“Thót tim” với 1001 rắc rối tuổi ẩm ương mà giáo viên chủ nhiệm phải đối mặt, nửa đêm cùng phụ huynh tìm học sinh bỏ nhà đi
Tin liên quan
Tổng đài 1080 “bất đắc dĩ”
Nhiều người mặc định giáo viên chủ nhiệm là người nắm “quyền sinh quyền sát” trong tay. Thậm chí còn gọi người giáo viên làm nhiệm vụ này là “quan chủ nhiệm”.
Chia sẻ tâm tư về công việc giáo viên chủ nhiệm, cô giáo Nguyễn Lợi (trường cấp 3, Vĩnh Phúc) khẳng định sự thực không hẳn là như vậy.
Theo chị cảm nhận, giáo viên chủ nhiệm là một nửa linh hồn của lớp học, tựa như một người thuyền trưởng xử lý linh hoạt, tinh tế tất cả các tình huống không thể lường được từ giới "nhất quỷ nhì ma".
Cô giáo Nguyễn Lợi cùng học sinh của mình. Ảnh: NVCC
“Tôi là giáo viên chủ nhiệm của một lớp gồm 33 học sinh với đủ tính cách, hoàn cảnh khác nhau, lại đang tuổi dậy thì nên thực sự công việc của một giáo viên chủ nhiệm chiếm phần lớn thời gian của tôi ở trường cũng như khi về nhà. Mỗi học sinh là một cá tính mà không thể áp dụng cùng một phương pháp giáo dục”, cô Lợi cho biết.
Có 1001 tình huống “thót tim” giáo viên chủ nhiệm phải đối mặt trong suốt năm học. Kể cả khi họ đã kết thúc giờ giảng dạy và trở về nhà. Như lớp chị Lợi chủ nhiệm có một học sinh nam rất trầm tính, hiền lành, khá thông minh.
“Khi nhận được cuộc gọi của mẹ em học sinh gọi đến lúc nửa đêm, tôi thật sự rất bất ngờ. Mẹ em ấy hỏi bạn học sinh ấy ở lớp chơi thân với bạn nào nhất vì bạn ấy bỏ nhà đi từ sáng chưa thấy về. Nửa đêm, tôi phải gọi điện cho một số phụ huynh trong lớp để tìm ra tung tích của cậu học sinh.
Cuối cùng, tôi được biết em “ẩn náu” ở nhà bà ngoại cách nhà mấy cây số. Bà ngoại em sống một mình, em nói dối bà là bố mẹ cho xuống chơi với bà. Hôm sau, tôi đã gặp riêng em để hỏi chuyện và em cũng mở lòng với tôi.
Nguyên nhân do bố mẹ em cãi nhau, bố uống rượu say quay sang chửi mắng con. Bất lực và buồn chán, em đã bỏ đi. Sau sự việc này, tôi cũng gặp riêng với phụ huynh để chia sẻ, góp ý mong phụ huynh điều chỉnh hành vi để tránh những sự việc đáng tiếc”, cô giáo Lợi kể lại.
Cô giáo chủ nhiệm Lợi cũng chia sẻ về một trường hợp khác. Đó là những ngày cuối học kỳ, cuối năm học. Đây là thời điểm mà giáo viên đau đầu nhất. Bởi đó là lúc các “quan chủ nhiệm” cùng nhau đánh giá hạnh kiểm và học lực của học sinh.
“Kì thi cuối năm, một cậu học sinh lớp tôi bỏ thi không đến. Đến khi cô giáo chủ nhiệm thông báo phụ huynh mới ngỡ ngàng vì thấy con vẫn đi học bình thường. Kết quả là cậu học sinh không có điểm thi và phải ở lại lớp. Chứng kiến những giọt nước mắt của người mẹ nghèo ấy, tôi thực sự cảm thấy ám ảnh và xót xa”, cô Lợi bộc bạch.
Chị Lợi đã gặp trường hợp phụ huynh chiều con đến mức con chỉ nhức đầu, sổ mũi nhẹ hay trời mùa đông mưa gió cũng xin cho con nghỉ học. Đến khi điểm thi quá thấp và số buổi nghỉ học của con vượt quá quy định, phải ở lại lớp thì phụ huynh đến trường gặp giáo viên chủ nhiệm khóc lóc.
Thậm chí khi không được chấp nhận, người mẹ còn viết hẳn một bức tâm thư dài đến 8 trang gửi ban giám hiệu để mong được xem xét.
Không khéo léo, giáo viên chủ nhiệm sẽ phải khóc vì học sinh
Cô giáo Lợi cho biết, một khó khăn khác mà giáo viên chủ nhiệm cấp 3 phải đối mặt là ở những cô bé cậu bé 17,18 đã bắt đầu biết yêu, biết rung động trước bạn khác giới. Và môi trường học đường chính là nơi nảy sinh nhiều mối tình như thế. Người đầu tiên phát hiện ra những mối tình đó, không ai khác chính là giáo viên chủ nhiệm.
“Chúng tôi phải đối mặt với vô vàn những tình huống éo le, mà tin chắc khi chứng kiến, phụ huynh của các em cũng không biết phải làm như thế nào”, cô giáo Lợi bày tỏ.
Đơn cử là trường hợp hai cô cậu học sinh cùng lớp thích nhau, thể hiện tình cảm một cách công khai. Nhưng chàng trai lại quá ủy mị, yếu đuối. Mỗi lần giận nhau với bạn gái đều bỏ nhà đi lang thang, thậm chí có lần cậu còn cắt tay tự tử trước cổng trường.
Khi có vụ việc học sinh đánh ghen, thanh toán lẫn nhau ngoài cổng trường, giáo viên chủ nhiệm cũng hết sức đau đầu. Ảnh minh họa.
Có cô cậu học sinh nhất quyết xin giáo viên chủ nhiệm cho đổi chỗ ngồi cùng nhau. Không được đồng ý thì đến giờ các giáo viên khác, học sinh tự ý đổi chỗ, thậm chí còn gác chân lên nhau thể hiện tình cảm.
Có những học sinh mang cả một khuôn mặt bự phấn son đến trường, quần rách lả tả, áo xuyên thấu lộ cả nội y bên trong. Thậm chí các em còn tạo cho mình những kiểu tóc không giống ai, nhuộm xanh nhuộm đỏ, uốn xanh làm cụp,… Khi thầy cô nhắc nhở thì các em viện đủ lý do, rồi mua thuốc gội hạ màu, hết thuốc tóc lại về như cũ.
Hay những chuyện tranh giành bạn gái, bạn trai, thách thức nhau trên mạng xã hội, sau đó là giải quyết ngoài đời thực bằng vũ lực cũng có rất nhiều. Có học sinh còn nhờ cả xã hội đen đến trước cổng trường để dằn mặt đối thủ.
Cô giáo Lợi bộc bạch: “Đó là vô vàn những câu chuyện, những tình huống mà tôi gặp phải trong công việc giảng dạy và làm chủ nhiệm. Và để giải quyết được những tình huống đó đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm vừa phải có kĩ năng tốt, vừa có lòng thấu cảm với học sinh, đặt mình vào vị trí các em để hành động, để chia sẻ.
“Nghề giáo là một thiên chức”, đó là một câu nói tôi thấy rất thấm thía sau những năm tháng làm nghề. Không phải cứ cầm phấn đứng trên bục giảng thì được coi là một giáo viên. Không phải cứ giỏi chuyên môn, nắm chắc kiến thức đông tây kim cổ thì đã trở thành một nhà giáo giỏi.
Công việc giáo viên chủ nhiệm đòi hỏi nhiều hơn thế! Đó là tình yêu với học trò, không toan tính vụ lợi. Nếu có được sự thấu cảm với học trò, giáo viên rất được học trò quý mến, nể trọng. Nhưng ngược lại, nếu đối xử với các em bằng sự vô cảm thì giáo viên chủ nhiệm sẽ không thể quản lý nổi lớp trong giờ học, thừa nhận sự thất bại trong công tác chủ nhiệm, thậm chí phải khóc vì bất lực trước học sinh của mình”.
Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất