Nỗi ám ảnh của người “nghe chửi” ở phòng yoga 5 sao sang chảnh

Thu Hà 2019-03-12 06:45
- So với lễ tân của các cơ quan, công sở, công việc của nữ lễ tân phòng tập có phần đặc biệt. Tới nơi làm việc, họ chỉ mặc duy nhất một bộ đồng phục, thoạt nhìn có vẻ nhàn hạ nhưng thực ra khá nhiều áp lực.

Khách sồn sồn quát tháo lúc sáng sớm

Làm công việc lễ tân phòng tập hạng sang tại Hà Nội được hơn một năm nay, chị Ngọc Ánh* bảo có lúc áp lực quá, chị chỉ muốn nghỉ việc.

Lễ tân ngoài chuẩn bị lớp học còn tiếp nhận, trả lời điện thoại, giải đáp thắc mắc, phàn nàn của khách. Vì thế, mọi bức xúc của khách hàng đều dồn cả về khu vực lễ tân khi có bất cứ sự cố ngoài ý muốn nào. 

Máy xông hơi không chạy – gọi lễ tân. Chìa khóa tủ để đồ thất lạc, khách mất điện thoại, mất áo – cũng “gõ đầu” lễ tân… Tuy nhiên, chị Ánh khẳng định nỗi ám ảnh lớn nhất lễ tân phòng tập phải đối mặt là những kiểu khách hàng “sồn sồn”.

Sự cố mới đây chị Ánh gặp phải đúng dịp 8/3. Ca tập sáng sớm hôm đó, thầy giáo bị bất ngờ đau bụng, không thể tới phòng tập trong khi phía điều phối giáo viên chưa kịp xoay xở. Khách hàng toàn “quý bà U50” bị lỡ ca tập, bức xúc “xả một tràng” vào mặt lễ tân với đủ ngôn ngữ chợ búa rồi dọa hủy thẻ tập, bêu riếu trên mạng xã hội.

“Khi xảy ra sự cố, người đầu tiên hứng chịu lời phàn nàn, bức xúc của khách là lễ tân, dù lỗi không phải của mình. Nhiều khi nản lòng, ức phát khóc”, chị Ánh tâm sự.

Đi làm từ lúc trời tối mịt

Theo cảm nhận của Thanh Phương, một nữ nhân viên phòng tập 5 sao tại Hà Nội thì thoạt nghe, ai cũng nghĩ công việc lễ tân phòng tập không quá khó.

Bởi trên các mẩu rao vặt tuyển dụng, nhà tuyển dụng chỉ nói công việc chủ yếu là chào đón khách hàng đến phòng tập, làm check – in cho khách, tư vấn cho khách hàng mới cách sử dụng thiết bị trong phòng. Mức lương phổ biến dành cho công việc này dao động từ 4.000.000 – 6.000.000 đồng/ tháng.

Tuy nhiên, có dấn thân vào công việc này mới thấy nó khá “khó nhằn”. Bên cạnh áp lực nghe khách hàng phàn nàn, thậm chí “nổi nóng” thì họ cũng có nỗi vất vả riêng không mấy ai thấu hiểu.  

Một ngày làm việc của lễ tân phòng tập thường bắt đầu từ 5h sáng. Lý do bởi có không ít khách hàng có nhu cầu tập gym, Yoga vào buổi sáng sớm và sau đó, họ mới tới công sở làm việc.

Nỗi ám ảnh của người “nghe chửi” ở phòng yoga 5 sao sang chảnh

Đôi khi, lễ tân, quản lý phòng tập chỉ mong khách hàng hiểu và thông cảm cho những sự cố bất khả kháng. Ảnh minh họa.

Để phục vụ khách hàng, lễ tân – đa phần là nữ giới sẽ phải đi làm từ rất sớm.

Để kịp giờ làm, cô thường ra khỏi nhà từ lúc 4h30 sáng. Khi đó, trời còn tối mịt. Phương trở về nhà khi thành phố đã lên đèn.

Nếu đổi ca đi làm muộn hơn thì phải làm đến 21h đêm. Khi đó, Phương về đến nhà, ăn uống, tắm rửa xong cũng hơn 22h đêm, mệt mỏi lăn ra ngủ một mạch đến 4h sáng hôm sau là thức giấc và bắt đầu một ngày mới. Cuối tuần, Phương cũng gần như không có ngày nghỉ vì phòng tập vẫn hoạt động.

Thời gian đầu, Phương vô cùng ám ảnh với thời gian biểu đó. Cô bị sút mất 3kg chỉ sau một tháng thử việc đi sớm về khuya. Có hôm Phương về muộn sau cùng, phòng tập tắt đèn tối thui. Khi cô đang luống cuống đi ra thang máy thật nhanh cho đỡ… “sợ ma” thì cửa thang bật mở. Giờ này còn ai đến phòng tập? Hóa ra khách bỏ quên đồ, quay lại lấy. Chạm mặt ở thang máy, cả khách lẫn lễ tân “hồn vía lên mây”.

Đa phần chỉ có các cô gái vẫn còn độc thân như Phương mới có đủ dũng cảm để nộp đơn ứng tuyển và hoàn thành công việc. Hiếm mẹ bỉm sữa nào trụ nổi với công việc này.

*Họ tên nhân vật đã thay đổi

Linh Giang

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


5 bài tập plank giúp chị em có vòng eo săn chắc, 0% mỡ thừa