Trời thương cho ca mổ của người đàn bà không chồng “chỉ có trong cổ tích”, cứu lấy mạng về nuôi con dị tật (P.2)

Thu Hà 2017-10-15 07:01
- Bà Vũ Thị Cường (60 tuổi, tổ 4 khu 2, phường Trần Hưng Đạo, TP. Hạ Long, Quảng Ninh) chưa bao giờ nghĩ sẽ được đi bệnh viện điều trị. Nhờ sự giúp đỡ của xóm làng, cổ tích đã mỉm cười với cuộc đời đầy sóng gió của bà.

Mua cả thùng mỳ tôm cho con ăn trong những ngày nằm viện

Thương bà Cường đau đớn, vất vả, bà con xóm giềng động viên bà đi bệnh viện chữa để khỏe mạnh chăm sóc cho con. Bà chỉ biết khóc, nói không thành tiếng: “Đến ăn phải chạy lo từng bữa thì tiền đâu mà đi bệnh viện?”.

Bà năm bảy lần khất điều trị bởi nỗi lo “Ai trông con cho mà đi viện?”. Cảnh không chồng, không người thân, bà ở viện cũng chẳng có ai chăm nom?

Trời thương cho người đàn bà không chồng ca mổ “chỉ có trong cổ tích”, cứu lấy mạng về nuôi con dị tật vô sọ (P.2)

Tài sản đáng giá nhất trong nhà bà Cường là chiếc ti vi màu cũ hàng xóm cho. Ảnh: Thu Hà

Biết hoàn cảnh tội nghiệp của bà, Hội chữ thập đỏ thành phố Hạ Long đã giới thiệu bà đến khám chương trình khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo tại một bệnh viện ở Hạ Long. Quá bất ngờ, bà còn hỏi đi hỏi lại bác sĩ "có thật là được mổ miễn phí không" mới dám nhập viện. 

Theo BS. Trần Thanh Hùng (Khoa Ngoại tiết niệu) sau khi thăm khám đã “tổng kết” bà Cường bệnh chồng bệnh và bệnh nào cũng nặng. Cụ thể, bà bị sỏi thận 2cm kẹt ở vị trí nguy hiểm có thể gây tắc niệu quản bất cứ lúc nào; nang lớn thận trái, tiểu đường tuýp 2; tăng huyết áp; mỡ máu.

“Giải pháp tối ưu là phẫu thuật nội soi ngoài phúc mạc cắt chỏm nang thận trái và nội soi niệu quản ngược dòng kết hợp tán sỏi. Phương pháp điều trị này ít xâm hại đến sức khỏe. Sau ca mổ hơn 1h đồng hồ, viên sỏi được tán vụn, nang thận cũng được giải phóng triệt để”, BS Trần Thanh Hùng cho biết.

Trước khi đi bệnh viện, bà chỉ lo cho đứa con dị tật của mình. Bà đã mua sẵn một thùng mỳ tôm để con đói là có cái ăn. Thấy con tự phục vụ được bản thân trong những ngày mẹ đi viện, bà Cường mừng lắm!

Trời thương cho người đàn bà không chồng ca mổ “chỉ có trong cổ tích”, cứu lấy mạng về nuôi con dị tật vô sọ (P.2)

Bà Cường và bác sĩ điều trị cho bà. Ảnh: BVCC

Bà Cường ví cuộc đi bệnh viện lần này như “cá gặp nước” và dường như chỉ có trong cổ tích mà thôi. “Được đi bệnh viện là một kỷ niệm đáng nhớ trong đời. Tôi không có tiền trị bệnh và không có người trông nom nên  không dám mơ được đi viện chữa bệnh.

Vậy mà ông trời che chở, cho tôi được nằm điều trị miễn phí, cứu lấy mạng để về nuôi con. Tôi chẳng có con gái, được các cô y tá tắm cho, cứ ngỡ như đang được con gái mình tắm rửa cho vậy”, bà Cường xúc động tâm sự.

Hàng xóm ai cũng mừng cho bà Cường được đi phẫu thuật miễn phí. Người cho thịt, người cho gạo để bà tẩm bổ.

“Đời tôi không sợ “dốc bất khuất” nữa rồi!”

Hơn một tháng sau mổ, bà Cường vẫn nâng niu tất cả những tấm phim chụp X-quang, phiếu xét nghiệm, phiếu ra viện. Bà để chúng trên đầu giường như một báu vật.

Điều khiến bà hạnh phúc vô bờ là khi ra viện, có thể leo dốc mà không bị đau bụng và không cần nghỉ một lần nào. “Có sức khỏe, đời tôi không sợ “dốc bất khuất” nữa rồi!”, bà Cường hồ hởi khoe.

Trời thương cho người đàn bà không chồng ca mổ “chỉ có trong cổ tích”, cứu lấy mạng về nuôi con dị tật vô sọ (P.2)

Sau ca mổ, bà Cường leo dốc không bị mệt, không đau bụng. Ảnh: Thu Hà

Chính bản thân bà cũng thấy bất ngờ vì người khỏe hẳn ra, không đau lưng, mệt mỏi như trước. Mấy bữa trước, bà còn đi xin mấy cái hộp xốp về để trồng rau, xin mấy tấm tôn của hàng xóm bỏ đi ít nữa lợp lại cái mái hiên bị dột.

Trời thương cho người đàn bà không chồng ca mổ “chỉ có trong cổ tích”, cứu lấy mạng về nuôi con dị tật vô sọ (P.2)

Nghèo chẳng có cái ăn nhưng bà vẫn dành một phần cơm cho hai chú chó con mới mua. Nuôi hai con chó con, những lúc ở một mình, bà muốn nghe tiếng chó sủa gâu gâu vui cửa vui nhà. Rồi bà nuôi thêm một đôi ngan để mai này ngan lớn, hai mẹ con được đổi sang “bữa cơm có thịt”.

Trời thương cho người đàn bà không chồng ca mổ “chỉ có trong cổ tích”, cứu lấy mạng về nuôi con dị tật vô sọ (P.2)

Hai con ngan bé xíu, đang kỳ thay lông nhưng "chở" bao nhiêu niềm vui, hy vọng cho mẹ con bà Cường. Ảnh: Thu Hà

Mỗi lần xuống dốc đi bán nước ở chợ, bà hóm hỉnh nói với hàng xóm “đang đi tìm đường cứu nước đây”. Căn nhà tuềnh toàng, dột nát của bà giờ đã có thêm sức sống.

Thế nhưng, hiện bất cứ ai đến thăm nơi mẹ con bà ở đều phải chạnh lòng. Bởi đến dốc bên kia cuộc đời, bà phải nay đây mai đó thuê nhà. Lúc nào bà cũng lo nhỡ chủ nhà tìm được khách, hai mẹ con lại phải xuống đồi tìm nhà khác. Mà ở đất Hạ Long này, bà tìm đâu ra căn nhà thuê giá rẻ như thế!

Giờ bà Cường chỉ ao ước ông trời thương cho một căn nhà nhỏ. Mắt đỏ hoe, bà Cường ngậm ngùi: “Kể cả ở trên đồi, rộng bằng mái hiên thôi cũng được để hai mẹ con tôi yên tâm sống cho đến cuối đời. Mai này tôi có chết, cũng được chết ở nhà, không phải ra đường”.

Trận mưa vẫn rả rích. Nước chảy thành dòng từ trên sườn đồi chảy liên tục xuống hiên nhà bà Cường. Chia tay bà bên con dốc cheo leo, chúng tôi day dứt không biết bao giờ ước nguyện của bà mới thành hiện thực.

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

7 mẹo trang điểm hoàn hảo cho ngày nắng nóng