận định do sinh viên sống ở những nơi tập trung đông người, vệ sinh kém nên dễ mắc và lây truyền các bệnh truyền nhiễm trong đó có bệnh lây qua muỗi.
1/3 số ca mắc bệnh sốt xuất huyết là dân văn phòng.
Tại Hà Nội, sốt xuất huyết hay mắc ở người lớn hơn trẻ nhỏ. Nguyên nhân do muỗi hay đốt người vào ban ngày và chiều tối. Đây cũng là thời gian đi làm và làm việc của nhóm đối tượng dân văn phòng và lao động ngoài trời.
Nhóm đối tượng này di chuyển nhiều cho nên có nguy cơ bị mắc sốt xuất huyết cao, người đi làm có thể mắc sốt xuất huyết tại nơi làm việc, nơi công cộng hoặc địa phương sinh sống.
PGS.TS Phu cho hay, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội trong tuần 34 đã giảm 612 ca so với tuần 33 (14/8-20/8). Số mắc của Hà Nội trong tuần chững lại và có xu hướng giảm tại các quận nội thành sau khi triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống trong thời gian qua.
Tuýp huyết thanh gây bệnh chủ yếu là tuýp huyết thanh D1 và D2, ngoài ra có D4 nhưng với số lượng nhỏ, tính tới thời điểm hiện nay Hà Nội chưa xuất hiện tuýp huyết thanh D3.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định, kết quả đánh giá phun hóa chất sau 1 ngày cho thấy hiệu quả cao. Tại tất cả các điểm phun qua giám sát không còn muỗi trưởng thành. Chỉ số mật độ muỗi tại tất cả các điểm giám sát sau phun đều bằng 0.
PGS.TS Phu khuyến cáo, dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn đang có diễn biến phức tạp vì thời điểm hiện nay bắt đầu vào tháng cao điểm sốt xuất huyết như những năm trước. Hiện nay đến mùa nhập học, nguy cơ lây lan trong học sinh, sinh viên do học sinh, sinh viên rất cao, đặc biệt các học sinh, sinh viên ngoại tỉnh lên Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thuê nhà trọ.
Để ngăn ngừa dịch sốt xuất huyết cần phải có sự phối hợp chặt chẽ ở từng hộ gia đình, ý thức của từng công dân. Tại nơi sống cần phải vệ sinh sạch sẽ không để hố nước đọng, trường học, ký túc xá, xóm trọ cần phải thực hiện diệt loăng quăng/bọ gậy thường xuyên. Người lao động, dân văn phòng đi vào khu vực mật độ muỗi cao, nhất là các quận nằm trong mức cảnh báo số 1 nên mặc áo dài tay, thoa kem chống muỗi...
Theo chỉ đạo của UBND Thành phố, từ ngày 12/8 đến nay, 100% các quận, huyện, thị xã đã ra quân triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống SXH. Thực hiện tổng vệ sinh môi trường tại các khu vực công cộng, đường làng, ngõ xóm, chợ, vườn hoa, công trường xây dựng, trường học… thu gom rác thải, phế liệu, các dụng cụ chứa nước.
Tính đến nay, 14 quận trên địa bàn Hà Nộ nằm trong mức độ cảnh báo số 1: Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Thanh Trì, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Thường Tín, Hoàn Kiếm, Hoài Đức, Tây Hồ.
Hiện nay, tại Hà Nội 584/584 xã phường thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã đã thành lập Đội xung kích diệt bọ gậy chống dịch và Tổ giám sát phòng chống dịch sốt xuất huyết, tổng số có 30.621 đội xung kích với 71.309 người tham gia và 4.722 tổ giám sát với 10.389 người tham gia.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất