Đuôi lợn Ý, gân bò Ấn Độ: Tây cấm ăn, dân Việt nhậu tuốt

2017-04-13 08:12
- Đuôi lợn, lưỡi lợn, gân bò, tim, mề, gân gà,... đang được gom từ khắp các nước trên thế giới để về làm món ăn chiều dân nhậu. Trong khi đó, một số nước trên thế giới lại cấm dùng phụ phẩm chế biến thức ăn cho người, chỉ có thể làm thức ăn cho gia súc.

Phụ phẩm thành món nhậu 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2016, lượng thịt lợn các loại được nhập khẩu về Việt Nam đạt 39.400 tấn, trị giá 44 triệu USD. Trong đó, chủ yếu là phụ phẩm sau giết mổ của lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh, với giá bình quân 21.000 đồng/kg. 

Đơn cử, như mặt hàng đuôi lợn, Việt Nam đã chi tới gần 3,2 tỷ đồng để nhập 94 tấn đuôi lợn từ các nước Italia, Ba Lan với mức giá lần lượt là 20.000 đồng và 50.000 đồng/kg. 

Còn từ đầu năm đến giữa tháng 3/2017, cả nước đã nhập khẩu gần 7.800 tấn thịt lợn các loại, trị giá hơn 9,4 triệu USD, thì phụ phẩm sau giết mổ của lợn tươi được nhập về cũng chiếm tới 5.400 tấn, trị giá 4,8 triệu USD, tương đương 0,88 USD mỗi kg (khoảng 20.000 đồng). 

Tim lợn nhập khẩu được rao bán tràn lan. 

Ghi nhận của PV, trên mạng xã hội, các loại phụ phẩm động vật từ Italia, Brazil, Ba Lan, Mỹ, Tây Ban Nha, Ấn Độ,... được rao bán tràn lan. Ví như trên trang web thucphamv... có bán đuôi lợn nhập khẩu đông lạnh giá 40.000 đồng/kg, đầu lợn 35.000 đồng/kg, lưỡi lợn 85.000 đồng/kg, tim lợn Tây Ban Nha 46.000 đồng/kg,... 

Trang web này cũng quảng cáo, tất cả các mặt hàng trên đều được bảo quản lạnh ở nhiệt độ âm 18 độ C. Hàng được đóng thùng, nguyên kiện từ nước nhập khẩu nên đảm bảo độ ngon. 

Trong vai người đi mua hàng để về làm nguyên liệu chế biến các món nhậu, PV được nhân viên tên Tuấn của một công ty thực phẩm tại quận Tân Bình, TP.HCM giới thiệu: “Hiện sụn gà thì tụi anh hết hàng, chờ mấy hôm nữa có sẽ báo giá cụ thể cho em. Còn gân bò chữ y hàng của Ấn Độ giá 135.000 đồng/kg, mề gà giá 42.000 đồng/kg”. 

Nhân viên tên Tuấn nhấn mạnh, tất cả đều là hàng đông lạnh nhập khẩu, hạn sử dụng còn ít nhất 5 tháng. Nếu lấy với số lượng càng lớn thì giá càng rẻ vì nguồn hàng hiện giờ rất dồi dào. Do đó, nhập với số lượng vài tạ một ngày công ty này cũng đáp ứng và có sẵn hàng để giao ngay trong ngày. Đặc biệt, phía công ty sẽ giao hàng khắp cả nước nếu khách có nhu cầu. 

“Dạo này mấy món hút hàng, trong đó, khách ăn hàng phần lớn là các nhà hàng, quán nhậu. Họ toàn lấy cả vài chục ký mỗi ngày về làm món nhậu phục vụ khách”, anh Tuấn chia sẻ. 

Anh Nguyễn Văn Huân, quản lý một quán nhậu trên đường Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) thừa nhận, quán của anh thường xuyên nhập các loại mề gà, tim gà, đuôi lợn,... từ các nước về làm món nhậu phục vụ khách. 

“Đây toàn là những món khoái khẩu dân nhậu hay gọi. Thế nhưng, nếu dùng hàng tươi của Việt Nam thì gom không thể đủ được so với nhu cầu phục vụ cả ngàn khách  mỗi ngày. Trong khi, hàng nhập khẩu giá chỉ rẻ bằng một nửa, nguồn cung lại dồi dào. Lấy về chỉ cần rã đông là có thể chế biến”, anh Huân chia sẻ. 

Thế giới làm thức ăn cho gia súc 

Khi đề cập đến vấn đề phụ phẩm động vật được nhập khẩu từ rất nhiều nước về Việt Nam, một lãnh đạo trong ngành Thú y khẳng định, tất cả sản phẩm động vật gồm thịt, phụ phẩm và nội tạng đều được kiểm tra cảm quan và lấy mẫu kiểm tra vệ sinh thú y tại cửa khẩu vào Việt Nam.

Chỉ những lô hàng đạt yêu cầu mới được phép cho thông quan, đưa ra bán trên thị trường phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. 

Phụ phẩm động vật đang được gom từ khắp các nước trên thế giới để về Việt Nam làm món ăn cho dân nhậu. 

Tuy nhiên, theo ông Trần Duy Khanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam, chất lượng các loại phụ phẩm được nhập về có đảm bảo an toàn hay không thì không thể kiểm tra được bởi hàng rào kỹ thuật của ngành Thú y Việt Nam còn nhiều hạn chế. 

Ông Khanh cho hay, các nước trên thế giới, nhất là châu Âu họ cấm không được sử dụng các loại phụ phẩm chế biến thức ăn cho người, chỉ được phép làm thức ăn cho gia súc. Thế nên, những loại phụ phẩm động vật sau khi giết thịt được chất đống trong kho lạnh, đến lúc hàng nhiều thì xả ra bán với giá rẻ. Nhiều khi khó có thể kiểm soát được chúng đã tồn kho trong vào bao nhiêu lâu, đã hết hạn sử dụng hay chưa? 

Trong khi, doanh nghiệp mình hám lợi, thấy giá rẻ thì cứ thế nhập về rồi bán ra thị trường, còn dân Việt lại đua nhau ăn vì thấy đúng món mình thích. 

“Nhiều khi hàng ôi thiu, hàng thối dân cũng không phát hiện ra, cứ thế mua bừa về ăn”, ông Khanh nói. Hàng năm, lượng phụ phẩm động vật tạm nhập tái xuất về Việt Nam với con số lượng lên đến hàng triệu tấn. Song, số phụ phẩm này được tái xuất đi bao nhiêu và số lượng bị tuồn vào tiêu thụ trong nước chừng nào thì không ai biết. Đó chưa kể, một khối lượng phụ phẩm cực kỳ lớn vẫn được nhập lậu về Việt Nam, và đã là hàng nhập lậu thì không được kiểm soát về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Thực tế, trong những năm gần đây, cơ quan chức năng các địa phương đã liên tục bắt giữ các vụ vận chuyển nội tạng thối khi trên đường đem đi tiêu thụ. Số lượng mỗi vụ bắt giữ lên đến hàng tấn hoặc vài tấn. Như cuối tháng 3 vừa qua, đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị) đã bắt giữ vụ vận chuyển 700 kg gân gà không có giấy tờ, nghi được đưa từ Lào về Việt Nam. 

Theo Như Băng/VNN 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Không ngờ con trai Ly Kute đã lớn thế này: Ngoại hình bảnh bao, lại còn 'ga lăng' làm một việc giúp mẹ