Người mẹ trẻ kiên quyết muốn thay tên bố cho con trong giấy khai sinh vì chồng quá tệ bạc
Tin liên quan
Gần đây, một phụ nữ trẻ 26 tuổi ở Hà Nội đã gửi đến Emdep.vn một thư ngỏ mong được hướng dẫn những thủ tục liên quan đến vấn đề thủ tục ly hôn khi trong cơ thể chị đang mang một đứa con của người đàn ông khác.
Đặc biệt hơn, một người phụ nữ khác dù đã lấy chồng "tập 2" nhưng vì quá căm phẫn chồng cũ nên kiên quyết muốn thay tên cha cho con trai trong giấy khai sinh. Vậy tâm nguyện của bà mẹ này liệu có thực hiện được?
Emdep.vn xin trích lại nguyên văn câu hỏi và lời giải đáp tư vấn của luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp.
Bạn đọc hỏi:
Tôi lấy chồng và có một cậu con trai với người chồng đầu. Sau 3 năm kết hôn chúng tôi ly dị vì có những mâu thuẫn không thể tìm được tiếng nói chung. Hơn nữa, anh đối xử với tôi rất tệ bạc khi thường xuyên nghe lời mẹ chồng để đánh đập tôi. Cuộc sống của tôi chẳng khác nào địa ngục.
Sau khi ly hôn chồng, tôi yêu và cưới người đàn ông khác. Người chồng thứ hai rất tốt với con riêng của tôi. Anh yêu thương con chẳng khác gì con đẻ của mình. Con tôi cũng rất quý mến anh nên tôi mong muốn đổi tên cha trong giấy khai sinh của con trai mình. Cụ thể, thay vì tên chồng cũ, tôi muốn chồng thứ 2 đứng tên cha của con tôi.
Vậy tôi có được phép làm điều đó không và nếu được, tôi cần chuẩn bị những thủ tục gì? (Xuân Hà, 26 tuổi HN)
Không thể tự ý yêu cầu thay đổi người cha đẻ trên giấy khai sinh của con mình. Ảnh minh hoạ.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái:
Chào chị Xuân Hà!
Trước hết, trong trường hợp này, chị muốn đổi tên cha trong giấy khai sinh của con trai, thay tên người chồng cũ bằng tên người chồng mới trong giấy khai sinh là không có cơ sở để thực hiện được.
Bởi lẽ, tại điều 7 Nghị Định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hộ tịch thì việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại khoản 1, điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong tờ khai. Đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thì còn phải có sự đồng ý của người đó nữa.
Người con trai này là con ruột trong thời kỳ hôn nhân của hai vợ chồng chị. Việc thay đổi tên người cha trong giấy khai sinh đồng nghĩa với việc chị yêu cầu không công nhận quan hệ cha con họ. Mà việc này là không phù hợp với quy định của pháp luật, vi phạm nguyên tắc tôn trọng và bảo đảm quyền nhân thân của cá nhân quy định tại khoản 1 điều 5 Luật Hộ tịch.
Pháp luật chỉ quy định những người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu tòa án xác định người đó không phải là con của mình. Vì vậy, chị không thể tự ý yêu cầu thay đổi họ tên người cha đẻ trên giấy khai sinh của con mình. Điều này ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp cũng như những nghĩa vụ, trách nhiệm mà pháp luật quy định cho 2 cha con họ.
Bạn đọc hỏi:
Tôi và chồng tôi đã kết hôn được 5 năm nay nhưng không có con. Nguyên nhân cũng vì tôi bị bệnh phụ khoa nên khó có con. Chồng và cả gia đình chồng cho rằng tôi không thể có con nên cuộc sống hôn nhân của chúng tôi nhiều mâu thuẫn và không hạnh phúc. Tôi đã ra khỏi nhà chồng và sống ly thân 2 năm nay. Chúng tôi đã nhiều lần muốn tiến hành thủ tục ly hôn nhưng cả 2 bận việc nên cứ chỉ sống ly thân như vậy.
Trong thời gian này, tôi gặp và yêu người đàn ông mới. Chúng tôi xác định đến với nhau nên đã sống như vợ chồng. Hiện, tôi phát hiện mình đang có thai 3 tháng nên muốn thủ tục ly hôn tiến hành nhanh chóng. Vậy tôi phải thực hiện những thủ tục gì? (Xin giấu tên)
Luật sư Nguyễn Hồng Thái:
Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Điều 51 Luật này đã quy định rõ về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn:
- Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
- Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Như vậy, việc hạn chế quyền yêu cầu ly hôn khi vợ đang mang thai chỉ áp dụng đối với người chồng. Việc đang mang thai không ảnh hưởng đến quyền yêu cầu ly hôn của người vợ.
Trong trường hợp này, nếu cả vợ và chồng cùng đồng thuận ly hôn thì bạn có quyền yêu cầu tòa án công nhận thuận tình ly hôn. Nếu người chồng không đồng ý ly hôn thì người vợ có quyền đơn phương gửi đơn yêu cầu xin ly hôn tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Nếu chồng không đồng ý ly hôn thì người vợ có quyền đơn phương gửi đơn yêu cầu xin ly hôn tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Ảnh minh hoạ.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Hồng Thái, để hoàn tất thủ tục ly hôn trong trường hợp này nên phải chuẩn bị những đơn từ sau:
- Nộp hồ sơ yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn hoặc khởi kiện về việc xin ly hôn tại TAND quận/huyện nơi cư trú, nơi làm việc của vợ hoặc chồng.
- Chuẩn bị hồ sơ ly hôn bao gồm:
+ Đơn yêu cầu thuận tình ly hôn/ đơn khởi kiện về việc xin ly hôn
+ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính)
+ Sổ hộ khẩu, CMTND (bản sao)
+ Giấy khai sinh của con (bản sao nếu có)
- Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Giấy đăng ký ô tô, xe máy; Hợp đồng mua bán nhà ở…
Sau khi nộp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Tòa án sẽ thụ lý và giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Cù Hiền ghi
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất