Đoàn người dắt xe máy ngược chiều trên phố Hà Nội để "né" bị CSGT phạt có phạm luật?

Thu Hà 2018-11-05 15:21
- Nhiều người dân dắt xe máy ngược chiều trên phố Tố Hữu (TP Hà Nội) thu hút sự hiếu kỳ của người xem.

Sáng 5/11, mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại hình ảnh nhiều người dân dắt xe máy ngược chiều trên vỉa hè phố Tố Hữu, quận Hà Đông, Hà Nội. Trên vỉa hè là hai chiến sĩ cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Nhiều người đi đường hiếu kỳ đã quay lại clip và tung lên mạng. 

Cư dân mạng đã "dậy sóng" trước clip này. Nhìn hình ảnh bi hài cả tuyến phố bỗng trở thành "phố đi bộ", không ít người ngán ngẩm cho ý thức tồi của cả một đoàn người. 

Cả đoàn người dắt xe máy ngược chiều trên phố Hà Nội để né bị CSGT phạt mà không biết mình đang phạm luật?

"Phố dắt bộ" ngược chiều gây "sốt" mạng xã hội sáng nay. Ảnh: MXH

Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng, đây là một cách để người dân thoát tắc đường hoặc đây là một chiêu để "né" việc bị CSGT xử phạt. 

Tuy nhiên, cũng có câu hỏi được đặt ra là liệu dắt xe máy đi ngược chiều trên vỉa hè có phạm luật không? Bởi thực tế có không ít tình huống người dân dắt xe máy đi ngược chiều vì sự thuận tiện, khỏi phải sang đường.

Đặc biệt là vào giờ cao điểm buổi sáng, khi dân công sở phải "giành nhau từng centimet đường" để tới cơ quan cho kịp giờ làm. 

Nói về clip đoàn người đi ngược chiều trên phố Hà Nội này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, căn cứ khoản 1 Điều 9 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định, người tham gia giao thông phải đi về bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống đèn, biển báo hiệu đường bộ.

Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về mức xử phạt vi phạm giao thông đường bộ và đường sắt, tại Khoản 4 của Điều 6, xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy từ 300.000 - 400.000 đồng khi thực hiện hành vi vi phạm sau đây: "Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi; đi không đúng phần đường, làn đường đã quy định hoặc điều khiển xe đi trên vỉa hè, trừ trường hợp như điều khiển xe đi qua hè phố để vào trong nhà". 

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, có thể đây là một hình thức chống đối của người vi phạm đối với CSGT. Tuy nhiên, để có thể xử phạt, CSGT phải chứng minh được lái xe vi phạm khi đang tham gia giao thông như không đội mũ bảo hiểm, đi vào đường ngược chiều,…

Nếu người vi phạm không thừa nhận thì CSGT có thể chứng minh có thể bằng camera hình ảnh, người làm chứng,…

Nếu không chứng minh được lái xe vi phạm thì CSGT không thể xử phạt vì luật quy định người đang điều khiển phương tiện mà vi phạm thì mới bị xử phạt.

"Trong trường hợp này họ đang dắt xe chứ không điều khiển xe tham gia giao thông", Luật sư Thơm giải thích.

Tuy nhiên, nếu dắt xe mà gây cản trở giao thông thì tùy tính chất, mức độ của hành vi CSGT sẽ nhắc nhở, tuyên truyền hoặc có thể xử phạt.

"Trong vụ việc này các cơ quan chức năng cũng cần thiết xem xét lại việc tổ chức giao thông, phân luồng để làm sao thuận lợi cho nhu cầu đi lại của nhân dân tránh việc phải đi vòng quay lại, dù đoạn đường đi rất gần. 

Đã có rất nhiều tuyến đường cấm đi ngược chiều nhưng nếu người dân đi ra ngay đầu phố phải đi vòng rất xa.

Điển hình như phố Nguyễn Khuyến, quận Đống Đa, Hà Nội đã từng cấm một đoạn ngắn đi ngược chiều ra đường Lê Duẩn dẫn tới tình trạng người dân phải dắt bộ xe máy mà người dân thường gọi là "phố dắt bộ".

Sau này, các cơ quan chức năng đã tổ chức phân luồng giao thông lại cho phép đi 2 chiều và nhận được sự đồng tình trong nhân dân", Luật sư Thơm bày tỏ. 

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


7 mẹo trang điểm hoàn hảo cho ngày nắng nóng