Những cái kết đắng của bà nội trợ Việt 'sính' mỹ phẩm nhập ngoại 'xách tay'

2017-07-23 14:13
- Nhiều loại mỹ phẩm nhập lậu, hàng giả, hàng nhái không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc, không tem nhãn núp bóng mỹ phẩm nhập ngoại "xách tay" khiến nhiều chị em sập bẫy, gây nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Chị Diệp Hân (Ba Đình, Hà Nội) có làn da khá mịn màng nhưng lại không được trắng trẻo. Chị thường xuyên phải bôi kem, dặm phấn khi đi ra ngoài.

Chăm chỉ đắp các loại mặt nạ dưỡng trắng nhưng làn da của chị không được mấy cải thiện. Lên mạng xã hội, chị Hân tìm thấy trang page quảng cáo một loại sữa non chuyên làm trắng da được xách tay nguyên lọ từ Pháp. Đọc thông tin thấy có vẻ tin tưởng, chị Hân bèn mua 2 hộp về dùng thử với giá 500.000 đồng.

Chị Hân cho hay: "Mình rất chú ý bảo vệ da nên thường xuyên mua những sản phẩm ngoại nhập của các thương hiệu lớn để dùng. Tất cả những thứ mình dùng như sữa rửa mặt, kem dưỡng, mặt nạ, son môi, phấn đều mua của các nhãn hiệu lớn xách tay từ nước ngoài. Mình nghe nói loại sữa non này sẽ giúp da sáng mịn hơn nên mình muốn dùng thử. Mình trước giờ cũng rất tin tưởng hàng xách tay nên khi đặt mua cũng không hỏi han nguồn gốc".

Tuy nhiên, sau khi mang về sử dụng được 1 tuần, làn da mịn của chị Hân tuy có dấu hiệu sáng hơn nhưng lại nổi mụn rất nhiều. Nhất là sau khi rửa mặt còn có cảm giác hơi bỏng rát. Lúc này, chị Hân mới nghi ngờ loại sữa non mình mua có vấn đề, mang đi test mã vạch thương hiệu mới biết loại mỹ phẩm mà chị đang dùng hoàn toàn không có trong danh mục sản phẩm của thương hiệu.

Bà nội trợ Việt sính mỹ phẩm nhập ngoại xách tay và cái kết đắng

Da chị Hân sau khi sử dụng mỹ phẩm xách tay không rõ nguồn gốc bị nổi mụn, sần sùi, nhiều mụn chìm dưới da

Lúc này, chị Hân mới biết mình đã mua phải hàng giả kém chất lượng khiến da mặt bị tổn thương. Hiện chị đã đến phòng khám da liễu để điều trị: "Sau này, tôi mới biết loại sữa non chuyên làm trắng chỉ có giá 30.000 đồng/lọ trên chợ mạng. Vậy mà tôi lại đi mua 2 lọ với giá tận 500.000 đồng, dùng hỏng hết cả da. Tôi có lên page để viết nhận xét khiểu nại nhưng họ lại chặn mất tài khoản, giờ không biết làm thế nào liên lạc hay khiếu kiện. Da trước đây chỉ hơi ngăm đen thôi nhưng giờ lại bị viêm nên nổi mụn rất nhiều". 

Chị Hân cũng buồn bã cho hay, bác sĩ da liễu bảo da chị bị viêm, bào mòn da bởi trong mỹ phẩm có chứa chất corticoid, có tính lột tẩy cao, làm tổn thương da nghiêm trọng. Nếu muốn chữa trị cho da quay lại như trước sẽ phải mất rất nhiều thời gian. 

Cũng "nếm phải trái đắng" như chị Diệp Hân, chị Nguyễn Hào Dung (Đống Đa, Hà Nội) phải đi khám bác sĩ da liễu vì làn da bị tổn thương nặng nề do dùng mỹ phẩm nhái không rõ nguồn gốc. Do đến tuổi tiền mãn kinh, da chị Dung lên nhiều nám và xạm đi.

Chị Dung quyết định trùng tu nhan sắc bằng cách bỏ ra 10 triệu đồng để mua một bộ mỹ phẩm Nhật Bản xách tay gồm lọ kem tẩy da chết, lọ dưỡng hoa hồng, nước tẩy trang, nước dưỡng ban đêm, mặt nạ làm trắng da và giảm nám... Khi mang về dùng được 4 ngày, da chị Dung bị nổi mẩn ngứa, da nơi cánh mũi mọc nhiều mụn bọc. 

Chị Dung nhờ người quen kiểm tra, mới phát hiện mỹ phẩm chị dùng là hàng nhái, trên bao bì không có tem phụ dù người bán quảng cáo là hàng nhập khẩu đóng thuế.

"Người bán nói với tôi đây là hàng nhập khẩu có hóa đơn đàng hoàng nên giá mới đắt như vậy. Nếu là hàng trôi nổi, xách tay thì chắc chắn giá rẻ hơn nhưng không an toàn, vậy nên tôi mới mua với giá đắt thế", chị Dung chua xót kể.

Cả chị Hân và chị Dung đều cho hay không tin tưởng sử dụng hàng trong nước, nội địa vì lo sợ không đảm bảo chất lượng bằng hàng nhập ngoại. Với suy nghĩ "tiền nào của nấy", hầu hết các chị em đều cho rằng mỹ phẩm càng đắt giá thì càng tốt.

Vậy nên nhiều kẻ xấu đã lợi dụng tâm lý sẵn sàng chi tiền để làm đẹp của các chị em buôn bán những loại mỹ phẩm nhái, giả, nhập lậu không rõ nguồn gốc của các nhãn hiệu lớn, nâng giá thành cao để thu lời.

Bà nội trợ Việt sính mỹ phẩm nhập ngoại xách tay và cái kết đắng

Nhiều spa bán hàng qua mạng xã hội tung những hình ảnh so sánh như trên nhằm đánh lạc hướng người tiêu dùng như tem chống giả, tem bộ y tế trong khi thực tế những sản phẩm này là hàng giả, không hề có trong danh mục nhãn hiệu mỹ phẩm

Anh Nguyễn Đình Hân - chủ cửa hàng mỹ phẩm liên bang Đức trên đường Nghĩa Tân, Cầu Giấy cho hay, gia đình anh đã buôn bán mỹ phẩm suốt 5 năm năm qua, gặp không ít những mối hàng mỹ phẩm giả nên anh cũng nắm được một số bí quyết để chị em nhận biết mỹ phẩm nhái và mỹ phẩm thật.

"Ngoài việc kiểm tra mã vạch thương hiệu, chị em nên yêu cầu xem các loại tem nhãn phụ được đính kèm sản phẩm. Nếu đó là hàng đóng thuế nhập khẩu, trên tem sẽ ghi rõ tên công ty nhập khẩu nhập từ nước nào, lô bao nhiêu.

Các loại kem chính hãng thường tơi xốp, đặc vừa phải, còn các loại kem nhái thường là kem trộn gia công, thường có mùi thơm của hóa chất, hăng hơn. Ngoài ra, sản phẩm làm trắng càng nhanh thì càng gây hại cho da, có nhiều khả năng chứa corticoid. Bạn có thể tham khảo người dùng khác, những review sản phẩm trên page để biết tác dụng của sản phẩm có nhanh chóng hay không, nên cẩn trọng hết sức để có thể biết được chất lượng sản phẩm mình bỏ tiền mua" - anh Hân chia sẻ.

Đầu tháng 7 vừa qua, tại Hà Nội, Cục quản lý thị trường phối hợp cùng công an quận Hà Đông đã thu giữ 13.000 lọ mỹ phẩm giả không rõ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ. Những lọ mỹ phẩm này mang nhãn hiệu mỹ phẩm nổi tiếng của nước Pháp. Nhưng thực tế khi kiểm tra thì nhãn hiệu trên khồng hề có dòng sản phẩm này, đây là hàng giả, kém chất lượng nhưng vì mang mác "mỹ phẩm ngoại nhập" nên rất nhiều người đặt mua.

Hiện nay, mỹ phẩm nhập lậu cũng đang có chiều hướng gia tăng tại các cửa khẩu biên giới, những loại hàng hóa nhập lậu này sau khi được đưa vào nội địa sẽ được dán tem nhãn ngoại nhập và được bán với giá cao ngất ngưởng. Hoặc thậm chí, nhiều kẻ còn làm kem trộn kém chất lượng, chứa nhiều chất độc hại có tác dụng làm trắng da nhanh để đánh lừa khách hàng trong những ngày đầu.

Những cái kết đắng của bà nội trợ Việt 'sính' mỹ phẩm nhập ngoại 'xách tay'

hàng ngoại giả

Có người còn tổ chức thu mua vỏ, bao bì của những loại mỹ phẩm đắt tiền để đóng gói hàng giả bán ra thị trường. Thậm chí, có những kẻ còn sẵn sàng làm hẳn tem chống hàng giả, tem xác nhận của cơ quan chức năng để qua mắt người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Đắc Lộc - Cục phó Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội cho hay: "Người tiêu dùng nên đặc biệt cảnh giác những loại hàng hóa nhập lậu thường được bán với giá cao như mỹ phẩm hay thực phẩm chức năng...

Hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng giả thường không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ nên thường được nhiều kẻ hám tiền quảng cáo là hàng xách tay để đánh lừa người tiêu dùng. Nhiều người cũng nghĩ hàng xách tay không bị đánh thuế nên giá rẻ hơn càng khiến nhiều người tìm mua vì cho rằng mua được đồ chính hãng giá rẻ.

Trong khi những mặt hàng xách tay thường không có tem nhãn phụ, không có hóa đơn, không có tem của đơn vị nhập khẩu, rất dễ trở thành màng ngụy trang cho hàng lậu nên người tiêu dùng sẽ không biết được nguồn gốc hàng hóa từ đâu".

Lương Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Phương pháp 1357 giúp giảm cân nhanh mùa giãn cách