Nắng nóng đỉnh điểm, “thượng đế” thèm đến mấy cũng cần nắm BÍ KÍP nhận diện chè kem “ngậm” toàn ĐƯỜNG HÓA HỌC
Tin liên quan
Kem chè 10k “hút khách”
Giữa trưa nắng, một tốp các cô gái trẻ tấp vào một quán chè tại một con ngõ nhỏ trên phố Nguyễn Công Hoan, Q. Ba Đình, Hà Nội. Bà chủ quán chè đon đả mời khách: “Chỉ 12k/ cốc, thơm ngon mát lịm”. 6 cô nàng, mỗi cô một cốc chè đủ màu xanh đỏ, ai nấy đều hỉ hả vì chè ngon, giá rẻ.
Nắng nóng cao điểm, ở Hà Nội nhan nhản quán chè giá rẻ như thế. Đặc biệt là những khu vực đông dân công sở, trường học như Q. Ba Đình, Q. Cầu Giấy, Q. Thanh Xuân…, quán chè nào cũng “đuổi không hết khách” trong những ngày nắng nóng. Theo đó, giá cả dao động từ 12 – 15.000 đồng/ cốc.
Nắng nóng, chè là món ăn vô cùng "hút khách". Ảnh: Thu Hà
Chị Trâm Anh, chủ một quán chè đồng giá 10.000 đồng tại Q. Hà Đông “bật mí” mỗi ngày nắng nóng cao điểm chị có thể bán ước chừng 200 cốc chè, chưa kể kem ly, kem xôi mà gia đình chị tự làm. Tại cửa hàng chị, các món kem cũng chỉ có giá 8 – 10.000 đồng/ ly.
Theo chị Trâm Anh, giá rẻ, chỉ cần 10.000 đồng là có cả một cốc to, ngồi nhâm nhi chính là lý do khiến chè trở thành món khoái khẩu trong ngày nóng.
Chỉ cần bỏ ra là 10.000 đồng là có ngay một cốc chè mát lạnh. Nhưng bí mật đằng sau cốc chè "siêu rẻ" thì chỉ có người bán hàng mới biết! Ảnh: Thu Hà
Không chỉ có các món chè, những que kem mát lạnh cũng luôn được đưa vào danh sách các món khoái khẩu hàng đầu trong những ngày hè oi bức. Trong đó, món kem cân rất được ưa chuộng, bán rộng rãi tại các cửa hàng, tạp hóa, quán trà sữa, café, khu chợ…
Chị Phạm Thị Mai, chủ một cơ sở sản xuất kem cân tại Q. Hoàng Mai cho biết, thời điểm này rất đông khách đến cơ sở chị lấy kem cân để bán.
Không chỉ bán kem cho các cửa hàng tại Hà Nội, chị còn ship kem cân đi các tỉnh với số lượng lớn. Nếu mua sỉ 10kg kem giá chỉ 37.000 đồng/ kg. Nếu lấy số lượng 20 – 30kg thì giá còn rẻ hơn nữa. Khi chúng tôi thắc mắc về chất lượng kem, chị Mai khẳng định kem không có đường hóa học, chất bảo quản và được sản xuất bằng nước đun sôi thay vì…nước lã.
Bí kíp nhận diện kem chè “ngậm” đường hóa học
Khảo sát một số địa chỉ bán kem cân tại Hà Nội, chúng tôi nhận được báo giá chỉ trên dưới 50.000 đồng/ kg. Có nơi bán đầy đủ bột làm kem các vị như socola, dâu, vani, chanh leo…với giá chỉ từ 60 – 70/000 đồng/ gói bột 1kg.
Người mua sẽ được “khuyến mãi” thêm công thức làm kem vô cùng đơn giản, chỉ cần đánh tan 1kg bột làm kem với 2 lít nước 70°C, hòa với 1 lít sữa tươi, 250ml kem béo thực vật, làm lạnh rồi đổ vào máy làm kem là có 4kg kem thành phẩm. Tính ra lãi gấp đôi, nếu làm khéo có thể lãi gấp ba lần số vốn bỏ ra.
Với cách làm kem siêu lợi nhuận như thế, không ít người tiêu dùng sẽ đặt câu hỏi chất lượng của những món đồ giải nhiệt này tới đâu và làm cách nào để nhận biết que kem “ngậm” đầy đường hóa học, chất bảo quản?
Kem cân giá chỉ vài chục ngàn/ kg trở thành món quà vặt siêu lợi nhuận. Ảnh minh họa.
Trả lời thắc mắc này, anh Toàn, chủ một doanh nghiệp sản xuất kem tại Q. Bắc Từ Liêm khẳng định nhận diện kem “bẩn” không quá khó như mọi người tưởng tượng.
Bản thân anh Toản cũng là người nhiều năm lăn lộn với nghề làm kem, từng từ chối lời mời làm kem cho những cơ sở không đảm bảo vệ sinh. “Kem chứa đường hóa học ăn xong thường có cảm giác rất khát nước, cảm giác bột kem bám lạo xạo trên bề mặt lưỡi. Ngược lại kem có chất lượng tốt luôn có vị béo của bơ sữa, ngọt thanh của đường kính, ăn cảm giác kem rất mịn. Ngoài ra, kem chất lượng tốt sẽ có nhãn mác, bao bì ghi nơi sản xuất, hạn sử dụng rất rõ ràng”, anh Toản tư vấn.
Chị Ngô Ngọc Thùy Trang, một giáo viên dạy nấu chè tại TP.HCM cũng nhận định: “Chè có đường hóa học ăn xong thường có cảm giác ngọt gắt, lờ lợ trong cổ họng”.
Vốn là một người rất mê ăn vặt, chị Trang cũng từng la cà khắp các quán chè ở TP.HCM và chị nhận thấy, cứ quán nào nấu chè sử dụng đường hóa học là ăn xong chị cũng có cảm giác khó thở, mệt mỏi ngay lập tức.
“Nếu nấu chè bằng đường kính thì mất tới cả cân đường cho một nồi chè. Chè ngọt thanh cần dùng đường phèn, ngọt sắc cho đường kính trắng, một số loại chè cần hương thơm bên cạnh vị ngọt thì cần phải cho mật mía.
Trong khi đó, nếu chè nấu bằng đường hóa học thì chỉ cần một chút xíu đường là ngọt lừ cả nồi chè. Cho nên, chè nấu bằng đường hóa học thường có giá rất rẻ, chỉ dao động từ 5 – 10.000 đồng/ cốc”, chị Trang lý giải.
Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất