Những điều chưa biết về người làm việc chăm sóc cho... người quá cố

Thu Hà 2018-07-18 08:01
- Từng trải qua nhiều công việc “không tên” khác nhau nhưng chỉ đến khi gắn bó với công việc ma chay, anh Lê Sơn Tùng, sinh năm 1988, Hà Nội mới cảm thấy đây là cái nghiệp của đời mình.

Khi nghĩa trang là “ngôi nhà thứ hai”

Tốt nghiệp THPT, anh Lê Sơn Tùng, quê ở Hải Dương theo học ngành công nghệ thông tin nhưng chỉ được 1.5 năm rồi bỏ học giữa chừng. Làm nhiều công việc không tên khác nhau, anh Tùng vẫn cảm thấy mình chưa tìm được niềm đam mê đích thực.

Trở lại Hà Nội, qua một người quen, anh Tùng xin vào làm nhân viên kinh doanh tại công viên nghĩa trang Thiên Đức. Nghe bốn chữ “nhân viên kinh doanh” có vẻ hào nhoáng, nhưng thực chất công việc anh đảm nhận là “bán đất nghĩa trang”.

Chàng trai 8x “dành cả tuổi thanh xuân” để bán đất nghĩa địa, chăm sóc chu đáo cho người quá cố

Do quỹ đất có hạn, nhiều người đã mua sẵn chỗ cho mình khi về thế giới bên kia. Ảnh: NVCC

Bởi dân số ngày càng “nở” ra nhưng quỹ đất có hạn, rất nhiều người muốn chuẩn bị sẵn cho mình một nơi để về thế giới bên kia cho nên bán đất nghĩa trang là một công việc khá tiềm năng.

Làm công việc này, anh được tiếp xúc với người lớn tuổi, hiểu hết phong tục an táng từng vùng miền. Thậm chí có những ngày cả 8 tiếng anh nhìn thấy xương người. Hồi đầu nhìn thấy sợ, sau này thành quen. Anh Tùng cảm thấy con người mình chín chắn, điềm đạm hơn. Không biết từ lúc nào, nghĩa trang trở thành ngôi nhà thứ hai của anh.

Gắn bó với…áo quan, khâm liệm

Khi làm công việc bán đất nghĩa trang, anh Tùng nhận ra dịch vụ ma chay để đưa người lên nghĩa trang là thị trường còn thiếu, chưa có sự chuyên nghiệp, bài bản. Chính vì thế, khi thời cơ đã chín muồi, anh Tùng đã thành lập công ty Nét Việt chuyên dịch vụ tang lễ.

“Ước mơ của tôi là xây dựng quan niệm mới mẻ về việc tang lễ, mai táng, hướng tới tổ chức tang lễ trang trọng, giảm bớt đau buồn nhưng vẫn hài hòa với nét đẹp văn hóa Việt Nam”, anh Tùng bộc bạch.

Chàng trai 8x “dành cả tuổi thanh xuân” để bán đất nghĩa địa, chăm sóc chu đáo cho người quá cố

Trang trí bàn vong tại gia là công việc luôn được doanh nghiệp "trải thảm đỏ" nhưng không phải ai cũng làm được. Ảnh: NVCC

Tùy theo khả năng tài chính, khi có người nằm xuống, các gia đình có thể liên hệ với công ty anh để đặt dịch vụ bảo quản, vận chuyển thi hài, khâm liệm, trang trí bàn vong, an táng, bốc mộ…Có những gia đình còn có nhu cầu trang điểm, làm đẹp cho người quá cố. 

Theo cảm nhận của anh Tùng, công việc đặc biệt này cũng có “mùa cao điểm”. Có thời điểm cả công ty được nghỉ ngơi, nhưng cũng có lúc cũng phải “chạy sô” một ngày từ 5 – 7 đám.

Anh Tùng quan niệm đây là công việc tâm linh, tế nhị, phải có tâm thì mọi thứ mới linh nghiệm. Cho nên nên anh không chủ trương “quảng cáo rùm beng”, chỉ xây dựng sẵn trang web để nếu có duyên thì khách hàng tìm đến.

Bản lĩnh để không bị “rối” lúc tang gia bối rối

“Làm nghề này nửa đêm khách hàng gọi điện dựng dậy là chuyện bình thường. Nếu ở gần, chúng tôi sẽ trực tiếp đến xử lý mọi thứ chỉ trong hai tiếng đồng hồ. Sau đó đội ngũ nhân sự sẽ túc trực ở đám tang như một người thân trong gia đình”, anh Tùng nói.

Dẫu vậy, lúc tang gia bối rối, người làm công việc này vẫn phải rất bản lĩnh, cứng rắn để lo liệu chu đáo cho đến khi mồ yên mả đẹp cho người quá cố.

“Khó khăn của công việc này là một mặt phải làm sao xoa dịu được nỗi đau của con cháu trong lúc đau buồn. Đây là công việc không được phép xảy ra sai sót, sai lệch giờ giấc. Mặt khác phải có đủ bản lĩnh, sự chủ động để quyết đoán.

Bởi không chỉ làm việc với người trực tiếp gọi điện cho mình, chúng tôi còn phải làm việc với cả họ hàng, gia tộc. Mỗi người một ý khác nhau, họ đều là con và đều có quyền quyết định.

Có những đám tang chỉ hai tiếng là xong nhưng cũng có đám phải mất cả ngày túc trực từ 10h sáng đến 8h tối không ăn uống gì. Nhân sự đứng đám phải rất đa năng để có thể làm được nhiều việc khác nhau, từ trang trí bàn vong, khâm liệm và xử lý mọi việc phát sinh”, anh Tùng cho hay.

Chàng trai 8x “dành cả tuổi thanh xuân” để bán đất nghĩa địa, chăm sóc chu đáo cho người quá cố

Sau tất cả, công việc đặc biệt này giúp anh Tùng được "sống chậm" và trân trọng từng khoảnh khắc bên người thân yêu. Ảnh: NVCC

Không ít lần trước mỗi đám chuyển mộ, anh Tùng bị mất ngủ vì ám ảnh, lo lắng làm sao cho công việc thuận buồm xuôi gió đúng như dự tính. Hai năm đầu theo nghề, anh hay “đốt vía” khi trở về nhà vì dân gian cho rằng đi đám ma hay có “vong theo”. Nhưng giờ đây, anh cảm thấy thủ tục này không cần thiết. Vì anh cảm nhận người chết, đám ma, nghĩa trang đã trở thành cái nghiệp của đời mình.

“Hàng ngày nhìn thấy sự sống và cái chết, cảm giác mình đỡ sợ chết, tôi tự nhắc nhở mình phải trân trọng cuộc sống hiện tại và những người thân yêu”, anh Tùng bộc bạch.

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Cách ''ngồi không'' mà vẫn đốt cháy mỡ thừa cho những ngày ở nhà nhiều