Rơi nước mắt chuyện những em bé đón Trung thu bên hóa chất

Hoàng Sa 2014-08-18 17:42
- (Em đẹp) - Những chiếc đầu nhẵn bóng hoặc chỉ còn lơ thơ vài sợi tóc, tay chằng chịt vết sẹo do truyền hóa chất khiến ai nhìn thấy cũng không khỏi xót xa.
>>> Xem toàn cảnh Tết Trung Thu 2014 trên Emdep.vn

Trung thu là thời điểm đoàn viên, sum họp bên gia đình, các em nhỏ được cầm đèn ông sao, phá cỗ trông trăng. Nhưng không phải em nhỏ nào cũng có được may mắn đó.

15h chiều ngày 17/8, tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, tiếng cười của các em nhỏ vang không ngớt khi tham gia chương trình “Trung thu cho em” do tập thể y bác sĩ và các nhà hảo tâm tổ chức. Tạm quên đi nỗi đau về bệnh tật, các em thoải mái cười đùa. Nhưng thật xót xa, có những em vẫn phải vừa dự chương trình vừa truyền hóa chất. Đôi mắt thơ ngây của các em ánh lên những hi vọng, khiến người tham gia hay bố mẹ các em không cầm được nước mắt.

>>> Đèn lồng "hướng về biển đảo" hút khách mùa Trung Thu 2014

Sinh 4 con, “2 mất, 1 đi viện”

Ngồi lặng lẽ phía giữa hàng ghế khán giả, một tay bế con, một tay liên tục lau mồ hôi, chị Đàm Thị Lan (Văn Giang, Hưng Yên) lá mẹ của bé Phan Quang Huy (2 tuổi) cho biết. đây là năm thứ hai Huy đón trung thu trong bệnh viện.

Vội vàng lau những giọt nước mắt lăn dài trên má, chị Lan tâm sự, bé Huy là con thứ 4 trong gia đình. Trước đó, chị đã qua ba lần vượt cạn nhưng chỉ có bé thứ hai là ở lại với vợ chồng chị. Bé thứ nhất và thứ ba bỏ anh chị ra đi khi còn rất nhỏ. Sinh Huy ra, em cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng chỉ khoảng một tháng sau, bác sĩ chẩn đoán Huy bị bệnh tan máu bẩm sinh. Trải qua hai lần lọc máu và xảy ra biến chứng, Huy bị bại não. Giờ bé chỉ nhận thức như đứa trẻ 3 tháng tuổi, không biết nói cũng chẳng biết cười. Nhìn Huy gầy gò, xanh xao, chân tay gầy guộc khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương tràn ngập tiếng cười của các em nhỏ.

Những chai hóa chất "đón" trung thu cùng các em nhỏ.

Chị Lan (Hưng Yên) không nhớ nổi số lần vào viện và điều trị bệnh cùng cậu con trai hai tuổi.

“Đã 2 năm qua, hết nằm viện Nhi Trung ương lại sang Viện Huyết học, kinh tế gia đình tôi ngày càng khó khăn vì chỉ trông chờ vào ông xã ở nhà làm ruộng. Nhưng chưa bao giờ vợ chồng tôi từ bỏ ý định chữa bệnh cho con. Chỉ cần một tia hy vọng, vợ chồng tôi cũng sẽ cố gắng. Cũng may đứa thứ hai nhà tôi khỏe mạnh. Đã biết phụ giúp bố mẹ quét nhà, nấu cơm. Cháu là niềm an ủi, động viên vô cùng lớn của gia đình tôi”, chị Lan nói.

Được sắp xếp ngồi ở hàng ghế đầu, chị Lê Thị Thu Hồng (32 tuổi, Nghệ An), mẹ của bé Phương (4 tuổi) không giấu được xúc động, vì đây là lần đầu tiên bé ở viện và đón một cái Tết Trung Thu đầy ý nghĩa. Khó khăn trong việc sinh nở, hai năm sau khi xây dựng gia đình, chị Hồng mới sinh được bé Phương. Niềm vui ngập tràn gia đình nhỏ khi Phương càng lớn càng hoạt bát, xinh xắn. Tuy nhiên, cách đây hơn 1 tháng, bác sĩ chẩn đoán bé bị ung thư máu.

Vì xót thương cho con nhỏ bệnh tật...

... nhiều bà mẹ không cầm được nước mắt.

Không giấu được nỗi buồn, chị Hồng nén lau nước mắt: “Cháu nhập viện được hơn 1 tháng. Mỗi lần nhìn con truyền hóa chất, lòng tôi đau thắt lại. Bác sĩ nói nếu chữa trị tốt, cháu cũng chỉ sống được 6 – 7 năm. Vài hôm nữa, bắt đầu xạ trị, không biết cháu có chịu được không?”.

Chỉ muốn chịu bệnh thay cho con

Không khí trong khán phòng của Viện huyết học ngày càng sôi động bởi các tiết mục ảo thuật. Những đứa trẻ khỏe mạnh chạy nhảy tung tăng, còn những bé mệt mỏi, sức khỏe yếu ngồi một chỗ cùng với ống truyền gắn kèm trên tay. Được bố mẹ cho đi chơi công viên, được đi xem rối nước, diễn xiếc có lẽ là điều quá xa vời với những đứa trẻ ấy.

Bé Lò Đức Phúc, 5 tuổi (Lai Châu) háo hức cùng bà nội xem các tiết mục xiếc.

Một em nhỏ háo hức giơ tay nhận quà của ban tổ chức.

Đôi mắt buồn, khuôn mặt mệt mỏi vì vừa trải qua đợt xạ trị, bé Nguyễn Văn Đức (5 tuổi) được bố cho ngồi xe lăn đi xem văn nghệ. Nhìn thấy các bạn chạy nhảy, chơi đùa trong khán phòng, Đức lại nhoẻn miệng cười. Dường như em cũng muốn được vui chơi như chúng bạn nhưng không còn đủ sức bởi các đợt điều trị đã vắt kiệt sức lực của bé.

Anh Nguyễn Văn Lâm, 32 tuổi (Nam Định), bố của Đức không thể nhớ được chính xác số lần phải đưa con vào bệnh viện bởi căn bệnh ung thư máu. Chỉ mới 5 tuổi nhưng số lần ăn cơm viện của Đức nhiều hơn cơm nhà. Cả gia đình anh đã quá quen thuộc với lộ trình từ nhà lên viện điều trị.

Những chiếc tay nhỏ xinh, chằng chịt vết sẹo của hóa chất, kim truyền.

Mong ước duy nhất của các em là khỏi bệnh, được vui đùa cùng bạn bè.

Thay phiên nhau túc trực bên giường bệnh của con, anh chị phải vay mượn, thậm chí thế chấp số đỏ để có tiền cho con chữa bệnh. Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng vợ chồng luôn động viên nhau cố gắng vượt qua. “Nhìn đứa con bé bỏng hàng ngày phải truyền hóa chất, xạ trị khiến lòng tôi thắt lại. Giá như tôi có thể chịu đựng đau đớn cho cháu thì tốt quá. Cháu còn nhỏ quá cô ạ!”, anh Lâm tâm sự.

Hoàng Sa
logo smaill

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Thích thú trước nghệ thuật 'làm đẹp' cho sushi