Điểm chuẩn ngành sư phạm thấp: “Không bột có gột nên hồ”?

- Trước khi muốn cải cách chương trình giáo dục, Bộ GD&ĐT cần đảm bảo chất lượng giáo viên kẻo lúc đó lại “đốt đuốc đi tìm nhân tài”.

Tiếp tục một năm nữa, đầu vào ngành sư phạm phải hạ điểm xuống tận đáy để tuyển được người học. Trong khi đó, bộ GD&ĐT đang hối hả với Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nhưng tôi lại băn khoăn ai sẽ triển khai thành công chương trình này nếu không có thế hệ giáo viên kế cận tốt. Và với đầu vào thấp như nhiều năm nay, các trường sư phạm “không bột có gột nên hồ?”

Dư luận vài ngày qua được dịp ồn ào về điểm chuẩn một số ngành của ĐH Sư phạm Huế chỉ có 12,5 điểm(dưới mức điểm sàn ĐH của bộ GD&ĐT công bố). Tuy nhiên, theo giải thích của đại diện trường, điểm thấp là do cách tính điểm đặc thù, tổng điểm 3 môn vẫn trên điểm sàn.

Dù thông tin ngành sư phạm lấy điểm đầu vào dưới sàn là không có. Song việc trường sư phạm lấy điểm trúng tuyển ngang ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (15,5) không hề hiếm. Cụ thể, ĐH Hà Tĩnh lấy điểm chuẩn 15,5 cho tất cả ngành học, trừ Sư phạm Mầm non. Một số ngành như SP Toán học, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Âm nhạc của ĐH Sư phạm Thái Nguyên cùng lấy điểm trúng tuyển 15,5. Đây cũng là mức điểm trúng tuyển vào nhóm ngành Sư phạm Tự nhiên và Sư phạm Xã hội (trừ Giáo dục Tiểu học) của ĐH Vinh. Các ngành Sư phạm Sinh học, Hóa học, Vật lý và Giáo dục thể chất của ĐH Tây Nguyên lấy điểm chuẩn 15,5.

Điểm chuẩn ngành sư phạm thấp: “Không bột có gột nên hồ”?

Bản thân tôi khi đọc nhữn thông tin này thực sự ngao ngán. Bởi so với nhiều trường Công an, Quân đội…lấy điểm chuẩn có ngành lên đến 30, 30.5 điểm chẳng khác nào đặt người tí hon bên cạnh anh khổng lồ.

Tôi có đọc chia sẻ của một facebooker về điểm chuẩn ngành sư phạm, anh này thốt lên: “Không có quốc gia nào mà nghề cốt lõi nhất cho một đất nước, gốc rễ nền tảng nhất là giáo dục thì ngành sư phạm lấy đầu vào thấp nhất 12,5 điểm để sau này thành giáo viên”. Có lẽ nhiều người đồng cảm với chia sẻ của facebooker này, bởi dù có nghèo, có thiếu thốn nhưng không ai muốn con em mình học thầy kém. Muốn trò giỏi thì thầy phải giỏi mà "đầu vào" thấp thì để có chất lượng "đầu ra" cao là cả một bài toán khó giải.

Tôi nhớ buổi họp lớp lần đầu tiên của lớp cấp 3, cả lớp tôi “ấn tượng” nhất với việc đứa học dốt nhất lớp lại về làm giáo viên cấp 3 tại trường của thị trấn. Chẳng là, năm chúng tôi thi 3 chung, các trường ở Hà Nội cậu ta không thể có cửa đỗ vào. Chính vì thế theo tư vấn của gia đình, cậu ta cất công lên tận Sơn La thi vào ĐH Tây Bắc. Năm đó, điểm chuẩn để đỗ vào ngành cậu này đăng ký chỉ có 14 điểm.

Quả thật, nếu so sánh điểm chuẩn trường cùng ngành giữa ĐH Tây Bắc và ĐH Sư phạm Hà Nội thật là khập khiễng. Oái ăm thay, đứa đỗ ĐH Sư phạm Hà Nội ra trường lại chẳng thể xin vào đâu dạy được vì không chen được biên chế. Còn đứa đỗ ĐH Tây Bắc lại nghiễm nhiên có chân vào biên chế ở ngay quê nhà. Cậu ta hồ hởi bảo: “Rồi tớ sẽ dạy các con cậu”. Chúng tôi nói vui: “Mày có bao giờ xin “khất” học sinh lời giải bài toán để nhìn sách giải như ngày xưa đi học không?” Nó thành thật thật khai: “Nhiều bài toán khó, tao còn phải lên mạng nhờ giải. Lúc đó đương nhiên là phải “khất” học sinh rồi!”

Tôi đem câu chuyện điểm đầu vào ngành sư phạm nhiều năm thấp thê thảm trao đổi với một giảng viên. Vị này bảo: “Học giỏi ai chọn sư phạm làm gì. Các cháu giờ chọn Luật, Công an, Ngoại thương…ra trường là có việc làm, lương lại cao. Học sư phạm ra chật vật mới xin được biên chế, lương “ba cọc ba đồng”.

Nhiều em đầu vào kha khá học được một năm lại thi lại để vào trường khác. Giờ mong có em thích nghề giáo viên nộp hồ sơ vào xét tuyển là may lắm rồi! Đặc biệt, bộ GD&ĐT rục rịch muốn bỏ biên chế thì việc có người học đã khó, đừng mong đầu vào cao”. Những lời vị này nói khiến tôi nhận ra sang ngời một chân lý tuyển sinh, việc làm, chất lượng sinh viên sư phạm đang như các đường thẳng song song chẳng biết bao giờ có thể gặp nhau. Số lượng sinh viên sư phạm thất nghiệp theo thống kê ngày càng tăng. Các trường sư phạm vẫn tuyển sinh đều đều dù hạ điểm chuẩn xuống đáy.

Không những thế, đặc thù đào tạo đại học của VN là vào bao nhiêu ra bấy nhiêu thì dù có kém, sớm muộn các “thầy” vẫn ra được trường và có tấm bằng đỏ chót. Sau đó, tôi tính ít nhất có khoảng 35 thế hệ học sinh phải học thầy. Một người bán hàng tồi, khách hàng sẽ gặp một lần và bye bye. Nhưng một giáo viên kém thì có thể làm hỏng mấy chục thế hệ giáo viên.

Giáo dục đang được ví rối như canh hẹ, thiết nghĩ bộ GD&ĐT trước khi muốn cải cách chương trình giáo dục thì cần đảm bảo chất lượng giáo viên kẻo lúc đó lại “đốt đuốc đi tìm nhân tài”.

                                                                   Diệp Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Giải mã những lời đồn 'dựng tóc gáy' quanh ngày trăng tròn