Từ ngày 1/2, vứt tàn thuốc lá không đúng nơi quy định bị phạt đến 1 triệu đồng

2017-02-01 10:50
- Từ tháng 2.2017, những qui định miễn lệ phí cấp căn cước công dân lần đầu cho người đủ 14 tuổi; Kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng phải có vốn từ 200 tỷ; Vứt tàn thuốc lá không đúng nơi quy định, phạt đến 1 triệu đồng;… sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 02.2017.

Vứt tàn thuốc lá không đúng nơi quy định, phạt đến 1 triệu đồng

Tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18.11.2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Chính phủ đã quyết định tăng mức phạt đối với một loạt các hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng.

Cụ thể, hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu vực chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng, trong khi trước đây mức phạt được quy định chỉ từ 200.000 đồng - 300.000 đồng; hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng, gấp 10 lần mức phạt được quy định trước đây.

Tương tự, hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng. Mức phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị và hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.

Trường hợp người điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 7 - 10 triệu đồng; không sử dụng thiết bị, phương tiện chuyên dụng trong quá trình vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa làm rò rỉ, phát tán ra môi trường, bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01.02.2017.

Từ ngày 1/2, vứt tàn thuốc lá không đúng nơi quy định bị phạt đến 1 triệu đồng

Không phải trả phí khai thác danh mục thông tin về BĐS qua mạng

Theo Thông tư 27/2016/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 01/02/2017, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng Danh mục thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) hoặc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản được công khai, phổ biến rộng rãi qua mạng Internet, trang điện tử sẽ không phải trả phí.

Đối với các thông tin, dữ liệu còn lại, tổ chức, cá nhân muốn khai thác, sử dụng phải được cấp quyền truy cập khai thác, sử dụng qua mạng Internet, trang điện tử; tài khoản truy cập tra cứu thông tin, dữ liệu sẽ được gửi cho cá nhân, tổ chức trong thời hạn tối đa 7 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu hoặc thời điểm cá nhân, tổ chức thanh toán chi phí sử dụng dịch vụ (nếu có).

Về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có quyền truy cập cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản, Thông tư quy định, tổ chức, cá nhân không được làm lộ địa chỉ, mã khóa truy cập đã được cấp; chỉ được khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu trong phạm vi được cấp, không xâm nhập trái phép cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; sử dụng thông tin, dữ liệu đúng mục đích và phải thanh toán chi phí dịch vụ cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định (nếu có)…

Từ 1.2.2017, thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài

Ngày 22/11/2016, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Theo Nghị quyết, từ ngày 01/02/2017, sẽ thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong 2 năm. Thị thực điện tử được cấp qua hệ thống giao dịch điện tử, có giá trị nhập cảnh 1 lần với thời hạn không quá 30 ngày; người đề nghị cấp thị thực điện tử phải nộp phí cấp thị thực qua tài khoản ngân hàng; trường hợp không được cấp, phí cấp thị thực không được hoàn trả lại.

Để được thí điểm cấp thị thực điện tử, người nước ngoài phải là công dân của nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ; không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam. Ngoài ra, người nước ngoài được cấp thị thực điện tử còn phải có hộ chiếu và không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Miễn lệ phí cấp thẻ căn cước công dân lần đầu cho người từ đủ 14 tuổi

Từ ngày 10.02.2017, miễn phí cấp thẻ căn cước công dân lần đầu cho người từ đủ 14 tuổi trở lên, trong khi theo quy định trước đây phải dưới 16 tuổi là nội dung mới đáng chú ý tại Thông tư 331/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 256/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp căn cước công dân.

Cũng từ ngày 10.02.2017, các trường hợp miễn lệ phí sẽ chính thức được thu hẹp lại còn 3 trường hợp, bao gồm: Đổi thẻ căn cước công dân khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính; Đổi, cấp lại thẻ căn cước cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa; Đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; công dân thuộc hộ nghèo…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10.02.2017; áp dụng với hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân nộp từ ngày 01.01.2017.

 

Hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự

Theo Thông tư 43/2016/TT-BLĐTBXH, thanh niên có nhu cầu đào tạo nghề sơ cấp trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; chưa được hỗ trợ đào tạo nghề từ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề khác có sử dụng nguồn kinh phí của ngân sách Nhà nước kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, được cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ đào tạo nghề sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp; hỗ trợ tiền ăn, đi lại theo quy định tại Thông tư số 152/2016/TT-BTC.

Trường hợp tổng chi hỗ trợ đào tạo và chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại vượt quá giá trị tối đa của thẻ, người học phải tự chi trả phần kinh phí chênh lệch cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong thời gian đào tạo nghề, nếu thanh niên thôi học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ lập biên bản hoặc ban hành quyết định và được quyết toán chi phí hỗ trợ đào tạo và hỗ trợ tiền ăn kể từ ngày khai giảng đến ngày thanh niên đó thôi học.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12.02.2017; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề với thanh niên đăng ký tham gia đào tạo nghề được áp dụng từ ngày 01.09.2015.

Từ 15.2, KD trò chơi điện tử có thưởng phải có vốn từ 200 tỷ

Từ ngày 15.02.2017, để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng cho người nước ngoài, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ tối thiểu là 200 tỷ đồng; đồng thời phải đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập, hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch và đăng ký kinh doanh ngành, nghề trò chơi điện tử có thưởng theo quy định.

Đây là nội dung mới đáng chú ý tại Nghị định 175/2016/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15/02/2017.

Một nội dung đáng chú ý khác là quy định chỉ những doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong đó có hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng trước ngày 15/02/2017 mới được quảng cáo hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng. Đặc biệt, chỉ được quảng cáo dưới hình thức bảng, biển hiệu đặt bên trong cơ sở lưu trú du lịch đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép nhưng phải đảm bảo người bên ngoài không nghe được, không nhìn thấy được nội dung quảng cáo.

Về mức phạt đối với các hành vi vi phạm trong kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng cho người nước ngoài, Nghị định quy định, mức phạt tiền từ 90 triệu đồng - 100 triệu đồng được áp dụng với cá nhân kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; phạt tiền từ 180 triệu đồng - 200 triệu đồng với doanh nghiệp tổ chức kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng không đúng địa điểm được cơ quan có thẩm quyền cấp phép kinh doanh; với doanh nghiệp kinh doanh máy trò chơi điện tử có thưởng không đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật, mức phạt tiền dao động từ 90 triệu đồng - 100 triệu đồng.

Thí sinh được đăng ký 2 NV khi xét tuyển vào hệ dự bị đại học

Theo Quy chế tuyển sinh, tổ chức bồi dưỡng, xét chọn và phân bổ vào học trình độ đại học; cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm đối với học sinh hệ dự bị đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 30/12/2016 kèm theo Thông tư 26/2016/TT-BGDĐT, thí sinh tham dự kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia ngay trong năm xét tuyển sẽ được đăng ký để xét tuyển vào học hệ dự bị đại học theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT hoặc xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia.

Trong đó, tiêu chí được xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT, thí sinh phải tốt nghiệp THPT; có kết quả xếp loại học lực từ trung bình trở lên và kết quả xếp loại hạnh kiểm từ khá trở lên trong 3 năm học THPT; có điểm trung bình chung của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển của năm học lớp 12 từ 6,0 trở lên. Điều kiện để xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia bao gồm: Tốt nghiệp THPT; Tổng điểm của 3 bài thi/môn thi (không tính điểm ưu tiên) của tổ hợp xét tuyển đạt từ 12,0 điểm trở lên (không có bài thi/môn thi nào bị điểm liệt).

Bên cạnh đó, Thông tư cũng nhấn mạnh, thí sinh đủ điều kiện xét tuyển sẽ được đăng ký xét tuyển vào học tại 1 cơ sở dự bị đại học, mỗi thí sinh được nộp hồ sơ đăng ký 2 nguyện vọng (theo 2 tổ hợp môn và ghi rõ thứ tự nguyện vọng 1, 2) qua đường bưu điện hoặc trực tiếp cho cơ sở dự bị đại học hoặc khai theo yêu cầu phần mềm tuyển sinh.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15.02.2017.

Bảng kết quả học tập của HS tiểu học phải được bảo quản 20 năm

Có hiệu lực từ ngày 15.02.2017, Thông tư 27/2016/TT-BGDĐT quy định thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu chuyên môn nghiệp vụ của ngành giáo dục là khoảng thời gian cần thiết để lưu giữ hồ sơ, tài liệu tính từ năm công việc kết thúc; gồm 2 mức bảo quản vĩnh viễn và bảo quản có thời hạn.

Trong đó, bảo quản vĩnh viễn được áp dụng với: Hồ sơ xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các định hướng, phương hướng, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo; Hồ sơ xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các chiến lược, quy hoạch vùng trọng điểm về giáo dục và đào tạo; Báo cáo đánh giá, tổng hợp giáo dục các cấp học cả nước qua từng thời kỳ và năm học; Số liệu thống kê giáo dục hàng năm, nhiều năm…

Thời hạn bảo quản 20 năm được áp dụng với bảng tổng hợp kết quả học tập, rèn luyện của học sinh tiểu học; hồ sơ kiểm tra các hoạt động giáo dục và đào tạo; danh sách học viên được xác nhận biết chữ và học viên được xác nhận hoàn thành chương trình giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ; hồ sơ lưu học sinh nước ngoài vào học tại các cơ sở giáo dục của Việt Nam…

Được gửi đơn khởi kiện, chứng cứ tố tụng dân sự qua Internet

Ngày 30.12.2016, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 04/2016/NQ-HĐTP, quy định người khởi kiện, người tham gia tố tụng dân sự, tố tụng hành chính được lựa chọn giao dịch điện tử với Tòa án theo hình thức gửi và nhận thông điệp dữ liệu điện tử với Tòa án hoặc chỉ nhận thông điệp dữ liệu điện tử do Tòa án cấp, tống đạt, thông báo; thời gian thực hiện các giao dịch điện tử trong tố tụng là 24/7, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ và ngày Tết.

Về việc gửi tài liệu, chứng cứ bằng phương tiện điện tử, Nghị quyết cho phép người khởi kiện, người tham gia tố tụng gửi tài liệu, chứng cứ qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án; đồng thời, phải nộp bản chính hoặc bản sao hợp pháp tài liệu, chứng cứ đó chậm nhất là tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải; phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2017.

Khách sạn phải đăng ký tạm trú cho người nước ngoài qua mạng

Đây là yêu cầu của Bộ Công an tại Thông tư 53/2016/TT-BCA ngày 28/12/2016 quy định cách thức thực hiện khai báo, tiếp nhận thông tin tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 15.02.2017.

Cụ thể, cơ sở lưu trú là khách sạn phải thực hiện việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua trang thông tin điện tử của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ sở lưu trú khác được lựa chọn cách thức khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua trang thông tin điện tử hoặc bằng Phiếu khai báo tạm trú; tuy nhiên, khuyến khích thực hiện qua trang thông tin điện tử.

Theo đó, người khai báo tạm trú truy cập trang thông tin điện tử, cung cấp thông tin của mình và của cơ sở lưu trú để nhận tài khoản khai báo. Sau khi có tài khoản, người khai báo đăng nhập tài khoản để thực hiện việc khai báo thông tin tạm trú với các nội dung như họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số hộ chiếu, thời gian dự kiến tạm trú của người nước ngoài. Việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua trang thông tin điện tử phải được thực hiện ngay khi người nước ngoài đến đăng ký tạm trú.

Theo Lao Động

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Bạn đã biết mẹo bôi kem chống nắng đúng cách chưa?