Không phải ai cũng được hưởng trọn vẹn Tết sum vầy, vẫn có nhiều người không có Tết đang cực nhọc mưu sinh

2018-02-16 14:00
- Vẫn có những người cố gắng bám trụ, tiếp tục ở lại mưu sinh tại đất khách quê người để kiếm tiền hỗ trợ gia đình.

Tết Nguyên đán là kỳ nghỉ dài nhất và quan trọng nhất trong năm của người Việt. Tất cả mọi người đều được trở về nhà, hưởng thụ những giây phút sum vầy bên gia đình sau cả năm xa cách, mệt nhọc làm việc. Tuy nhiên, không phải ai cũng được hưởng trọn vẹn 7 ngày nghỉ Tết. Vẫn có những người cố gắng bám trụ, tiếp tục ở lại mưu sinh tại đất khách quê người để kiếm tiền hỗ trợ gia đình.

Chị Nguyễn Thị Thắm, quê ở Tây Nguyên tìm đường đến Hà Nội để mưu sinh cùng chị gái. Công việc của hai chị em là đến bệnh viện nhận chăm sóc những người bệnh thay người nhà của họ. Mỗi ngày có thể kiếm được rất khá, khoảng 200.000 - 300.000 đồng mỗi ngày nhưng cũng rất cực nhọc, vất vả. 

Tâm sự của những người không có Tết

Công việc ô sin bệnh viện yêu cầu chị Thắm phải túc trực 24/24 tại bệnh viện

Chị Thắm tâm sự: "Nghề của mình người ta còn gọi là ô sin bệnh viện, nhiều người có bố mẹ nằm viện dài ngày nhưng bận công việc không vào chăm nom được thì mình nhận làm giúp, mỗi tháng cũng kiếm được 5 - 7 triệu, mỗi tội nghề này vất vả vì thường xuyên phải thức trực bệnh nhân, không có hôm nào được ngủ tròn giấc".

Làm công việc này đã 5 năm, dù rằng tiền kiếm được không ít nhưng chị Thắm chưa có được 1 cái Tết nào quay trở lại nhà mình ở Tây Nguyên: "Tết nhiều osin bệnh viện họ cũng nghỉ về quê, thành ra nhiều bệnh nhân ở viện không có ai chăm. Có những người ra giá 400.000 - 500.000 đồng/đêm trông nom, nếu vậy thì chỉ sau 10 ngày Tết mình đã kiếm được 5 triệu đồng rồi, thế nên mình cố ở lại làm, kiếm được thêm tiền gửi về cho bố mẹ và 2 em đang tuổi ăn học".

Tâm sự của những người không có Tết

Toàn bộ đồ đạc của chị Thắm cũng ở tại hành lang bệnh viện

Tết này chị không về, một phần là vì tiền tàu xe từ Hà Nội về Tây Nguyên rất đắt đỏ, một phần vì chị muốn tiếp tục ở lại kiếm tiền giúp đỡ bố mẹ. Chị Thắm cho hay, mang tiếng là mỗi tháng thu nhập được 7 triệu nhưng chị chỉ dám thuê nhà trọ 50.000 đồng/ngày để tắm rửa giặt dũ, ăn suất cơm 20.000 đồng cho qua bữa, còn lại bao nhiêu tiền chị kiếm được đều tích cóp gửi về cho bố mẹ già nuôi các em. 

"Mình cũng buồn nhưng cũng phải gạt sang một bên, sau Tết có nhiều thứ phải chi nên mình cố gắng kiếm thêm. Ở bệnh viện đón Tết cũng vui lắm, các bác sĩ cũng mang bánh chưng, kẹo đến cho mọi người nên mình không thấy thiệtt thòi nhiều" - chị Thắm chia sẻ.

May mắn hơn chị Thắm, gia đình cô Phạm Thị Nụ (Ba Đình) ở ngay giữa lòng Hà Nội nhưng Tết năm nay, cô Nụ cũng xác định đêm 30 sẽ không ở cùng gia đình mà nhận đi trực để kiếm thêm tiền. Vợ chồng cô Nụ làm nhân viên môi trường đã hơn 10 năm nay, cứ đến ngày Tết thì một trong hai vợ chồng cô lại đi trực.

"Gia đình chúng tôi đều ở Hà Nội, không phải về quê đón Tết như các đồng nghiệp nên năm nào vợ chồng tôi cũng nhận trực. Đi trực Tết còn được nhận thêm 100% lương nên hai vợ chồng cũng động viên nhau, kiếm được thêm một ít trang trải cuộc sống.

Đêm 30 năm, tôi nhận đi trực, còn chồng ở nhà lo cúng giao thừa với các con. Công việc cũng không khó khăn lắm, đường phố cũng không nhiều rác nên cũng thảnh thơi, mỗi tội hơi rét mướt một tí" - cô Nụ cười vui chia sẻ.

Tâm sự của những người không có Tết

Công việc trực vào ngày nghỉ lễ của cô Nụ giúp cô có thêm thu nhập vào những ngày Tết

Công việc trực Tết bắt đầu từ ngày 29 Tết đến ngày mùng 3, trừ đêm 30 là mỗi mình chị Nụ đi trực thì những ngày khác hai vợ chồng chị đều đi làm cùng nhau. Chị Nụ cảm thấy may mắn vì hai con của mình đều trưởng thành từ rất sớm, biết bố mẹ vất vả nên thường khuyên nhủ nhau chăm ngoan, quán xuyến việc nhà giúp mẹ.

"Năm ngoái, ngay sau khi qua 12h đêm giao thừa, con nó gọi cho tôi, hỏi mẹ đang ở đâu để con ra đưa cho mẹ bi-đông đựng nước chè nóng với miếng bánh chưng, vì ca trực của tôi phải đến 4h sáng mới kết thúc, con sợ tôi đói với buồn. Thấy con gọi chúc mừng năm mới qua điện thoại mà mừng ghê" - cô Nụ cho hay.

Không chỉ những người lao động mưu sinh không thể đón Tết, ngay cả đội ngũ các bác sĩ cũng khó có thể đón được một cái Tết tròn đầy cùng gia đình, khi mà dịp Tết thường xuyên phải trực cấp cứu tai nạn, tiếp nhận những ca cấp cứu nghiêm trọng được chuyển lên từ tuyến dưới.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Khoa Cấp cứu, bệnh viện Nhiệt đới TƯ) cho hay, trong những ngày Tết, đội ngũ y bác sĩ chia nhau ra thành từng ca trực để ai cũng có thể được nghỉ 1 - 2 hôm về bên vợ con. Nhưng tất cả mọi người đâu phải luôn trong tình trạng sẵn sàng được điều động cứu chữa bệnh nhân. Riêng bản thân bác sĩ Cấp cũng đã có rất nhiều năm đón giao thừa tại bệnh viện.

"Việc bệnh nhân xông đất bệnh viện cũng là chuyện thường xuyên, có những khi cấp cứu cho bệnh nhân xong, ngẩng đầu lên thì đã sang năm mới rồi, anh em cũng chỉ biết nhìn nhau cười rồi chúc mừng năm mới thôi" - bác sĩ Cấp chia sẻ.

Lương y cũng bộc bạch, may mắn là cả hai vợ chồng bác sĩ đều làm nghề y nên rất thấu hiểu những khó khăn trong công việc cứu chữa người bệnh. Những ngày Tết nhất, không chỉ bác sĩ Cấp trực mà vợ anh cũng phải đến bệnh viện để đôn đốc công việc đầu năm. Anh tâm sự, nhiều khi cũng thấy thương con cái ở nhà, nếu có cơ hội thì chắc chắn sẽ đưa các con đi xem pháo hoa mừng năm mới đêm giao thừa như bao gia đình khác.

Lương Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Chốt thời gian nghỉ Tết của học sinh Hà Nội